Với lệnh bắt giữ mới nhất, số phận pháp lý của cựu thủ tướng Najib Razak trong bê bối quỹ đầu tư phát triển 1Malaysia Development Berhad (1MDB) có thể sắp đến hồi kết. Tuy nhiên, cuộc truy lùng và thu hồi hàng tỷ USD thất thoát từ quỹ phát triển này còn lâu mới đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc khắc phục hậu quả của bê bối tham nhũng 1MDB lại nằm trong khía cạnh dân sự mà cụ thể là việc thu hồi những tài sản đã bị thất thoát, Bộ trưởng Tư pháp Malaysia Tommy Thomas ngày 19/9 nhấn mạnh với báo giới.
Nằm ngoài ánh hào quang của truyền thông
Ông Tommy Thomas nhận định sự quan tâm của dư luận quốc tế hiện bị cuốn theo những diễn biến hình sự của bê bối 1MDB, chẳng hạn số phận pháp lý của cựu thủ tướng Najib Razak. Tuy nhiên, những diễn biến thực chất nằm trong quá trình đàm phán dân sự giữa Malaysia và chính phủ các nước để thu hồi tài sản thất thoát.
Trả lời phỏng vấn trên The Edge Financial Daily, ông Thomas nhấn mạnh rằng những nỗ lực này cũng quan trọng ngang với việc bắt những kẻ phạm tội trong bê bối phải đối diện công lý.
Bộ trưởng Tư pháp Malaysia Tommy Thomas. Ảnh: Malaysia Mail. |
“Mọi người rất thờ ơ với khía cạnh dân sự của vụ việc. Họ quên đi điều này vì những diễn biến hình sự hấp dẫn hơn và thu hút người đọc hơn”, ông nhận định.
“Khía cạnh dân sự bị làm ngơ và thiếu sự tìm hiểu xứng đáng. Chúng ta cần phải thu hồi càng nhiều tài sản thất thoát càng tốt. Tuy nhiên, phần lớn số tài sản liên quan đến tiền quỹ 1MDB lại nằm ở nước ngoài”, tờ Malaysia Mail dẫn lại trả lời phỏng vấn của vị bộ trưởng.
Theo ông Thomas, các nỗ lực này gặp nhiều cản trở do chính phủ tiền nhiệm nhiều lần làm ngơ hoặc từ chối xác nhận các tài sản và quỹ bị tịch thu ở nước ngoài có liên quan đến bê bối tham nhũng 1MDB.
Văn phòng của ông Thomas đã chỉ định luật sư đại diện tại nhiều nước bắt đầu đàm phán quyền sở hữu với những tài sản đơn giản trước tiên, ví von đây là “những quả ở cành thấp” của đại án 1MDB. Vị bộ trưởng nhấn mạnh quá trình này sẽ mất nhiều tháng để đạt được các kết quả thiết thực.
“Hiếm khi nào những nước sở tại chịu thừa nhận tài sản trên nước họ không thuộc sở hữu của mình. Malaysia đang tìm cách thuyết phục điều ngược lại. Chúng tôi chỉ đang bắt đầu công khai sự thật với thế giới”, ông cho biết.
Hàng tỷ USD "lưu lạc" khắp thế giới
Chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad vừa nhận lại từ Mỹ chiếc du thuyền Equanimity trị giá gần 1 tỷ RM (gần 250 triệu USD) từng được sở hữu bởi tỷ phú Low Taek Jho. Theo các nhà báo của Wall Street Journal cáo buộc, Low là người giúp ông Najib bòn rút và tẩu tán hơn 5 tỷ USD từ quỹ 1MDB.
Ngoài du thuyền trị giá hàng trăm triệu USD, chính phủ Mỹ còn đang giữ nhiều trang sức, tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và nhiều tài sản khác được mua bằng công quỹ Malaysia. Bộ tư pháp 2 nước đang phối hợp để tìm cách chuyển số tài sản này trở về Malaysia.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết nước này vẫn nỗ lực đàm phán để thu hồi lại một chuyên cơ do Low sở hữu nhưng đang nằm tại Singapore. Chuyên cơ này trị giá hơn 35 triệu USD.
Doanh nhân Low Taek Jho đã chạy khỏi Malaysia và đang lẩn trốn ở nước ngoài. Ông được xem là nhân vật then chốt giúp cựu thủ tướng Najib Razak rửa tiền bòn rút từ 1MDB. Ảnh: Reuters. |
Hôm 10/9, tòa án Singapore đã ra lệnh hoàn trả lại cho Malaysia 15,3 triệu SGD (hơn 11,1 triệu USD) liên quan đến quỹ 1MDB, theo Channel NewsAsia. Đây chỉ mới là một phần nhỏ tổng số tài sản mà Singapore tịch thu trong quá trình điều tra những giao dịch liên quan đến đại án tham nhũng của nước láng giềng.
Năm 2016, chính phủ Singapore từng khẳng định đã tịch thu lượng tiền mặt và tài sản trị giá hơn 175 triệu USD trong quá trình điều tra 1MDB.
Bộ trưởng Thomas nhấn mạnh đại án tham nhũng 1MDB vô cùng phức tạp, bao gồm nhiều âm mưu và khó có thể gọi “điều tra 1MDB” một cách đơn lẻ. Điển hình là những cáo buộc rửa tiền và vi phạm tài chính nhắm vào cựu thủ tướng Najib chỉ trị giá 42 triệu RM (hơn 10 triệu USD), và chỉ chiếm 0,01% tổng số nợ phát sinh của quỹ 1MDB.
Cảnh sát Malaysia cũng tiến hành 12 vụ khám xét các địa điểm liên quan hoặc được cho là có liên quan tới ông Najib. Theo tiết lộ của cảnh sát, 29 triệu USD tiền mặt cùng hàng trăm túi xách hàng hiệu đã được thu giữ tại nhà ông Najib và con gái. Tuy nhiên, đó chỉ mới là "bề nổi của tảng băng".
“Những kẻ chủ mưu đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng. Họ tính toán cho từng thỏa thuận, từng khoản giao dịch. Một khoản tiền có thể được làm giả giấy tờ trong năm 2011, 2012, rồi giao dịch vào năm 2013 và thỏa thuận vào năm 2014”, ông mô tả khái quát.
Ngoài Singapore, còn ít nhất 5 nước khác đang điều tra số tiền gần 4,5 tỷ USD bòn rút từ quỹ 1MDB.
May mắn chỉ thu hồi được 30%
Hôm 13/9, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết quá trình thu hồi hàng tỷ USD thất thoát từ công quỹ đang diễn ra chậm hơn dự kiến.
“Phải may mắn lắm chúng ta mới thu hồi được một nửa số tài sản thất thoát”, ông nhấn mạnh và dự đoán số tiền có thể thu hồi trên thực tế chỉ vào khoảng 30% tổng số tiền bị bòn rút trong nhiều năm trời. Ông Lim không nói rõ liệu con số này có phải là mục tiêu thu hồi 4,5 tỷ USD bị đánh cắp từ 1MDB mà Thủ tướng Mahathir từng đặt ra hay không.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng tuyên bố sẽ thu hồi lại cho đất nước gần 4,5 tỷ USD công quỹ thất thoát. Ảnh: Reuters |
Riêng việc xác định tài sản bất minh đang nằm tại những quốc gia nào đã là một bài toán nan giải. Mạng lưới giao dịch của những đối tượng chủ mưu trong đại án tham nhũng 1MDB có liên quan đến ít nhất 10 nước. Mô hình rửa tiền này phức tạp đến mức Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Michael Lauber gọi nó gần giống với "lừa đảo đa cấp”.
Theo ông Lim, gánh nặng từ những khoản nợ của 1MDB đã làm tổng số nợ công và rủi ro tín dụng của Malaysia vượt ngưỡng 1.000 tỷ RM (hơn 241 tỷ USD).
Bộ Tài chính nước này phải cắt giảm chi tiêu công, hủy hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng và tạm hoãn nhiều cam kết với cử tri cho đến khi đưa tình trạng nợ xấu về mức an toàn.
Cựu thủ tướng Najib đã bị bắt lần thứ hai vào cuối giờ chiều ngày 19/9. Ông sẽ phải ra tòa vào chiều 20/9 và có thể bị buộc tội lạm dụng quyền lực. Trước đó, tại tòa cấp dưới, ông đã bị buộc 3 tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và một tội tham nhũng, với mỗi tội có mức phạt tối đa là 20 năm tù.