Malaysia kết thúc giải đấu trên sân nhà khi dẫn đầu bảng xếp hạng với 145 HCV, 92 HCB và 86 HCĐ. Họ bỏ xa đoàn đứng thứ 2 Thái Lan (72 HCV, 86 HCB và 88 HCĐ). Thành tích của Malaysia vượt xa so với dự trù ban đầu của họ (111 HCV), đồng thời chiếm hơn 1/3 trong tổng số 406 HCV được phát ra (35,7%).
“Kuala Lumpur 2017 là giải đấu thật sự tuyệt vời, đáng nhớ và hùng vĩ”, Chủ tịch Liên đoàn thể thao Đông Nam Á Tunku Imran Tunku Ja’afar cho biết trên AFP. Bản thân Tunku Imran là người Malaysia, thành viên của Hoàng tộc bang Negeri Sembilan cũng như kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong ngành thể thao của Malaysia.
Bảng tổng sắp huy chương cho thấy thành tích của Malaysia vượt xa các nước khác. |
Còn Ahmad Shapawi Ismail, Tổng giám đốc Hiệp hội thể thao quốc gia Malaysia nhấn mạnh 10 quốc gia đến dự SEA Games không có bất cứ một khiếu nại chính thức nào liên quan đến công tác tổ chức cũng như việc điều hành của các trọng tài. Ông nhấn mạnh ở các môn thi đấu tại SEA Games, đại diện liên đoàn thể thao quốc tế đều có mặt để đảm bảo giải đấu diễn ra đúng với quy tắc, trình tự.
Malaysia tự khen mình, đồng thời bác bỏ những chỉ trích cho rằng họ đã cố tình tạo ưu thế để gom HCV về cho mình, nhiều hơn gấp đôi so với đoàn thể thao Thái Lan. Việc giành hơn 1/3 số HCV của SEA Games không phải là tỷ lệ bất thường. Còn nhớ năm 2011, Indonesia đã giành 194/448 HCV của Đại hội (chiếm 43%). Tuy nhiên, không có giải đấu nào lại chịu nhiều điều tiếng như năm nay.
“Đối với nhiều quan chức thể thao Thái Lan, VĐV, phóng viên cũng như người hâm mộ, KL 2017 là giải đấu tồi tệ nhất trong lịch sử SEA Games”, tờ Bangkok Post đưa ra nhận định. Cùng chung ý kiến với tờ báo hàng đầu Thái Lan là hãng thông tấn AFP.
Pencak Silat xảy ra nhiều lùm xùm có lợi cho VĐV Malaysia. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Ngay từ đầu, Malaysia đã khiến một số quốc gia đến dự SEA Games không hài lòng trong công tác tổ chức. Họ in nhầm quốc kỳ của Indonesia, bắt VĐV các nước Thái Lan, Myanmar hay Việt Nam khổ sở vì công tác di chuyển, ăn uống không chu đáo. Trên mạng xã hội có hẳn một chiến dịch về điều này, bày tỏ sự xấu hổ cho Malaysia.
Đến khi các môn bước vào thi đấu, những trò hề của Malaysia bắt đầu được bộc lộ để họ cố gắng gom HCV về cho mình. Tranh cãi đặc biệt diễn ra ở môn pencak silat. Indonesia tố tổ trọng tài cố tình chấm điểm cao bất thường cho VĐV Malaysia ở nội dung biểu diễn.
Lúc diễn nội dung đối kháng, võ sĩ Thái Lan đấm VĐV Malaysia ngã xuống sàn nhưng bị xử thua. Trong khi đó, VĐV Malaysia đánh gãy tay một võ sĩ Việt Nam vẫn được công nhận chiến thắng, để giành HCV.
Việt Nam mất HCV môn đi bộ nữ vì VĐV Malaysia chạy về đích. Ảnh: Hoàng Hùng. |
Người Thái rất cay cú Malaysia ở môn muay. Bộ môn này có tổng cộng 5 bộ huy chương. Ở các trận chung kết chiều 29/8, có đến 3 trận các võ sĩ Thái Lan chạm trán Malaysia. Dự kiến nó sẽ diễn ra lúc 15h (giờ địa phương), nhưng ban tổ chức bất ngờ đẩy sớm lên 2 tiếng và chỉ báo cho Thái Lan vài giờ trước khi bắt đầu.
Kết thúc muay, Thái Lan vẫn dẫn đầu với 2 HCV, 3 HCB. Malaysia đứng sau với 2 HCV, 1 HCB. HLV Surat Sianglor của Thái Lan tiết lộ các VĐV của ông không thể gom toàn bộ HCV vì nhiệm vụ chính trị. “Có một số người nói với tôi rằng phải để HCV cho Malaysia”, ông cho biết.
HLV này chia sẻ nếu Thái Lan chiếm ưu thế quá lớn ở môn thể thao truyền thống của mình, nó có thể không được đưa vào chương trình thi đấu ở Đại hội kế tiếp. Đây là điều dĩ nhiên Thái Lan không hề mong muốn.