Trung Quốc đang tăng cường khả năng theo dõi gần 1,4 tỷ dân đến cấp độ mới gây lo ngại, trao cho cảnh sát địa phương quyền lực không kém Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang kết hợp các công nghệ cũ và hiện đại - từ máy quét điện thoại, máy ảnh nhận dạng khuôn mặt, cơ sở dữ liệu vân tay đến nhiều thứ khác - vào các công cụ quét để kiểm soát người dân, theo cảnh sát và dữ liệu riêng được New York Times phân tích.
Sau khi được kết hợp và đi vào hoạt động, các công cụ này có thể giúp cảnh sát lấy được danh tính của mọi người khi họ đi xuống phố, tìm hiểu xem họ đang gặp ai và xác định ai là đảng viên hay không.
Mỹ và các quốc gia khác sử dụng một số kỹ thuật tương tự để theo dõi những kẻ khủng bố hoặc trùm ma túy. Các thành phố Trung Quốc muốn sử dụng chúng để theo dõi tất cả mọi người.
Tầm cao mới của gián điệp Trung Quốc
Việc triển khai sẽ làm mất quyền riêng tư cá nhân. New York Times nhận thấy chính quyền đã lưu trữ dữ liệu của hàng triệu người trên các máy chủ không được bảo vệ bằng các biện pháp bảo mật cơ bản.
Họ cũng phát hiện các nhà thầu tư nhân và người trung gian có quyền truy cập rộng rãi vào dữ liệu cá nhân được thu thập bởi chính phủ Trung Quốc.
Khu phức hợp dân cư Huating Apartments, nơi có hệ thống giám sát khớp các cư dân với số điện thoại. Ảnh: New York Times. |
Việc xây dựng này chỉ mới bắt đầu nhưng nó đang quét qua các thành phố của Trung Quốc. Các mạng lưới giám sát được kiểm soát bởi cảnh sát địa phương, như thể cảnh sát trưởng quận tại Mỹ lại được điều hành "Cơ quan An ninh Quốc gia" của riêng họ.
Không có kỹ thuật mới riêng lẻ nào của Trung Quốc vượt quá khả năng của Mỹ hoặc các quốc gia khác. Nhưng kết hợp cùng nhau, chúng có thể đẩy năng lực gián điệp của Trung Quốc lên tầm cao mới, giúp các máy ảnh và phần mềm thông minh và tinh vi hơn.
Sự thúc đẩy giám sát này đang trao quyền cho cảnh sát Trung Quốc, những người có vai trò lớn hơn ở Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình. Nó cung cấp cho họ phương thức mạnh mẽ để theo dõi tội phạm cũng như những kẻ nổi loạn trên mạng, những người phản kháng, những người chỉ trích chính cảnh sát và những điều không mong muốn khác.
Nó thường nhắm vào các nhóm dễ bị tổn thương như công nhân nhập cư - những người nhập cư từ nông thôn để lấp đầy các nhà máy của Trung Quốc - và các nhóm dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở biên giới phía tây Trung Quốc.
"Dữ liệu của mỗi người tạo ra dấu vết", Agnes Ouyang, nhân viên công nghệ ở thành phố phía nam Thâm Quyến, người cố gắng nâng cao nhận thức về quyền riêng tư, nói với New York Times. "Nó có thể được sử dụng bởi chính phủ và nó có thể được sử dụng bởi các ông chủ tại các công ty lớn để theo dõi chúng tôi. Cuộc sống của chúng tôi chẳng khác gì hạt bụi", Ouyang nói.
"Ai đi qua cũng để lại bóng"
Hồi tháng 4, cảnh sát đã đến một khu chung cư tồi tàn ở Trịnh Châu, thành phố công nghiệp ở miền Trung Trung Quốc. Trong ba ngày, họ đã lắp đặt bốn máy ảnh và hai hộp nhỏ màu trắng ở cổng của khu phức hợp, nơi có các khách sạn giá rẻ và các doanh nghiệp mờ ám.
