Theo Kompas, ông Ferry Kono, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Indonesia (KOI), xác nhận rằng vấn đề có tước huy chương đối với trường hợp của Manganang hay không thuộc thẩm quyền của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF).
"Manganang được thi đấu vì đủ điều kiện tại cuộc họp kỹ thuật. Chúng tôi cũng sẽ liên lạc với Ủy ban Quy tắc và Thể thao của SEAGF. Tuy nhiên, nếu không có quốc gia nào khác khiếu nại kết quả của các kỳ SEA Games thì vấn đề này không cần phải quá lo lắng", ông Kono cho biết.
Manganang giúp Indonesia giành 3 huy chương tại các kỳ SEA Games. Ảnh: GMA. |
Tổng thư ký của KOI đánh giá rằng không nên tước huy chương của Manganang, vì cô đã được giới chuyên môn công nhận là nữ, khi thi đấu tại SEA Games. Trước đó, năm 2015, Liên đoàn Bóng chuyền Thế giới cũng cho phép Manganang thi đấu ở tuyển nữ Indonesia.
Sự góp mặt của chủ công Manganang giúp sức mạnh tuyển bóng chuyền nữ Indonesia mạnh lên đáng kể. Cô cùng đồng đội giành HCB SEA Games 2017, HCĐ SEA Games 2013 và 2015.
Tại SEA Games 2017, Manganang góp công lớn giúp tuyển nữ Indonesia vượt qua Việt Nam với tỷ số 3-2 tại bán kết, trước khi thua Thái Lan trong trận tranh HCV.
Hôm 10/3, Tổng tham mưu trưởng Andika Perkasa xác nhận Manganang là nam giới, sau khi trải qua các cuộc kiểm tra y tế kể từ ngày 3/2. Ông Perkasa giải thích Manganang bị một chứng rối loạn y khoa gọi là hypospadia (lỗ tiểu lệch thấp, một dị tật sinh dục tiết niệu bẩm sinh) ngay khi vừa sinh ra.
Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế lúc đó, Manganang đã được chỉ định giới tính nữ.
Tổng thư ký Kono cho biết sẽ cố gắng thương lượng với các quốc gia thành viên SEAGF để có thể giữ các tấm huy chương của môn bóng chuyền nữ. Ông cũng mong muốn công chúng không đổ lỗi hoặc gây sức ép lên Manganang, bởi những vấn đề này hoàn toàn thuộc trách nhiệm của đội ngũ y tế.