Bảy chú cá cảnh đựng trong một túi nước plastic mang theo trong túi quần bị an ninh phát hiện. Câu chuyện thoạt nghe có vẻ rất hài hước, và vô hại. Nhưng đằng sau đó là một sự thật buồn về một số người mang theo cách ứng xử “phép vua thua lệ làng” đến những nơi không chấp nhận điều đó.
Cách đây không lâu, bản tin về một người đàn ông mang quốc tịch Việt Nam không được tiết lộ danh tính, đến từ Úc, và đã cố mang bảy con cá cảnh qua cửa hải quan để vào New Zealand xuất hiện trên các trang tin tức của New Zealand và Anh, sau đó nhanh chóng được một số trang mạng điện tử trong nước đưa tin lại. Đại loại, anh chàng này đã lọt vào tầm chú ý của an ninh sân bay khi họ thấy túi quần anh ta có nước và phồng lên không bình thường.
Người Việt mang cá cảnh vào New Zealand: Khi phép vua không thua lệ làng. |
Đầu tiên, anh ta biện bạch rằng, mình mang nước lên máy bay phòng bị khát (!), song đến khi bị buộc phải đối mặt với những kiểm tra kỹ hơn, thì anh ta không thể chối cãi được nữa. Bảy con cá cảnh được bỏ trong túi nhựa và giấu trong túi quần bị phát hiện. Anh chàng “thành thật khai báo” rằng, mình cố gắng lách luật để mang các chú cá này cho một người bạn ở Auckland, với mục đích hoàn toàn trong sáng là cho vào bộ sưu tập cá nhân của người bạn.
Câu chuyện nhỏ về người đàn ông với những chú cá cảnh giấu trong túi quần sau khi được đưa lên bản tin đã nhận được vô số lời bình luận hài hước. Nhưng những gì diễn ra sau đó thì chẳng hài hước chút nào.
Không may mắn cho thủ phạm, New Zealand là một trong những nơi có những quy định nghiêm khắc và chặt chẽ nhất thế giới về việc nhập cảnh các sinh vật sống. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông Craig Hughes - phát ngôn viên của Bộ Khoa học và công nghệ New Zealand đã lập tức lên tiếng: "Việc đem cá một cách trái phép vào New Zealand có thể gây rủi ro liên quan đến an toàn sinh học", bởi "Loài cá chưa được xác định có thể sẽ mang theo dịch bệnh hoặc lấn át những loài cá bản địa". Theo ông Craig Hughes, anh chàng to gan này có thể phải đối mặt với một mức phạt nặng nhất là một bản án 5 năm tù giam, hoặc một khoản tiền phạt 50 nghìn đô la (tương đương với một tỷ đồng Việt Nam).
Cá được người đàn ông vận chuyển trái phép vào New Zealand bằng túi bóng. |
Chắc hẳn nhiều người biết chuyện sẽ phản ứng thế này: ồ, chuyện bé xé ra to, ồ, chỉ là vài con cá cảnh bé tí, có phải ma túy, vũ khí, chất độc hại gì đâu, ồ, dù sao thì cũng chưa mang qua cửa hải quan, chưa gây hại gì cho nước sở tại cả, và rằng, anh chàng tội nghiệp kia làm thế có thể vì chưa ý thức hết mức độ nghiêm trọng của hành động đó mà thôi. Như câu cửa miệng của người Việt Nam, “phép vua thua lệ làng”, “một bồ cái lí không bằng một tí cái tình”, đã đành rằng luật pháp nước sở tại là thế, quy định ở sân bay là vậy, nhưng chẳng lẽ đã biết người ta không có ý đồ xấu, mà lại không thể nương tay, thể tất, bỏ quá..., “nhón tay làm phúc” một tí hay sao? Chà, cái đất nước gì mà rắc rối quá, nghiêm trọng quá!
Anh chàng mang cá kia, thành thực mà nhận xét, chắc cũng chẳng có ý đồ gì ghê gớm, càng không có ý định mang theo vài cái mầm dịch bệnh hay phá hoại cân bằng sinh thái một quốc đảo. Đúng như anh ta thú nhận, cá cảnh chỉ để mang cho bạn nuôi chơi. Ý đồ “trong sáng” là vậy, chỉ có điều, cũng biết cá với nước là những thứ không thể mang lên máy bay, cho nên mới phải “lách luật” một chút, ngụy trang bằng cách bỏ cá vào túi nilon nước, rồi lại bỏ túi nước vào túi quần, hy vọng có thể che mắt nhân viên kiểm tra an ninh, rồi khi bị phát hiện, lại “nhanh trí” nói rằng mang nước lên máy bay phòng bị khát... Phạm tội một cách ngây thơ như vậy, nên bị bắt giữ một cách nghiêm túc, hẳn là điều anh ta không ngờ tới.
Song luật pháp của New Zealand không đưa ra các điều khoản cấm đoán chỉ để cho vui. Các quy định khắt khe nhất thế giới về chuyện nhập cảnh sinh vật sống, về quy trình kiểm dịch phức tạp dựa trên hoàn cảnh thực tế của đất nước này. Chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi để phát triển, cho nên chính phủ cũng như người dân New Zealand ý thức rất rõ rằng thực vật- động vật chính là nguồn sống vô giá phải được gìn giữ bằng mọi giá. Ngành du lịch hết sức thành công của New Zealand cũng do môi trường thiên nhiên độc đáo mà có.
Trong lịch sử, những bài học về sự mất cân bằng sinh thái do các thực vật, động vật lạ được mang vào New Zealand nhiều không đếm xuể. Cây kim tước được người Anh mang tới trồng làm hàng rào đã từng thành vấn đề nan giải cho cả đất nước bởi sự phát triển tràn lan, ảnh hưởng đến các loài cây bản địa. Biểu trưng chim kiwi của New Zealand bị đe dọa bởi sự xâm lấn của một loại chuột từ nước ngoài vào... Hơn nữa, New Zealand là quốc đảo, không giống với các quốc gia lục địa, những mầm bệnh lạ từ bên ngoài xâm nhập vào có thể lây lan và gây ra những hậu họa khôn lường. Khắt khe trong việc nhập cảnh các loài sinh vật lạ không gì hơn là cách người dân New Zealand tự bảo vệ mình.
Tâm lý dễ dãi, coi thường của nhiều người Việt Nam trong những chuyện tương tự một mặt bắt nguồn từ ý thức coi nhẹ luật pháp, một mặt cũng là do bản thân chưa có được sự cảnh giác cần thiết về mối hiểm họa của cái gọi là “mất cân bằng sinh thái”. Chỉ trong vài chục năm trở lại đây, Việt Nam đã trải qua hết “nạn” này đến “nạn” khác, từ nạn ốc bươu vàng ban đầu được nhập khẩu vào làm thức ăn, đến nay vẫn hoành hành tại nhiều vùng miền Nam Việt Nam, bất chấp hàng tỉ đồng đã được bỏ ra nhằm tiêu diệt chúng, đến nạn cây trinh nữ từ châu Mỹ, bèo Nhật Bản gây suy thoái đa dạng sinh học nghiêm trọng.
Mãi đến năm 2010, Hội nghị khoa học về đa dạng sinh học mới đưa ra một nhận định tương đối đầy đủ về nguy cơ mà các loại sinh vật ngoại lai có thể gây ra cho môi trường Việt Nam, song có thể thấy các giải pháp được đưa ra hầu như chỉ mang tính chất chạy chữa cho hậu quả chứ không đủ sức phòng ngừa. Cánh cửa vào Việt Nam vẫn mở rộng cho các loại sinh vật ngoại lai xâm nhập vào bằng đủ các con đường chính ngạch và tiểu ngạch. Cho dù các nhà khoa học về môi trường có lớn tiếng cảnh báo đến mấy, hay thậm chí chính phủ có đưa ra các điều luật nghiêm khắc đến mấy, thì vẫn chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều. Đó chính là ý thức của mỗi người về mối nguy hại lâu dài khôn lường do mất cân bằng sinh thái mang lại.
Trở lại vụ việc của anh chàng giấu cá cảnh trong túi quần. Câu chuyện cuối cùng đã có một kết thúc tương đối “có hậu” vào đúng ngày Quốc khánh Việt Nam mồng 2 tháng 9 vừa rồi, mặc dù cho đến giờ vẫn chưa thấy các trang tin tức trong nước tường thuật lại. Anh chàng được xác định tên là Nguyễn Tuấn, 31 tuổi, đã bị phán quyết phải trả một khoản tiền phạt là 2.000 đô la (tương đương 40 triệu đồng Việt Nam), và đã lên máy bay về nhà tại Úc vào ngày mồng 3 tháng 9. Cái giá xem ra có vẻ là hơi đắt, hơi “quá đáng” với một số người xưa nay vẫn giữ một quan niệm rất thoáng về sự “du di” của luật pháp, quy định. Song ít nhất, nó cho ta thấy rằng có nhiều nơi trên thế giới mà phép vua không thể thua lệ làng, và tuân thủ luật pháp là cách duy nhất để bản thân mình lẫn cả cộng đồng không vướng vào rắc rối.