"Mỗi dịp Giáng sinh, dù không theo đạo Công giáo, tôi vẫn ghé các nhà thờ. Tôi đến để nghe thánh ca, đó là cách tôi tận hưởng không khí dịp lễ này bên cạnh đi chơi”, chị Thúy Nga (25 tuổi, ngụ quận 10) nói với Zing sau buổi lễ ở nhà thờ Vinh Sơn 6 (đường Nghĩa Phát, quận Tân Bình).
Biểu diễn thánh ca là hoạt động xuyên suốt mùa Giáng sinh thường được tổ chức tại các nhà thờ, giáo xứ trong thành phố. TP.HCM có rất nhiều ca đoàn Công giáo, tính sơ một giáo xứ có thể là nơi sinh hoạt của 3-5 nhóm hợp xướng. Mỗi ca đoàn có phong cách biểu diễn, độ tuổi thành viên hay mục đích khác nhau. Trong đó, Lumen là một nhóm hợp xướng có mục đích thiện nguyện.
Trong tối 21 và 23/12 cận lễ Giáng sinh, nhóm hợp xướng Lumen đã lưu diễn tại nhà thờ Cầu Kho (quận 1) và nhà thờ Vinh Sơn 6 (quận Tân Bình). Các đêm nhạc mang chủ đề Miracle of Love (tạm dịch: Huyền nhiệm tình yêu) chào đón khán giả vào tự do và miễn phí, không phân biệt giáo dân hay người ngoại đạo.
Nhóm hợp xướng Lumen biểu diễn tại nhà thờ Cầu Kho (quận 1) tối 21/12. Ảnh: Võ Sâm. |
Hoạt động của một ca đoàn thiện nguyện
Ca đoàn nói trên có tên đầy đủ là Nhóm Hợp xướng và Thiện nguyện Lumen. Theo giải thích của nhóm trưởng Nguyễn Khắc Tự Chí Anh, Lumen trong tiếng Latin nghĩa là ánh sáng.
“Tại Lumen, chúng tôi tin rằng những bản nhạc được hát lên là một phương thức nuôi dưỡng tâm hồn, là cách để bày tỏ tình thương yêu với mọi người xung quanh. Lumen muốn góp thêm màu sắc cho nền âm nhạc cộng đồng, cũng như mang lại giá trị tinh thần cho mọi người từ những buổi diễn và các hoạt động thiện nguyện”, anh Chí Anh chia sẻ.
Năm 2013, Lumen ra đời. Câu chuyện thành lập của Lumen khởi nguồn từ các bạn trẻ trong nhóm cầu nguyện Taizé Mạc Ty Nho và ca đoàn S.O.W hát Thánh lễ tiếng Anh tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn. Họ là những người yêu mến tinh thần Giáng sinh, có lòng mong muốn được đem tiếng ca đêm thánh đến không chỉ trong nhà thờ mà còn cho mọi người.
Dàn hợp xướng Lumen có khoảng 40 thành viên được chia làm 4 bè (Soprano, Alto, Tenor, Bass). Tùy vào bài hát và thể loại, ban nhạc sẽ sử dụng nhạc cụ thích hợp, về cơ bản có đàn piano, violin, guitar và keyboard.
Ít người biết rằng đa số thành viên đều không chuyên về âm nhạc. Chính vì thế, nhóm thường tổ chức những buổi luyện thanh, học nhạc lý trong suốt quá trình sinh hoạt. Một số thành viên còn chủ động tìm hiểu và theo học thanh nhạc, nhạc lý tại Viện Âm Nhạc Phan Sinh, Nhạc viện TP.HCM.
Các thành viên đến từ nhiều giáo xứ ở các quận khác nhau. Đồng thời, nhóm cũng chưa có một cơ sở chính thức để sinh hoạt. Vì vậy, mỗi lần tập luyện, nhóm lại tập trung ở một số nhà thờ, nhà nguyện còn chỗ trống trong thành phố. Để chuẩn bị cho tuần lưu diễn Giáng sinh, dù ở xa mấy, các thành viên cũng sẽ dự đầy đủ.
“Đó chính là thuận lợi lớn nhất của Lumen – lòng nhiệt huyết của các thành viên. Họ không ngại khó khăn. Nếu bạn là một thành viên mới, thì chắc hẳn bạn sẽ nghe được câu nói ‘phủ đầu’ từ bậc đàn anh đàn chị rằng Lumen không cho bạn hào quang, nhưng sẽ cho bạn một tuổi trẻ dữ dội", anh Chí Anh tự hào nói.
