Các cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản được biết đến là những thiên đường, nơi khách hàng có thể mua mọi thứ vào bất cứ thời gian nào, dù ngày hay đêm. Với những danh tiếng tốt đẹp đó, Japan Today cho biết việc chứng kiến một cửa hàng tiện lợi không mấy thân thiện với khách hàng là điều tương đối sốc.
Khi đến cửa hàng tiện lợi của Lawson ở Osaka, một người dùng Twitter tên @Changhaeng đã bắt gặp một mảnh giấy được dán trên tủ trưng bày bánh bao hấp.
Mặc dù được viết hoàn toàn bằng tiếng Nhật, thông điệp trên đó lại được gửi đến người nước ngoài. “Đối với khách hàng nước ngoài, kore bị cấm. Hãy nói nikuman kudasai”, theo thông điệp trên dán nhãn. Kore có nghĩa là “cái này” và nikuman kudasai có nghĩa là “tôi muốn mua một chiếc bánh bao hấp”.
Khi đọc thông điệp này, Japan Today cho biết dường như nhân viên cửa hàng hẳn đã chứng kiến nhiều khách hàng nói “kore” trong khi chỉ vào thứ cần mua trong tủ, với hình minh họa bằng một ngón tay đang chỉ.
Ngữ điệu của thông điệp cũng rất đáng chú ý, khi nó thiếu chữ “please” (tạm dịch: Làm ơn), khiến thông điệp như một mệnh lệnh chứ không phải lời đề nghị.
Điều đó cũng khác xa với mức độ lịch sự thường thấy trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng tại Nhật Bản.
“Tôi không nghĩ rằng từ ‘foreigner’ (tạm dịch: Người nước ngoài) nên được sử dụng ở đây”, một người dùng mạng xã hội cho biết.
Mảnh giấy gây tranh cãi tại cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản. Ảnh: Twitter/Changhaeng. |
“Nếu đó là một thông điệp cho người nước ngoài, nó có nên được viết bằng tiếng Anh không”, một người khác đặt câu hỏi. “Liệu điều đó có nghĩa là người Nhật có thể nói kore”, một người nói thêm.
Mặc dù có thể đúng là việc chỉ vào một món đồ đang được bày bán có thể gây khó khăn cho nhân viên trong việc tìm ra loại đang được khách hàng yêu cầu, các cửa hàng tiện lợi lại bày rất nhiều loại bánh bao khác nhau trên chiếc tủ đó. Do vậy, việc chỉ nói “nikuman kudasai” có thể sẽ không giải quyết vấn đề.
Trong mọi trường hợp, một mảnh giấy được viết hoàn toàn bằng tiếng Nhật không phải là cách tốt nhất để gửi thông điệp cho những người không thể đọc ngôn ngữ đó. Vì vậy, đây là lúc các chuỗi cửa hàng tiện lợi nên suy nghĩ về việc thực hiện một hệ thống đánh số cho các mặt hàng đang được bày bán trong chiếc tủ trưng bày đồ hấp.
Mảnh giấy cũng đã bị gỡ xuống sau khi nhiều người khiếu nại về điều này với trụ sở của Lawson. Công ty này cũng cho biết nhân viên từng nói với họ rằng mảnh giấy đã được dán vào khi một số khách hàng nhận được loại bánh bao khác với loại họ đã yêu cầu.
Công ty đã xin lỗi về mảnh giấy và từ ngữ của nó, khẳng định họ muốn xây dựng một cửa hàng nơi tất cả khách hàng đều có thể mua sắm một cách thoải mái.
Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản
Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản - một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.
Độc giả có thể đọc thêm tại đây.