Vào ngày 17/6, một mảnh đất thuộc không gian ảo trên nền tảng chuỗi khối Decentraland đã được bán với giá hơn 900.000 USD. Theo Decentraland Foundation, đây là mức giá kỷ lục của nền tảng.
Nơi tổ chức diễu hành tháng tự hào bên trong Decentraland. Ảnh: decentraland.org. |
Trong Decentraland, quyền sở hữu một nền đất ảo được mua bán dưới dạng NFT (non-fungible token). NFT là một loại hình tài sản mã hóa, ghi lại tình trạng sở hữu các hàng hóa điện tử trong chuỗi khối.
Khác với tiền mã hóa, mỗi NFT là độc nhất, không thể trao đổi với NFT khác. Vì tính chất này, NFT đang là xu hướng sở hữu tài sản ảo, từ video, ảnh, âm thanh, cho đến bất động sản ảo.
Theo Decentraland Foundation, mảnh đất được quỹ đầu tư bất động sản kỹ thuật số Republic Realm mua lại. Quỹ này do Republic, một nền tảng đầu tư của Mỹ thành lập.
Ở thời điểm hiện tại, đây là giao dịch NFT "đất ảo" có giá trị cao nhất, theo dữ liệu của DappRadar.
Mảnh đất này được chia ra thành 259 đơn vị hay "nền đất", rộng 66.304 nghìn mét vuông ảo, là bất động sản lớn nhất về quy mô từng được giao dịch trong Decentraland.
Giao dịch này được thực hiện bằng MANA, đơn vị tiền mã hóa của riêng Decentraland. Mảnh đất có giá 1.295.000 MANA, tương đương 913.228,2 USD ở thời điểm bán.
Giá bất động sản trên nền tảng chuỗi khối trong thế giới ảo tăng mạnh nhờ cơn sốt NFT. Từ đầu năm 2021, nhiều tác phẩm NFT được bán với giá hàng triệu USD. Trong đó, bức ảnh Everydays: the First 5000 Days, có giá 69,3 triệu USD, trở thành NFT đắt giá nhất.
Ngoài ra, các hãng thời trang lớn cũng chạy theo cơn sốt NFT. Tiêu biểu là Hublot, với mô hình 3D mẫu đồng hồ không hề tồn tại ngoài đời, đem về 1 tỷ USD trong chưa đầy 1 tháng.
Gần đây nhất, vào ngày 11/6, biểu tượng Dogecoin định dạng NFT được bán với giá 4 triệu USD.