Luôn có bất ngờ được tạo ra ở mỗi kỳ World Cup. Vòng bảng năm nay, Nhật Bản đã làm hài lòng mọi người khi đánh bại cả Đức và Tây Ban Nha, Saudi Arabia chiến thắng Argentina, Morocco hạ gục Bỉ và Hàn Quốc gây sốc cho Bồ Đào Nha.
Ngay cả Brazil và Pháp hùng mạnh cũng đã bị đánh bại bởi các đội hạng thấp là Cameroon và Tunisia, mặc dù 2 cường quốc bóng đá thi đấu với tâm thế đã giành quyền vào vòng loại trực tiếp.
Sau những cú sốc ở vòng bảng, một câu hỏi luôn được đặt ra: Liệu chúng ta có đang chứng kiến sự thay đổi người gác đền trong làng bóng đá thế giới?
Rồi giai đoạn loại trực tiếp bắt đầu. Trong vài ngày qua, người hâm mộ đã chứng kiến Mỹ thất bại trước Hà Lan, Australia bị Argentina áp đảo, Senegal rời cuộc đua sau trận đấu với Anh, Nhật Bản thua Croatia trên chấm phạt đền và Hàn Quốc bị Brazil đánh bại.
Điểm chung giữa các đội giành chiến thắng trong các trận đấu đó là họ đều đến từ một trong hai liên đoàn thống trị lục địa: UEFA của Châu Âu và CONMEBOL của Nam Mỹ.
2 liên đoàn này tổ chức quản lý các giải bóng đá chuyên nghiệp ở cấp châu lục. Họ luôn có mặt ở gần như mọi trận bán kết và chung kết World Cup kể từ năm 1930.
Nhưng ở trận đấu tối 10/12 (giờ Việt Nam), Morocco đã làm nên điều kỳ diệu sau khi giành chiến thắng trước Bồ Đào Nha để giành tấm vé đi tiếp. Đây cũng là đội bóng châu Phi đầu tiên vào bán kết World Cup.
Cuộc chơi của châu Âu và Nam Mỹ
Tại sao các đội từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ khác liên tục bị lép vế? Hãy xem xét một bộ dữ liệu gồm hơn 32.000 trận đấu bóng đá quốc tế diễn ra từ năm 1950 đến năm 2014. Nó đã tiết lộ hai kết quả thú vị.
Đầu tiên, các quốc gia thi đấu tốt tại World Cup có xu hướng chia sẻ ba đặc điểm. Đầu tiên, họ có dân số đông, đảm bảo nguồn nhân tài lớn. Các quốc gia này đều tương đối giàu có, vì vậy họ có đủ khả năng để phát triển tài năng. Cuối cùng, họ đã chơi bóng đá quốc tế trong một thời gian dài. Điều này cho thấy kinh nghiệm rất quan trọng trong việc giành chiến thắng.
Chắc chắn là một số quốc gia nhỏ, nghèo và thiếu kinh nghiệm đôi khi cũng làm tốt. Và một số quốc gia chỉ được may mắn có một hoặc hai trong số những lợi thế nói trên cũng đã tạo nên sự khác biệt.
Châu Âu vẫn thống trị giải đấu cấp câu lạc bộ mà hầu hết cầu thủ tham gia. Ảnh: Reuters. |
Thứ hai là khả năng bắt kịp theo thời gian. Các nước yếu hơn thời trước đã tiến bộ, và ưu thế của các đội mạnh trước đây giảm đi. Nói chung, khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo đã giảm khi công nghệ lan rộng khắp thế giới.
Theo cách tương tự, học hỏi và bắt chước khiến chênh lệch trong cả GDP bình quân đầu người và thành tích trong bóng đá giảm đi. Trong bóng đá, các quốc gia kém thành công hơn có thể thu hẹp khoảng cách bằng cách áp dụng kỹ thuật và cách đào tạo của các quốc gia ưu tú.
"Bẫy thu nhập trung bình"
Dù vậy, tại sao người châu Âu và người Nam Mỹ vẫn chiếm ưu thế tại World Cup?
