Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Man United trách ai khi kế hoạch chuyển nhượng thất bại

Khi các đối thủ mua sắm ồ ạt trong kỳ chuyển nhượng hè 2020, Man United mới chỉ có một tân binh là tiền vệ Donny van de Beek.

Bình luận

Man United anh 1

Van de Beek đã ghi bàn ở trận ra mắt, nhưng điều đó không giấu được nỗi lo từ một thất bại. Thất bại này, được nhiều người đánh giá, là do công tác chuyển nhượng kém cỏi. Lỗi do ai?

“Mua đi, mua đi, mua đi”. Những tiếng nói ấy lại vang lên khi Man United thất trận. Sự sốt ruột là rõ ràng. Không ai muốn thấy đội bóng của mình tụt lại phía sau đối thủ, nhất là đội bóng ấy đã có gần 30 năm hào hùng nhất Premier League.

Và sự sốt ruột rõ ràng kia dồn thành những mũi tên mà cái bia của nó là Ed Woodward, người được cho rằng đứng đằng sau mọi phi vụ mua bán của Man United.

Có phải lỗi của riêng Ed Woodward?

Chúng ta trách Ed Woodward cũng chẳng có gì là lạ. Khi đứng ở vai trò của một phó chủ tịch điều hành, Ed Woodward luôn hiện diện trong mọi cuộc mua sắm của CLB. Và khi chịu trách nhiệm cho một công việc nào đó, tất nhiên người ấy sẽ phải đương đầu với mọi chỉ trích nếu kết quả của công việc không được như ý.

Song, chúng ta hãy nhìn vào danh mục những người đã được Ed Woodward mang về Man United kể từ năm 2013, thời điểm sir Alex Ferguson về hưu cho tới nay, để đánh giá khách quan hơn. Ở đây, sẽ chưa xét đến khía cạnh người được mua về có tạo ra được dấu ấn hay không. Hãy chỉ nên xét trên tên tuổi và vai trò của họ ở đội bóng cũ là đủ.

Man United anh 2

Ed Woodward là người đàm phán các vụ chuyển nhượng của MU. Ảnh: Getty.

2013 là Fellaini. 2014 là Mata, Victor Valdes, Di Maria, Herrera, Daley Blind, Rojo, Luke Shaw. 2015 là Depay, Schweinsteiger, Martial, Darmian. 2016 là Bailly, Ibra, Pogba, Mkhitaryan. 2017 là Lukaku, Sanchez, Matic. Và 2019 là Maguire, Bruno Fernandes. Chừng ấy cái tên không phải là câu chuyện đùa. Quyết tâm đầu tư của Man United là có thật. Khả năng đàm phán của Ed Woodward là không thể phủ nhận.

Nhiều người nghĩ chuyện mua một cầu thủ sẽ vô cùng đơn giản nếu có nhiều tiền và chịu chi tiền. Và bởi thế, khi nhìn thấy đối thủ cạnh tranh mua sắm hàng loạt, chế độ “thúc giục giới chủ CLB” sẽ được bật công tắc tự động để những áp lực được tạo ra. Tuy nhiên, trong câu chuyện chuyển nhượng, để mua được một cầu thủ mong muốn là điều vô cùng khó khăn và vất vả.

Ed Woodward đã làm những gì ông ta phải làm để mang lại các cầu thủ cho những HLV mà Man United cần. Nhiều người nghĩ chính Ed mới là người quyết định ai đến Man United, ai rời Old Trafford nhưng thực tế đó chỉ là đồn thổi ác ý. Cơ chế làm việc ở Man United, như bất kỳ CLB nào khác, đều dựa trên sự thống nhất về thông tin và mệnh lệnh.

Huấn luyện viên cảm thấy cần bổ sung vị trí nào và cụ thể con người kiểu như thế nào, những cái tên để lựa chọn là ai, ông ta sẽ lên tiếng với ban lãnh đạo. Từ đó, ban lãnh đạo vào cuộc với cả một đội ngũ “săn đầu người” chứ không chỉ một Ed Woodward đơn thuần.

