Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá vàng lập đỉnh 49 triệu đồng/lượng, dân xếp hàng mua vào

Bất chấp giá kim loại quý trong nước tăng gần 3 triệu một ngày lên đỉnh 49 triệu đồng/lượng, nhiều người vẫn chi tiền mua vàng với kỳ vọng giá sẽ còn tăng trong thời gian tới.

“Đâu, vàng đâu, đã lên 50 triệu chưa để tôi mua”, một người phụ nữ khoảng 60 tuổi hớt hải chạy vào một một tiệm vàng lớn trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) chiều 24/2.

Bà N.T.N (62 tuổi, đề nghị giấu tên) cho biết ngay khi nghe tin giá vàng lên mức cao nhất từ trước đến nay, bà chạy ngay ra tiệm vàng để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, khác với nhiều người tới giao dịch bán chốt lời, bà N lại tới để mua vàng.

Mua vàng trong ngày giá lập đỉnh

“Trước giờ tôi chỉ có mua vào chứ chưa bán ra, vàng tăng giá, tôi càng mua vào”, bà N. chia sẻ.

Bà cho biết khác với nhiều người, bà coi vàng như là tài sản tích trữ sau này cho con cháu chứ không phải để không mua đi bán lại. Mỗi khi có tiền, bà đều mua vàng tích trữ. Ngay cả giai đoạn vàng tăng giá mạnh, bà vẫn mua vào.

“Vàng đã tăng được lên 49 triệu đồng/lượng thì sẽ còn tăng được nữa. Tôi mua vàng để 20-30 năm nữa vẫn là vàng, chứ bán đi rồi, tiền tiêu cũng sẽ hết”, bà N nói.

Khảo sát tại khu vực Cầu Giấy và Trần Nhân Tông (Hà Nội), trong ngày giá vàng đạt đỉnh lịch sử, lượng người giao dịch kim loại quý không tăng đột biến. Người dân tập trung chủ yếu tại một số cửa hàng lớn trên mỗi tuyến phố, trong khi nhiều cửa hàng nhỏ lẻ vẫn vắng bóng khách.

Gia vang lap dinh 49 trieu dong/luong anh 1

Lượng khách tới giao dịch mua - bán tại một số cửa hàng vàng tăng 2-3 lần ngày thường. Ảnh: Q.T.

Một số cửa hàng ghi nhận lượng khách tới giao dịch tăng 2-3 lần so với ngày thường, nhưng không quá đột biến như ngày vía Thần Tài hàng năm.

Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên đường Cầu Giấy, trong khoảng 17-18h chiều 24/2, có hơn 100 lượt khách ra vào giao dịch. Một số người dân tới bán vàng chốt lời. Số khác tìm mua để đầu tư với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Thậm chí, cửa hàng ghi nhận một số khách mua lượng lớn. Cửa hàng này có thời điểm hết vàng miếng SJC để bán cho khách.

“Muốn biết lượng mua bán ra sao phải đợi đến cuối ngày chốt sổ. Tuy nhiên, đây là bí mật kinh doanh nên không thể chia sẻ cho khách hàng được”, chị Nguyễn Hoài T. giao dịch viên một tiệm vàng lớn cho biết.

Người này cũng chia sẻ, trong 5 năm làm việc tại doanh nghiệp chưa khi nào chị chứng kiến giá vàng tăng hơn 3 triệu đồng/ngày và vượt mốc 49 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, theo thông tin từ DOJI, riêng trong ngáy 24/2, toàn hệ thống này đã xuất bán ra hơn 3.500 lượng vàng, bao gồm cả SJC và nữ trang. Tại hệ thống này, lượng mua vào hầu như không có.

Gia vang lap dinh 49 trieu dong/luong anh 2

Người dân đến các tiệm vàng mua vào chiều 24/2, sau khi giá vàng tăng cao. Ảnh: Việt Hùng.

Chênh lệch giá thế giới vì khan hiếm vàng?

Cũng trong ngày vàng lập đỉnh, thị trường chứng kiến chênh lệch giá mua - bán lên tới cả triệu đồng.

Cụ thể, mua vào ở mức 47,8 triệu trong khi bán ra lên tới 49 triệu/lượng, chênh lệch mua - bán tại SJC hiện lên tới 1,2 triệu đồng. Tương tự, các doanh nghiệp Bảo Tín Minh Châu, DOJI, Phú Quý… chênh lệch mua - bán cũng xấp xỉ 1,5 triệu đồng.

Giá vàng SJC tại các doanh nghiệp lớn lúc 17h chiều 24/2:

Công ty Giá mua (triệu đồng/lượng) Giá bán (triệu đồng/lượng) Chênh lệch (triệu đồng/lượng)
SJC 47,8 49 1,2
Bảo Tín Minh Châu47,349,051,75
DOJI 47,7 49,15 1,45
Vàng Phú Nhuận 47 49,2 2,2
Phú Quý 47,8 49,5 1,7

Trong đó, Phú Quý là doanh nghiệp niêm yết giá bán cao nhất thị trường lên tới 49,5 triệu đồng/lượng.

Cá biệt, chênh lệch mua - bán tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện lên tới 2,2 triệu đồng với mặt hàng vàng miếng, cao nhất từ trước đến nay.

Theo lý giải từ nhân viên kinh doanh, việc tăng giá bán chủ yếu do vàng thế giới. Thị trường trong nước hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thế giới nên diễn biến tăng cùng chiều là dễ hiểu.

Tuy nhiên, đà tăng trong ngày hôm nay rất mạnh, cao hơn cả ngày vía Thần Tài, và khi giá vàng tăng doanh nghiệp sẽ có xu hướng bán ra hơn là mua vào. Vì vậy, giá mua thường được tăng thấp hơn nhiều so với giá bán, thậm chí, giá mua có thể giảm để điều tiết thị trường.

“Giá vàng trong nước hiện cao hơn 2 triệu so với thế giới. Nếu leo giá mua cao như giá bán, lượng lớn người dân và cả doanh nghiệp khác sẽ bán vàng. Khi đó không doanh nghiệp nào có thể cân đối cung cầu cũng như lợi nhuận kinh doanh”, chị Hoài T chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện DOJI lý giải, chênh lệch giá bán và mua bởi giá vàng trong nước tăng theo đà tăng của giá thế giới nhưng không cùng biên độ. Nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế do không được nhập khẩu vàng. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước từ lâu đã không sản xuất và cung ứng vàng SJC ra thị trường. Vì thế, thị trường ngày càng khan hiếm vàng SJC.

"Doanh nghiệp nếu bán vàng ra thì phải tự mua bán trên thị trường và tự cân đối, do đó giá vàng trong nước không còn liên thông với giá thế giới", đại diện DOJI cho biết.

Trong những ngày cao điểm như vía Thần Tài, chênh lệch mua - bán cũng được các doanh nghiệp đẩy lên cả triệu đồng/lượng và sử dụng như một công cụ để điều tiết lượng mua bán. Trong đó, chủ yếu khuyến khích người dân mua hơn là bán vàng.

Giá vàng vọt lên 49 triệu đồng/lượng, đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại

Đà tăng liên tục của vàng thế giới khiến vàng trong nước hôm nay tăng vọt. Hiện giá vàng đã vượt mốc 49 triệu đồng/lượng, tăng gần 3 triệu chỉ trong một ngày.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm