Tháng 8/2002, Premier League xuất hiện một cái tên vừa lạ vừa quen. Bảo là quen, vì có chữ "Manchester" trong tên. Ngày đó, Manchester có nghĩa là Manchester United, là MU với David Beckham thần thoại, thương hiệu toàn cầu, độc nhất vô nhị, cổ động viên đông nghịt và CLB hàng đầu.
Nhưng bảo lạ, vì bởi sau cái chữ Manchester không phải là chữ "United" mà lại là chữ "City". Đội bóng ấy cũng chọn cho mình màu áo xanh như một sự tương phản với kẻ nổi tiếng ở bên kia thành phố. CLB quen lạ ấy chính là Manchester City. Năm đó, Man City vừa lên hạng sau 5 mùa giải ngụp lặn ở hạng 2 và hạng 3.
Mùa giải 2002/03 kết thúc với chức vô địch thuộc về Man Utd khi giành 83 điểm. Ruud Van Nisterlrooy là vua phá lưới với 25 bàn. Còn Man City xếp thứ 9, một thành tích khả quan cho đội vừa mới lên hạng.
Man City chuyển mình
Và có lẽ ngày ấy, kể cả trong giấc mơ lạ lùng nhất, thì những người hâm mộ bóng đá cũng không thể tưởng tượng nổi sẽ có một ngày như hôm nay sẽ diễn ra. Hình ảnh về Man City vô địch Premier League như một thói quen. Màu xanh lấn át màu đỏ, và Man Utd mất gần một thập niên tái thiết vẫn trắng tay.
Nếu giả sử như có cỗ máy thời gian của Doraemon, để bạn bước lên và quay lại quá khứ những năm đầu thập niên 2000 mà nói về cái tương lai này. Chắc có lẽ chúng ta sẽ bị đánh giá có vấn đề về đầu óc cũng nên. Tuy nhiên, đây là sự thật, một sự thật cay đắng để Man Utd nhìn vào trong gương và hiểu rằng trên đời này không có gì là mãi mãi.
20 năm đấy, "biển xanh hóa nương dâu" hay ta có thể nói trực diện hơn là "những đồng tiền Ả Rập" đã thay đổi tất cả ở thành phố công nghiệp đó. Man City yếm thế ngày nào vươn mình đứng dậy thành thế lực không chỉ thống trị nước Anh, mà còn thách thức cả châu Âu.
Ngày xưa, một tấm vé đến UEFA Cup cũng đủ vui, còn giờ Champions League đã trở thành mục tiêu phấn đấu mới. Ở bên kia thành phố, Man Utd trải qua 3 mùa giải đều đặn đá ở Europa League.
Man Utd không thể duy trì phong độ ấn tượng để cạnh tranh ngôi vương. |
Premier League ư? Man City đang thênh thang trên con đường đến ngôi vương khi bỏ xa đội xếp thứ 2 đến 14 điểm. Đội xếp thứ 2 ấy trêu ngươi thay lại chính là Man Utd, gã hàng xóm mà giờ đây chỉ cần đến vị trí top 4 cũng đủ để xoa tay mãn nguyện.
Điều đặc biệt ở chỗ, cái cách mà Man City giành được sự tôn trọng không phải là sự ồn ào ngoài sân cỏ, những vụ mua bán tiền tấn. Họ đã giành được tình cảm và sự mến mộ bằng chính lối chơi đẹp mắt và sự điềm đạm đặc biệt. Nó trái ngược với cái biệt danh "Gã hàng xóm ồn ào" mà Sir Alex Fersuon đã đặt cho.
Ở Manchester lúc này, là ai ồn ào đây? Có lẽ là màu đỏ, không phải là màu xanh. Man City là trọc phú, nhưng là một vị trọc phú "cầu tiến". Họ hướng đến xây dựng nền tảng văn hóa vững. Họ mua về những cầu thủ "ngoan", "lành" và "tài".
Trước đó là David Silva, bây giờ là Kevin De Bruyne, chưa bao giờ những nhạc trưởng ấy ồn ào cả. Họ chỉ nói chuyện bằng đôi chân, dùng tài năng sân cỏ để giành lấy sự tôn trọng.
Đội bóng cũng chọn về cho mình sự phát triển bền vững với những tầm nhìn dài hơi, thể hiện qua việc tuyển mộ chính những lớp lãnh đạo của Barcelona sang làm giám đốc như trường hợp của Txiki Begiristain.
Từ đó, họ dọn đường đến với HLV Pep Guardiola, một triết gia giúp định hình đội bóng, con người hướng đến sự thanh lịch trên sân cỏ, chứ không làm gì lố trên thị trường để được chú ý.
Pep Guardiola là kiến trúc sư trưởng mang về thành công cho Man City. |
Hoài niệm Man Utd
Trong khi đó, Man Utd kể từ khi chia tay Alex Ferguson lại lạc lối trong việc đi tìm lại hình ảnh chiến thắng ngày nào. Trong 10 kỳ chuyển nhượng gần nhất, đội bóng bỏ ra 730 triệu bảng để mua ngôi sao, chứng tỏ cho tất cả biết, ta cũng sẵn sàng "bỏ tiền mua danh hiệu".
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là dù tiêu nhiều tiền, sa thải 3 HLV, thì cay đắng là Man Utd vẫn không có danh hiệu. Man Utd đang lạc lối trong việc định hình chính bản thân mình. Đấy mới là điều nguy hại nhất.
Nếu ai đã từng xem bộ phim hành động nổi tiếng "Face/Off" (tựa tiếng Việt: Lật Mặt) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, hẳn không thể quên được phân cảnh gã tội phạm Castor Troy (do John Travolta thủ vai), và thanh tra FBI Sean Archer (do tài tử Nicolas Cage thủ vai) chĩa súng vào nhau qua tấm gương.
Lúc ấy, khuôn mặt của cả hai đã đổi chỗ cho nhau. Kẻ tội phạm thì thành cảnh sát, còn cảnh sát lại thành tội phạm bị truy nã. Thanh tra FBI đến báo thù và đòi lại khuôn mặt của mình.
Khoảnh khắc họ nhìn nhau qua tấm gương, đó là chĩa súng vào chính mình, hay chĩa súng vào kẻ thù? Đạo diễn Ngô Vũ Sâm không giải đáp, mà cho người xem tự luận. "Derby Manchester" cũng có 2 kẻ đang nhìn nhau qua ánh phản chiếu. Man City vô danh ngày nào lại đang đổi chỗ cho Man Utd kiêu hùng ngày ấy.
Derby Manchester là derby của cơn gió đổi chiều, ngày cả hai đội bóng nhìn thấy mình qua tấm gương. Hóa ra, họ đã đổi mặt cho nhau sau 2 thập niên ròng rã.