Sau khi được kích hoạt, hệ thống bắt đầu lần theo dữ liệu cá nhân. Các hộp - trạm phát di động được gọi là thiết bị gián điệp IMSI và được sử dụng rộng rãi ở phương Tây - đã thu thập mã nhận dạng từ điện thoại di động. Các camera ghi lại khuôn mặt.
Hệ thống tìm cách liên kết các dữ liệu lại với nhau. Nếu một khuôn mặt và một chiếc điện thoại xuất hiện ở cùng địa điểm và thời gian, hệ thống sẽ tạo căn cứ rằng chúng thuộc về cùng một người.
Trong bốn ngày vào tháng 4, các hộp đã xác định được hơn 67.000 điện thoại. Các máy ảnh đã chụp được hơn 23.000 hình ảnh, từ khoảng 8.700 khuôn mặt khác nhau. Kết hợp các bộ dữ liệu khác nhau, hệ thống kết nối khoảng 3.000 điện thoại với khuôn mặt, với độ tin cậy khác nhau.
Cơ sở dữ liệu này là một phần của mạng lưới giám sát toàn thành phố bao gồm biển số xe, số điện thoại, khuôn mặt và thông tin mạng xã hội, theo cơ sở dữ liệu của Sở Công an Trịnh Châu.
Các thành phố khác của Trung Quốc đang theo bước Trịnh Châu. Kể từ năm 2017, các tài liệu mua sắm của chính phủ và các báo cáo chính thức cho thấy cảnh sát ở các tỉnh Quý Châu, Chiết Giang và Hà Nam của Trung Quốc đã mua các hệ thống tương tự. Tài liệu cho thấy cảnh sát ở Tự Cống, thành phố hạng trung ở tỉnh Tứ Xuyên, đã mua 156 bộ thiết bị.
Tại Vũ Hán, cảnh sát cho biết họ muốn các hệ thống có thể thu thập toàn diện danh tính của tất cả người dùng Internet trong không gian công cộng, hành vi Internet, vị trí, chuyển động của họ và xác định thông tin về điện thoại của họ.
"Mọi người đi qua đều để lại bóng", tài liệu quảng bá hệ thống giám sát cho sở cảnh sát viết. "Gọi điện thoại thì sẽ để lại số. Hệ thống sẽ kết nối cả hai".
Ngay cả đối với cảnh sát Trung Quốc, mức độ kiểm soát này là chưa từng có. Tại Trịnh Châu, cảnh sát có thể sử dụng phần mềm để tạo danh sách người dân. Họ có thể tạo báo động ảo khi một người tiếp cận một địa điểm cụ thể. Họ có thể nhận được cập nhật về mọi người mỗi giờ hoặc mỗi ngày. Họ có thể theo dõi những người mà những người này đã gặp, đặc biệt nếu cả hai người đều nằm trong danh sách đen vì hành vi vi phạm nào đó, từ phạm tội đến quỵt nợ.
Những mạng lưới này có thể giúp Trung Quốc mài giũa các công nghệ như nhận dạng khuôn mặt. Ví dụ, máy ảnh và phần mềm thường gặp khó khăn khi nhận diện khuôn mặt được chụp ở một góc. Kết hợp với dữ liệu nhận dạng và điện thoại, việc kết nối trở nên dễ thực hiện hơn và công nghệ đằng sau việc nhận diện khuôn mặt trở nên tốt hơn.
Cảnh sát không che giấu sự thúc đẩy giám sát của họ. Tại khu phức hợp ở Trịnh Châu, cư dân không khỏi ngạc nhiên khi nói rằng các camera và hộp là một phần của hệ thống giám sát tinh vi. Người quản lý tòa nhà, Liang Jianzheng, nói rằng điều đó có nghĩa là anh ta không còn phải giúp cảnh sát chống tội phạm nữa.
"Tôi từng chạy đôn chạy đáo để giúp cảnh sát. Giờ họ đã có camera riêng, họ sẽ không làm phiền tôi nữa", ông Liang nói.