Tuy nhiên, trưởng nhóm Chí Anh tâm sự rằng Lumen gặp vấn đề khó khăn về nhân sự cũng như bao ca đoàn khác trong thành phố. Số lượng và chuyên môn thành viên của họ sẽ thay đổi gần như 30% mỗi năm vì nhiều lý do cá nhân.
Do đó, để đảm bảo chất lượng về các vị trí giọng hát và nhạc công trong dàn hợp xướng, Lumen bắt buộc phải có nhiều buổi tập luyện và thành viên luôn phải tập trung cao độ trong giờ tập, không chỉ riêng dịp cao điểm Giáng sinh.
Tập luyện và biểu diễn trong mùa dịch, các thành viên phải đeo khẩu trang vì quy mô dàn hợp xướng đông người. Họ đã cố gắng để phát âm tròn vành rõ tiếng hơn bình thường để lời hát rõ ràng qua lớp khẩu trang. Ảnh: Võ Sâm. |
Ngoài diễn nguyện dịp Giáng sinh, Lumen cũng tổ chức buổi diễn thương mại gây quỹ tại các cộng đoàn giáo xứ, nhà thờ trong thành phố như Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, dòng Đức Bà Regina Mundi, Mái ấm tình thương quận 9 của các sơ dòng...
Bên lề ca hát, nhóm hợp xướng này cũng tham gia đóng góp cho các siêu thị 0 đồng, bếp ăn từ thiện trong đợt giãn cách xã hội ở TP.HCM, hay gửi hiện kim cứu trợ đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt.
Ý nghĩa trong lòng khán giả
Với nhiều giáo dân, thánh ca là “con đường” giúp họ hướng lòng đến Thiên Chúa. Nghe những giai điệu du dương, những ca từ màu nhiệm cũng là cách giúp họ an định tinh thần, chữa lành nỗi lòng.
Trần Việt Hùng (17 tuổi, giáo dân quận Tân Bình) vẫn ngân nga giai điệu sau buổi diễn tại nhà thờ Vinh Sơn 6. Hùng là “fan” của nhóm Lumen, đã toại nguyện khi tham dự buổi diễn của nhóm tại giáo xứ mình.
“Em cảm nhận được sự lắng đọng, sự bay bổng, niềm hân hoan mà các anh chị dàn hợp xướng mang đến. Năm 2019, nhóm đã đến đây diễn nhưng chỉ được một phần nhỏ. Năm nay, chương trình của nhóm mang nội dung xuyên suốt dẫn kết nhau tạo thành chủ đề, quả thực hoành tráng hơn rất nhiều”, Việt Hùng nhận xét.
Cậu thiếu niên còn cho rằng chủ đề “Huyền nhiệm tình yêu” phù hợp với thời cuộc của thành phố sau đợt dịch căng thẳng, nó có thể gắn kết, xoa dịu những nỗi mất mát vừa qua.
“Hàng năm, nhà thờ nào có buổi diễn của một ca đoàn nào đó thì ghế ngồi cũng kín chỗ, ca đoàn càng nổi tiếng thì càng đông. Do đó, nếu không có việc bận, tôi luôn đến nhà thờ trước 30-45 phút để tìm chỗ ngồi bên trong. Giờ biểu diễn thường là 19h30”, chị Hải Vân (27 tuổi, giáo dân ngụ quận Tân Bình) kể.
Những đêm thánh ca Giáng sinh chào đón mọi khán giả. Trong tình hình dịch bệnh, các nhà thờ có thể hạn chế số lượng người ngồi bên trong. Ảnh: Võ Sâm. |
Với người ngoại đạo như Thúy Nga, việc đến nhà thờ để nghe thánh ca không hề ngại ngùng. Giáng sinh năm nay, cô đi một mình. Những năm sau, khi tình hình dịch bệnh bớt phức tạp, cô sẽ thuyết phục gia đình và bạn bè đi cùng.
“Không ai hỏi bạn có phải giáo dân không. Bạn bước vào như vị khách tham quan. Mọi người vào nghe nhạc, cầu nguyện, ai biết lời nhạc thì lẩm nhẩm hát theo, rất ung dung. Đó là điều khiến tôi thích đi nhà thờ nghe hợp xướng thánh ca”, Thúy Nga bày tỏ.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.