Cuối giờ chiều ngày 24/2, hàng trăm người đổ đến một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) để mua bán vàng. Do lượng khách quá đông, mỗi người phải xếp hàng khoảng 30 phút mới có thể giao dịch. |
Tính đến chiều 24/2, giá vàng bán ra đã lên tới 49,1 triệu đồng một lượng, mua vào 47,75 đồng, cao kỷ lục từ trước tới nay. Giá bán ra chênh với vàng trong nước gần 2 triệu đồng/lượng. |
Một người bán vàng giấu tên cho biết chị mua 2 chỉ vào ngày vía Thần Tài với giá gần 4,5 triệu một chỉ. Chị nghĩ mua cho may mắn và xác định lỗ. Không ngờ hôm nay, giá vàng tăng cao, chị bán ra mỗi chỉ lãi gần 250.000 đồng. |
Anh Đoàn Trần Hùng có một chỉ vàng mua đã lâu, nay cần tiền nên bán. Anh không ngờ lại đi bán đúng lúc giá vàng tăng cao nên lãi gần 500.000 đồng. |
Nhân viên kiểm tra mã số của mỗi món hàng. Nếu đúng là vàng của nơi này bán ra, cửa hàng sẽ mua lại ngay còn nếu là vàng của thương hiệu khác thì họ phải nấu chảy lên, xác định tuổi rồi mới mua. Những miếng vàng móp méo, hỏng bao bì thì sẽ phải chịu chi phí từ 30.000 đến 100.000 đồng. |
Chiếc máy đếm tiền đang hoạt động hết công suất để trả cho một người bán 50 cây vàng. Người bán vàng giấu tên cho biết anh đã nhận thấy xu hướng tăng giá của vàng từ tuần trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã mua để đầu tư. Nay giá vàng tăng cao nên anh bán để chốt lời. Người đàn ông này mặc đồ thể dục thể thao, mang theo chiếc túi tập gym để đựng số lượng tiền mặt lớn. |
Bên cạnh số lượng lớn người bán, nhiều khách vẫn đến để mua vàng. Một cặp vợ chồng mua đôi nhẫn kỷ niệm 30 năm ngày cưới. Người chồng cho biết mua về để thay cho đôi nhẫn cũ đã đeo 10 năm. Trong khi đó, báo cáo của DOJI cho biết chỉ trong ngày 24/2, toàn hệ thống đã bán ra hơn 3.500 lượng vàng, bao gồm cả SJC và nữ trang trong khi lượng mua vào hầu như không có. |
Đến 19h, khi hết giờ giao dịch, cửa hàng đóng một phần cửa cuốn để ngăn người vào thêm. Tuy nhiên, bên trong vẫn có hàng chục khách giao dịch. |
Lý giải mức tăng này, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam (VGB), cho rằng có 2 nguyên nhân. Đầu tiên là do giá vàng thế giới tăng mạnh.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, kim loại quý thế giới đã tăng gần 12%, trong khi cả năm 2019 mới tăng 18%.
“Thứ hai, ngoài tốc độ tăng quá nhanh, sự bất định không đoán được của giá vàng lần này cũng đến từ dịch cúm virus corona mà báo cáo của WHO nói là chưa biết khi nào đạt đỉnh”, ông Hải nói.
Theo Tổng giám đốc VGB, vàng tăng giá gần đây khác với mức tăng năm 2011 khi giá thế giới đạt 1.900 USD/ounce và trong nước lên gần 49 triệu đồng. Khi đó, nguyên nhân tăng nằm trong tay các quốc gia, đặc biệt là Mỹ với 3 cái gói định lượng, giảm lãi suất và tung các gói kích thích nền kinh tế.