Trong những phi vụ chuyển nhượng ấy, HLV có thể góp phần bằng vai trò thuyết phục đối tượng mục tiêu. Như trường hợp của Pogba chẳng hạn. Chính Mourinho đã gọi điện cho Mino Raiola để lời đề nghị của Man United thêm sức nặng thuyết phục.

Như vậy, ở vai trò của mình, Ed Woodward chỉ là người đáp ứng một cách hợp lý, hợp tình thế các đòi hỏi của HLV trong tối đa khả năng có thể. Khi HLV cầm điện thoại lên hoặc vào phòng họp riêng với Ed Woodward, đề cập tới bổ sung đội hình, nếu lập luận mà hợp lý, đúng tình thế, chắc chắn Ed sẽ phải cân đối ngân sách để thương vụ đó phải xảy ra.

Với hàng loạt cái tên kể trên, Ed Woodward dường như không có lỗi. Ông ta đã mang lại những cá nhân mà các HLV Man United cần tới. Bây giờ, các HLV ấy ra đi, để lại đống dư thừa trong phòng thay đồ. Người phải bán họ là ai? Ed Woodward.

Còn giới chủ, cụ thể là anh em nhà Glazers, họ đơn thuần chỉ là nhà đầu tư mà thôi. Khi xuất hầu bao, họ cần kết quả. Bóng đá là ngành công nghiệp dựa trên kết quả. Nếu kết quả không như mong muốn, họ là nạn nhân của một thứ “rủi ro” kỳ dị.

Và họ không thể bỏ tiền hết mùa này sang mùa khác mà không gặt hái được gì. Khi ngờ vực về khoản đầu tư nào đó khiến họ phải chùn tay, đó là quyền của họ. Không thể nói họ keo kiệt được bởi chỉ có kẻ khờ khạo mới bỏ tiền ra “đều như vắt chanh” mà chẳng thu lại được gì.

Man United anh 3

MU không còn bậc thầy chuyển nhượng như Sir Alex. Ảnh: Getty.

Ole Solskjaer cũng có lỗi?

Hãy bắt đầu bằng chuyện của Sir Alex Ferguson khi lôi Solskjaer vào cuộc chịu trách nhiệm này. Để có chữ ký của cậu bé Ryan Giggs tài năng, chính Fergie đã lái xe tới tận nhà Giggsy hôm sinh nhật 14 tuổi của anh và tạo nên bước ngoặt lớn để góp phần xây dựng đế chế Man United sau này.

Câu chuyện đó cho thấy vai trò của HLV trong việc thuyết phục một cầu thủ lớn đến nhường nào. Và chắc chắn sẽ có người cho rằng làm sao mà Solskjaer có thể so sánh được với Ferguson, bậc thầy của ông. Nói vậy là không sai nhưng hãy nhớ, ở thời điểm Fergie đến tìm Giggs là năm 1987, ông mới huấn luyện Man United chưa đầy năm, vẫn còn là một “tay Scotland vô danh và bị chê bai suốt”.

Sức mạnh của danh tiếng trong thuyết phục là có thật. Tuy nhiên, nghệ thuật thuyết phục cũng là sự thật khác. Khi HLV có nghệ thuật thuyết phục, ông ta có thể khiến cầu thủ tin vào mình và bỏ qua chuyện ông ta danh tiếng tới mức độ nào.

Hè 2016, để thuyết phục Paul Pogba trở lại Man United, Jose Mourinho đã nói riêng với anh: “Tôi muốn xây dựng đội bóng vĩ đại trong tương lai, và cậu sẽ là siêu sao mà đội bóng của tôi xoay quanh”. Quan điểm ấy thuyết phục Pogba hoàn toàn cho dù Zidane cũng đang muốn có Pogba ở Real và trong lòng Pogba luôn ám ảnh bởi việc chinh phục Champions League.

Các câu chuyện trên đây cho thấy, không phải cứ có nhiều tiền, trả lương thật cao là có thể mua được các cầu thủ ngôi sao một cách dễ dàng. Cầu thủ cần CLB vì họ cần việc làm. Đó chỉ là nền tảng đơn giản nhất trong mối quan hệ mà thôi. Ai cũng cần việc làm. Có những việc làm không tốt, có những việc làm khá khẩm, có những việc làm tốt và có cả những việc làm cực tốt. Cầu thủ luôn muốn kiếm tìm việc làm tốt nhất trong khả năng có thể.

Bởi vậy, điều hấp dẫn họ không chỉ là lương. Là cầu thủ ngôi sao, họ tự biết giá trị của mình và tự hiểu phải tối thiểu ở mức bao nhiêu họ mới có thể ký vào bản hợp đồng. Cái họ cần là các câu hỏi bao gồm: CLB ấy có danh tiếng thế nào, đẳng cấp ra sao? Tham vọng và khả năng chinh phục danh hiệu của CLB ấy tới đâu? Và quan trọng nhất, HLV ở CLB ấy là ai, dự án của ông ta cụ thể có sức thuyết phục hay không?

Đến đây thì chúng ta đã có thể có đáp án về những bế tắc trên thị trường chuyển nhượng của Man United mùa hè này. Man United là CLB danh tiếng, nhưng dự án của Solskjaer tại đó đang không rõ ràng và thiếu tính thuyết phục đối với các ngôi sao.

Solskjaer có thể là thần tượng của công chúng khi ông còn đá bóng nhưng trong sự nghiệp huấn luyện, ông chưa để lại được điều gì đủ để các ngôi sao thế hệ mới tin ông có dự án khả thi tại Old Trafford.

Man United có muốn Thiago hay không? Rất muốn. Man United có muốn Timo Werner hay Ziyech hay không? Rất muốn. Tại sao họ không lựa chọn Man United. Đấy không phải là vấn đề của CLB, nhà Glazers hay Ed Woodward. Nó là vấn đề của Ole.

Bây giờ, ở Man United, không thấy nhắc tới Jadon Sancho đều đặn như cách đây 1-2 tuần nữa. Họ lại nói đến Telles, một hậu vệ. Trong khi đó, giả định nếu như Man United vẫn còn được dẫn dắt bởi Alex Ferguson, giờ này có thể họ chiêu mộ được cả Thiago Silva lẫn Reguilon cũng nên.

Có lẽ, Man United phải bắt đầu lại bằng cách chỉ thuyết phục những sao tiềm năng, kiểu như Van de Beek, để rồi xây dựng lại từ từ, dần dần. Để từ đó, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về Old Trafford khi thấy nơi ấy có dự án ra trò. Song, Ole Solskjaer có đủ tầm vóc để tạo nên dự án ra trò hay không mới là chuyện quan trọng.

Số CLB có được “dự án ra trò” để các siêu sao sẵn sàng đổ dồn về hiện nay cũng chỉ nằm trên đầu ngón tay mà thôi. Có tên Man United trong số những đầu ngón tay ấy không? Câu trả lời của người hâm mộ và cầu thủ có thể sẽ rất khác.

MU chưa thể nghĩ tới chức vô địch Premier League Trả lời Zing, BLV Quang Huy và BLV Quang Tùng đánh giá MU khó cạnh tranh sòng phẳng cho chức vô địch, nhưng đủ lực để đảm bảo vị trí trong top 4.

HLV Solskjaer nêu lý do Van de Beek dự bị

Tiền vệ Donny van de Beek vào sân từ ghế dự bị và ghi bàn thắng duy nhất cho MU trong trận thua 1-3 trước Crystal Palace tối 19/9 (giờ Hà Nội).

MU trả giá vì bảo thủ

Trận thua 1-3 trước Crystal Palace là cú đấm vào lòng tự trọng và công tác chuyển nhượng kém cỏi của đội chủ sân Old Trafford.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm