Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Man United gặp vấn đề nội tại và cái họa bên ngoài

Thực sự là đau đớn với những ai yêu Man United. Thầy trò Solskjaer đã khởi đầu chiến dịch Champions League với chiến thắng trước 2 đối thủ nặng ký nhất, nhưng sau cùng vẫn bị loại.

Bình luận

MU anh 1

Để rồi bây giờ, họ xuống Europa League để hy vọng tìm và diệt Arsenal.

Từ những thất bại không ngờ

Trận PSG - Istanbul Basaksehir phải tạm hoãn ở phút thứ 15 vì sự cố trọng tài thứ tư dùng ngôn ngữ kỳ thị chủng tộc đối với trợ lý HLV Webo của đội khách. Và nếu UEFA có xử một cách kỳ quái và phi lý là PSG phải thua 0-3 đi nữa, Man United vẫn phải xuống Europa League. Lý do đơn giản: họ đã để thua một bàn thứ 3 không đáng thua tại Old Trafford trước PSG.

Ở tình thế chỉ số đối đầu sân nhà sân khách ngang nhau khi PSG đang dẫn Man United 2-1, Man United đang hơn hẳn PSG về hiệu số. Một điểm là rất quý, nhưng một bàn thua ở hoàn cảnh ấy còn có tầm quan trọng lớn hơn. Gia tăng áp lực để gỡ bàn không có nghĩa là dồn toàn đội hình để phải nhận bàn thua thứ 3 đáng tiếc. Tuy nhiên, Ole Solskjaer đã lựa chọn con đường đáng tiếc để đặt chân lên.

Trận thua 1-3 trước PSG khiến Man United rơi vào thế sinh - tử tại Leipzig. Và họ để thua sớm trong một hiệp 1 bạc nhược, vô hồn, lỏng lẻo, thiếu tổ chức. Niềm hy vọng Bruno Fernandes không đủ sức để gồng gánh toàn đội, và chính trận thua ấy đã thả những người mơ mộng rơi tõm xuống mặt đất cằn cỗi. Bóng đá là một hệ thống chứ không phải một cá nhân anh hùng.

Ba bàn thua trước Leipzig không còn gì để có thể bào chữa được cho Man Utd. Thua từ nách trái có. Thua từ nách phải có. Thua từ trung lộ cũng có. Và ở cả 3 bàn thua của Man Utd, chúng ta vẫn có thể tìm ra được những cá nhân mắc lỗi, như Wan-Bissaka chẳng hạn, nhưng chỉ trách cầu thủ không thôi thì quá nghiệt ngã cho họ.

Sự sụp đổ của Man Utd trước Leipzig mang tính hệ thống. Trong sơ đồ hàng thủ 3 người có thể biến đổi thành hàng thủ 5 người khi phòng ngự cực đoan, Man United vẫn chừa ra đầy khoảng trống như mời đối thủ vào tận khung thành. Cơ bản, không chỉ là các cầu thủ phòng ngự của Solsa đã có một ngày yếu kém mà hơn hết, họ chưa thể quen với một hệ thống phòng ngự mới mẻ này.

6 trận vòng bảng Champions League là 6 sơ đồ khác nhau được Solsa sử dụng. Điểm chung nhất của 6 sơ đồ ấy là gì? Sự thiếu hiệu quả trong pressing. Và nguy hiểm hơn, càng về cuối vòng bảng, các lựa chọn chiến thuật của Solsa càng tệ dần.

Tệ nhất là trận quyết định cuối cùng. Ở thế buộc phải có ít nhất một điểm, Solsa đã sử dụng nhân sự thế nào? Đội hình xuất phát của Man United có 3 cầu thủ tấn công là Mason Greenwood, Rashford và Fernandes. Số cầu thủ hỗ trợ tấn công cũng xấp xỉ với Telles, Wan-Bissaka và Matic. Còn lại là những cầu thủ chịu trách nhiệm chủ yếu phòng ngự.

Trong các cầu thủ tấn công ấy, thực sự Fernandes cũng không phải là người chỉ chú trọng tấn công hoàn toàn. Anh có vai trò linh hoạt hơn, khi là cầu thủ tấn công, khi là cầu thủ hỗ trợ. Matic cũng vậy, anh cũng không hoàn toàn là cầu thủ hỗ trợ tấn công mà tùy biến giữa hỗ trợ và phòng ngự trung tuyến. Để cần một hoặc 3 điểm, liệu lựa chọn quân số tấn công như thế có quá ít?

Cavani và Martial dính chấn thương là thiệt thòi lớn cho Solsa nhưng để tăng cường quân số chơi tùy biến giữa tấn công và hỗ trợ, ông vẫn còn những lựa chọn tốt như Mata, Van de Beek hay Daniel James. Và kết cục là gì? Khi mặt trận tấn công không đủ gia tăng áp lực, đối thủ sẽ tạo áp lực ngược trở lại với tuyến phòng ngự vốn đã vô cùng lóng ngóng trong một hệ thống họ mất liên lạc vì sự lạ lẫm của nó.

Man Utd của Solsa đã thua vì hệ thống sai lầm nhiều hơn là các lỗi cá nhân.

MU anh 2

HLV Ole Solsa chưa cho thấy được dấu ấn chiến thuật ở MU. Ảnh: Getty.

Vấn đề nội tại

Chúng ta hãy quay trở lại với trận thua PSG 1-3 của Man United, ở tình huống có thể coi là bản lề của trận cầu, tình huống Fred bị thẻ đỏ. Nếu Fred không dính thẻ đỏ, có thể giờ này số phận Man Utd đã khác, ở tháng 11 vừa rồi, ngoài Fernandes ra, Fred chính là cầu thủ đá tốt nhất của Man Utd.

Ở tình huống Fred phạm lỗi ấy, áp lực đến với anh từ 2 phía trực tiếp. Thứ nhất là Neymar quay lại săn bóng và thứ hai là Ander Herrera. Công lớn trong tình huống này thuộc về Herrera, với cách áp sát đúng thời điểm và đủ sự quyết liệt cần thiết. Và Herrera là ai? Tháng 7/2019, Man Utd để anh ra đi tự do, đầu quân cho PSG.

Cùng mùa hè 2019, Lukaku cũng rời Man Utd. Lukaku, hãy nhắc lại cái tên này, người từng bị giễu nhại rất nhiều khi còn khoác áo Man Utd. Và ở Inter Milan, anh ta làm được gì? Anh ta ghi 34 bàn ở mọi đấu trường cho Inter Milan ngay mùa giải đầu tiên, con số của đẳng cấp.

Hai năm trước đó, mùa xuân 2017, Man Utd cũng để Depay sang Lyon. Ở Lyon, Depay là nhân tố trụ cột để đội bóng đó loại cả Man City tại Champions League 2019/20. Còn ai nữa đã rời Man Utd và bây giờ thành công với CLB khác? Họ chính là Di Maria, Smalling.

Những sự ra đi và thành công ở bến đỗ khác đó nói lên điều gì? Không gì khác ngoài mấy tiếng: hệ thống của Man Utd có vấn đề và nó không thể khiến các cầu thủ phát huy hết được tiềm năng của mình.

Chúng ta hãy quên đi cái gọi là “tính máu lửa” trong tinh thần Man Utd để tự hỏi “hiện nay, bản sắc và lối chơi của Man Utd là gì?”. Thực sự, không hề có một bản sắc hay lối chơi rõ ràng. Tấn công? Không phải. Phòng ngự phản công? Hơi hơi nhưng chẳng rõ nét và sắc bén đến độ đã thành đặc sản. Bóng ngắn, kiểm soát bóng nhiều? Không thấy. Bóng dài, tốc độ và trực diện? Càng không.

Kể từ khi Sir Alex Ferguson vĩ đại rời khỏi ghế huấn luyện, người ta không còn thấy một Man Utd có định hình và định tính rõ rệt nữa. Nhận xét của Woodward về Man Utd khi ông ta tiếp cận Klopp năm 2014 đến giờ vẫn không sai: “CLB bây giờ như một công viên Disneyland của người lớn”.

Người ta nói quá nhiều về tính kỷ luật chiến thuật của các cầu thủ Man Utd. Nhận xét đó là đúng nhưng hãy hình dung đơn giản thế này. Làm sao bạn có thể trách một nhân viên vô kỷ luật khi chính công ty của bạn không hề có nội quy và các điều ước về hành xử trong tập thể. Man Utd cũng vậy thôi. Một đội bóng không có một hệ thống rõ rệt, thì không thể trách cầu thủ “vô kỷ luật chiến thuật” được.

Ngay sau trận thua Leipzig, Paul Scholes đã nhận xét Man Utd hiện nay chẳng có một lối chơi mạch lạc nào đủ để nhận diện cả. Và ông cũng nói luôn, đại ý rằng chờ xem Man Utd bây giờ quá hồi hộp khi không thể biết được tuần kế tiếp họ sẽ chơi với một hệ thống nào. Trong khi đó, Rio Ferdinand lại cho rằng Ole không có một phong cách chơi bóng nào cụ thể mà hầu như chỉ ăn đong trên cơ sở trận nào tính trận ấy.

Đâu rồi triết lý mà Man Utd đã dày công theo đuổi bao nhiêu năm qua? Bây giờ, ở đó chỉ là một mớ lộn xộn với một HLV được đánh giá đầy tranh cãi theo hai phe bênh vực và chê bai. Nhưng rõ ràng, ai cũng hiểu thành tích huấn luyện của Solsa ở các CLB cũ là không ấn tượng và thứ duy nhất ông ta mang trong người chỉ là “ADN Man United”. Tuy nhiên, ADN ấy có được “cấy” vào các cầu thủ hay không? Chỉ có Chúa mới biết.

Từ David Moyes cho tới Van Gaal, từ Mourinho cho tới Solskjaer, Man Utd không có một hệ thống nào hiệu quả trong khi họ vẫn cứ tốn tiền để mua sắm. Và thời gian càng dài, họ sẽ càng quen với việc chơi bóng “phi hệ thống” như thế. Bởi vậy, nhận xét của Owen Hargreaves là rất đáng để lắng nghe: “Man Utd cần một kế hoạch tổng thể. Cần một kế hoạch tuyển trạch, cần một kế hoạch huấn luyện và cần cả một vai trò thủ lĩnh”.

Một đội bóng cần quá nhiều như thế, chứng tỏ hệ thống vận hành của nó rất có vấn đề. Và càng bào chữa, sẽ chỉ càng làm chậm tiến độ tái thiết mà thôi.

MU anh 3

MU phải xuống chơi ở Europa League sau trận thua Leipzig. Ảnh: Getty.

Và họa từ bên ngoài

Kể từ khi về hưu, Sir Alex Ferguson vẫn đều đặn có mặt trên khán đài xem Man Utd chơi bóng. Tất nhiên là không kể thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 gần đây. Tuy nhiên, ít ai thấy ông phát biểu về đội bóng của mình. Ông giữ lời hơn. Khi cần nhận xét, ông cũng điềm tĩnh, nhẹ nhàng hơn. Cơ bản, từng bạc đầu, mệt tim vì nghề huấn luyện, ông đủ tế nhị để không tạo áp lực lên những người kế tục mình.

Tuy nhiên, Man Utd lại không thể yên ổn vì các chuyên gia, vốn dĩ là cựu cầu thủ, với các nhận xét sâu cay mỗi tuần. Đá hay thì được khen, còn đá dở thì bị chê, và đó chính là nguyên tắc thông thường khó tránh khỏi. Nhưng rõ ràng, tần suất xuất hiện của Man Utd trong các mổ xẻ của các chuyên gia này là quá dày đặc. Chính nó đã dần gặm nhấm tinh thần của các cầu thủ khiến họ ngày càng khó đứng vững trên đôi chân mình.

Tất nhiên, sẽ có người cho rằng vì Man Utd còn quá nhiều vấn đề nên mới bị các chuyên gia mổ xẻ nhiều như thế. Song, chúng ta cũng không nên phủ nhận Man Utd là một thương hiệu toàn cầu có thể tạo xu hướng truyền thông bất kỳ khi nào. Thế nên, truyền thông cứ nhè Man Utd mà “hỏi xoáy” và các chuyên gia như Scholes, Neville, Ferdinand,... cứ thế mà “đáp xoay” khiến nội bộ Man Utd tha hồ “xoắn não”.

Cái nguy hại nhất của mục “hỏi xoáy - đáp xoay” này là chủ thể chính luôn là các cầu thủ Man Utd, càng là ngôi sao càng tốt. Và thế là một bầu không khí tiêu cực đã được tạo ra, ngày một lớn dần. Thậm chí, chính Solsa cũng có lúc không thoát khỏi cái bẫy này. Nhận xét “Mason Greenwood chơi đầu không tốt” lẽ ra nên là lời khuyên giữa hai cá nhân với nhau trên sân tập đã được bê thẳng lên báo. Và thế là từ một tiềm năng đầy hứa hẹn cuối mùa trước, Greenwood không những không chơi đầu tốt hơn mà còn “mất luôn cả chân”.

Truyền thông luôn là một con dao thủ sẵn để đâm các danh thủ. Đó là một thực tế và quá nhiều danh thủ đã không thể vượt qua nổi thử thách cam go này. Chúng ta dễ dàng nhận xét “chuyên nghiệp thì phải bản lĩnh” nhưng thực sự, cầu thủ siêu sao đi nữa thì cũng là con người. Ngày nào cũng thấy tên mình bị lôi ra mỉa mai kiểu như “không xứng tầm khoác áo Man Utd” thì chắc chẳng mấy ai đủ bản lĩnh mà chơi bóng.

Cái họa này mới là cái họa lớn nhất. Nhưng trớ trêu thay, quyền phát ngôn là thứ không ai có thể ngăn cản. Đã thế, đi làm chuyên gia bình luận cho các kênh truyền hình lại vừa có tiếng, vừa có tiền (dù chẳng đáng là bao), nên các “ông tiên chỉ thành Manchester” cứ thế mà phán. Ở thời thế hệ vàng ấy còn thi đấu, lớp đàn anh xưa cũ của CLB chẳng tạo áp lực cho họ như bây giờ. Đổ tại mạng xã hội tạo nên sóng truyền thông là một chuyện. Chuyện cần nói hơn là nếu có trách nhiệm với CLB cũ, họ cần cân nhắc hơn việc góp ý cho ai và góp ý trong bối cảnh nào, theo phương cách nào.

Ở Man Utd lúc này, khó khăn nằm cả ở nội tại lẫn ngoại vi. Kế hoạch của họ là gì? Toan tính đường dài mùa giải thế nào, tất cả đều tồn tại trong một khoảng tối cứ như là bí ẩn vậy. Nó không còn là một Man Utd mạch lạc, rõ ràng mà ai cũng có thể nhận diện của thời Sir Alex Ferguson nữa.

Cho dù chúng ta có đánh giá với nhau (điều chưa chắc đã đúng) rằng nếu Ferguson bây giờ cầm quân, Man United cũng chưa hẳn có thành tích tốt hơn đi nữa, chúng ta cũng phải thừa nhận một khả năng chắc chắn như chân lý. Đó là Sir Alex chắc chắn không để Man Utd tồn tại trong tình trạng rối rắm như thế này bởi ngoài quyền uy, ông còn có cả một bộ não của một nhà quản lý tài ba lỗi lạc, thứ mà các thế hệ huấn luyện viên đời sau còn phải học hỏi dài dài.

Solskjaer tuyên bố mạnh mẽ trước trận MU - Leipzig HLV Ole Solskjaer tuyên bố Manchester United sẽ không tìm cách thủ hòa trước chủ nhà Leipzig ở lượt cuối vòng bảng Champions League rạng sáng 9/12 (giờ Hà Nội).

Nagelsmann cao tay hơn Solskjaer trong trận Leipzig thắng MU

Huấn luyện viên Julian Nagelsmann không cần phát minh ra chiến thuật hay ngón đòn nào mới để cùng Leipzig đánh bại MU ở trận đấu sinh tử tại vòng bảng Champions League.

MU của Solskjaer đang đánh lừa tất cả

Nhìn bên ngoài, "Quỷ đỏ" rất hào nhoáng. Tuy nhiên, khi xem từ bên trong, đó lại là một CLB bất ổn.

Messi noi nong hinh anh

Messi nổi nóng

0

Lionel Messi tức giận khi trọng tài không cho Inter Miami được hưởng phạt đền ở trận hòa 1-1 trước Charlotte tại giải Nhà nghề Mỹ sáng 29/9.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm