Mang bao nhiêu tiền mặt qua cửa khẩu phải khai báo?
Từ trước đến nay nhiều người cứ nghĩ chỉ khi mang ngoại tệ mới phải khai báo, nhưng quy định hiện hành nếu mang quá 15 triệu đồng tiền mặt cũng phải khai báo hải quan khi xuất cảnh.
Theo một cán bộ ngoại hối Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của VN bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ mặt trên mức 5.000 USD (hoặc ngoại tệ khác tương đương) phải khai báo hải quan cửa khẩu. Đáng lưu ý, trước giờ nhiều người cứ nghĩ chỉ khi mang ngoại tệ mới phải khai báo, nhưng quy định hiện hành nếu mang quá 15 triệu đồng tiền mặt cũng phải khai báo hải quan. Tuy nhiên, quy định khai báo không áp dụng với những cá nhân mang theo các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng VND như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.
Cá nhân mang ngoại tệ mặt quá 5.000 USD hoặc trên 15 triệu đồng phải khai báo khi làm thủ tục xuất nhập cảnh. |
Cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ mặt bằng hoặc thấp hơn 5.000 USD (hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) nhưng có nhu cầu gửi số ngoại tệ này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối, cũng phải khai báo hải quan cửa khẩu. Ngân hàng dựa vào Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ mặt mang vào, làm cơ sở để cho gửi ngoại tệ mặt vào tài khoản thanh toán.
Trong trường hợp cá nhân xuất cảnh mang theo ngoại tệ mặt, VND vượt mức quy định trên hoặc vượt số mang vào đã khai báo hải quan cửa khẩu khi nhập cảnh lần gần nhất, phải xuất trình hải quan cửa khẩu một số giấy tờ như giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt, VND tiền mặt ra nước ngoài do ngân hàng được phép cấp; hoặc văn bản chấp thuận cho cá nhân mang ngoại tệ mặt, VND ra nước ngoài do NHNN Việt Nam cấp. Tuy nhiên, lưu ý là Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của hải quan cửa khẩu về số tiền mặt đã mang vào khi nhập cảnh lần gần nhất chỉ có giá trị cho xuất cảnh lần tiếp theo trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ghi trên Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh.
Trước đây, khi mang ngoại tệ ra nước ngoài, các cá nhân phải liên hệ NHNN để xin giấy phép nhưng từ nhiều năm trở lại đây, cá nhân có thể liên hệ trực tiếp tại các ngân hàng để mua ngoại tệ mặt khi đi du lịch, học tập, chữa bệnh… Tuy nhiên, các ngân hàng bán ngoại tệ cho các cá nhân “tùy theo khả năng cân đối nguồn ngoại tệ mặt của ngân hàng”. Riêng đối với việc mua ngoại tệ đi học, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng người thân ở nước ngoài, các cá nhân được phép mua ngoại tệ với mức 100 USD/người/ngày hoặc các ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày.
Hạn mức ngoại tệ này được áp dụng chung với trẻ em chung hộ chiếu với ba hoặc mẹ. Nếu ngân hàng cân đối được nguồn ngoại tệ thì có thể bán trên mức này. Các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ cho cá nhân là đồng tiền của nước cá nhân đó đến chứ không nhất thiết phải là đồng USD. Trường hợp không có đồng tiền đó, ngân hàng sẽ bán ngoại tệ tự do chuyển đổi khác. Kinh nghiệm của một số cá nhân khi mua ngoại tệ khác USD sử dụng ở nước ngoài là chỉ nên mua mức vừa phải theo tính toán sử dụng, vì có một số đồng tiền tăng giảm mạnh trong khoảng thời gian ngắn nên rất dễ lỗ.
Người Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua các ngân hàng (được phép cung ứng các dịch vụ ngoại hối) với các mục đích như học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; các mục đích chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác...
Theo Thanh Niên