Đây là một ví dụ về “bẫy thu nhập trung bình” - thuật ngữ do các nhà kinh tế vĩ mô quốc tế đặt ra. Khái niệm này chỉ ra rằng các quốc gia đang phát triển bắt đầu đuổi kịp các quốc gia phát triển nhưng sau đó họ gặp trở ngại.
Có nhiều lý do khiến điều này xảy ra, nhưng có thể hiểu một cách đơn giản là các nền kinh tế này thường tập trung vào sản xuất định hướng xuất khẩu. Nhưng sau đó, họ lại gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang các nền kinh tế dịch vụ định hướng đổi mới.
Lập luận này tạo ra không ít tranh cãi nhưng nó có vẻ phù hợp với bóng đá khi xem các quốc gia đang phát triển trong quá khứ đã thành công như thế nào.
Argentina và Brazil cũng được kết nối chặt chẽ với mạng lưới tinh hoa trong bóng đá. Ảnh: AP. |
Khi Cameroon tiến vào tứ kết World Cup 1990 và không may mắn để thua Anh, đó được coi là một bước ngoặt - bằng chứng cho thấy một quốc gia châu Phi có thể cạnh tranh với giới thượng lưu bóng đá. Ngày nay, các quốc gia châu Phi được đối xử với sự tôn trọng hơn.
Thành công của Nhật Bản không gây ngạc nhiên như cách đây 30 năm với số lượng cầu thủ Nhật Bản xuất hiện ở các giải đấu châu Âu. Sự trỗi dậy của đội tuyển quốc gia Mỹ đã làm tăng kỳ vọng cho những đội được đánh giá là “cửa dưới".
Nhưng trở ngại cho sự tiến bộ hơn nữa vẫn hiện hữu rõ ràng. Châu Âu nói riêng tiếp tục thống trị giải đấu cấp câu lạc bộ mà hầu hết cầu thủ tham gia. Các cầu thủ từ các quốc gia châu Âu thường xuyên chơi cho các câu lạc bộ bao gồm những cầu thủ giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới, đảm bảo rằng họ luôn cập nhật những diễn biến mới nhất. Câu lạc bộ giàu có cũng luôn đáp ứng cơ sở vật chất tốt nhất cho các cầu thủ chơi bóng.
Do mối quan hệ lịch sử của họ với Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha, Argentina và Brazil cũng được kết nối chặt chẽ với mạng lưới này.
Cái kết nào cho Morocco?
Morocco là đội châu Phi đầu tiên đủ điều kiện tham dự giải đấu sau Thế chiến thứ hai vào năm 1970.
Trong những năm gần đây, quốc gia này đã đi theo một lộ trình có thể chứng minh là lựa chọn tốt nhất cho các quốc gia có “bẫy thu nhập trung bình” - thâm nhập vào mạng lưới câu lạc bộ ưu tú của châu Âu. Hầu hết đội hình xuất phát của Maroc đều chơi cho các CLB châu Âu. Vị trí địa lý gần gũi của quốc gia này với châu Âu cũng là một lợi thế.
Lọt vào bán kết là thành tích bóng đá tốt nhất trong lịch sử của Morocco. Kết quả này rất xứng đáng khi họ đã loại Tây Ban Nha trên chấm phạt đền ở vòng 16 đội và đánh bại Bồ Đào Nha với chiến thắng 1-0.
Nhưng tiến xa hơn một trận bán kết với Pháp là điều khó xảy ra. Và ngay cả khi điều đó xảy ra, vẫn có nhiều khả năng nó sẽ gặp một Argentina hay Croatia hung hãn trong trận chung kết.
Và điều này gói gọn vấn đề đối với các đội mắc “bẫy thu nhập trung bình”: đánh bại một quốc gia hàng đầu và bạn sẽ tiếp tục phải đối mặt với một quốc gia khó nhằn khác cùng áp lực ngày càng đè nặng hơn.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.