Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

1MDB: Vụ tham nhũng tỷ USD hạ bệ người quyền lực nhất Malaysia

Từ ngôi vị lãnh đạo quyền lực bậc nhất Malaysia, cựu thủ tướng Najib Razak thất cử vì nghi án tham nhũng tại quỹ đầu tư 1MDB và hiện đứng trước nguy cơ bị khởi tố hình sự.

tham nhung Malaysia anh 1tham nhung Malaysia anh 2

"Gã đàn ông ăn cắp", đó là cách Zulkiflee Ulhaque, một trong những họa sĩ trào phúng hàng đầu Malaysia, mỉa mai gọi Najib Razak, khi đó còn là đương kim thủ tướng. Không dừng lại ở đó, Zulkiflee châm biếm đệ nhất phu nhân Malaysia Rosmah, vợ của ông Najib, bằng bức biếm họa với bàn tay mập mạp đeo chiếc nhẫn kim cương khổng lồ.

Chính quyền của ông Najib phản ứng không khoan nhượng. Chín cáo buộc được đưa ra chống lại Zulkiflee, khiến người họa sĩ có nguy cơ đối mặt với bản án tù kéo dài 43 năm. Thế nhưng, bàn tay sắt của Najib không khiến cho những người Malaysia bất bình trước cáo buộc tham nhũng và lạm quyền của các thành viên chính phủ cấp cao run sợ.

tham nhung Malaysia anh 3

N

gày 2/7/2015, tờ Wall Street Journal bất ngờ tiết lộ các điều tra viên Malaysia đang truy lùng dấu vết của gần 700 triệu USD nghi gửi vào nhiều tài khoản của Thủ tướng Najib Razak. Tài liệu điều tra cho biết số tiền được luân chuyển qua nhiều cơ quan chính phủ, ngân hàng và công ty có liên hệ với quỹ phát triển 1Malaysia Development Berhad (1MDB), được Najib thành lập và điều hành từ năm 2009.

Chỉ trong vòng vài tháng, Thủ tướng Najib khi đó đứng trước áp lực phải từ chức. Mức độ bất bình tăng nhanh chóng mặt trong dư luận và nội bộ đảng United Malays National Organisation (UMNO), đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền Mặt trận Quốc gia (BN). Các chính trị gia đối lập và nhà báo điều tra sau đó phát hiện đã có hàng tỷ USD "bốc hơi" khỏi 1MDB.

tham nhung Malaysia anh 4

Quả bom tấn trong nghi án 1MDB bùng nổ vào năm 2016. Kết luận điều tra của bộ Tư pháp Mỹ khẳng định một nhân vật với mật danh "Quan chức Malaysia Số 1" cùng các thành viên gia đình và bạn bè đã bòn rút gần 4,5 tỷ USD từ 1MDB thông qua các ngân hàng của Mỹ. Giới chức Mỹ sau đó âm thầm tiết lộ cho báo chí rằng nhân vật trong kết luận điều tra chính là Najib Razak.

Tuy nhiên, tại Malaysia, mọi nỗ lực điều tra về vụ bê bối bòn rút công quỹ hàng tỷ USD đều rơi vào bế tắc. Người lãnh đạo cuộc điều tra 1MDB khi đó, ông Shukri Abdull, nay đã được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) kể lại: “Chúng tôi nhận được đe dọa tôi có thể bị bắt giam với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền. Tôi bị dọa bắn, đòi sa thải, ép về hưu sớm, buộc nghỉ phép, rồi bị chuyển công tác sang bộ phận huấn luyện giảng dạy”.

Nhiều nhân chứng liên quan đến nghi án bỗng ngừng liên lạc. Nhiều điều tra viên bị gây áp lực cho thôi việc, bị bắt giữ hoặc cho thuyên chuyển công tác. “Tôi đã khóc như một đứa trẻ khi nghe tin. Chúng tôi muốn trả lại tiền bị đánh cắp cho đất nước. Tuy nhiên, chúng tôi lại bị cáo buộc chống lại tổ quốc, bị xem là những kẻ phản bội", ông Shukri cho biết. Kế hoạch truy tố Najib Razak sau đó “phá sản” vì tổng chưởng lý bị sa thải, còn ông Shukri phải tìm đường trốn khỏi Malaysia.

tham nhung Malaysia anh 5

tham nhung Malaysia anh 6

N

ghi án tham nhũng 1MDB khi đó vẫn chưa đủ sức trở thành cơn bão cuốn phăng sự nghiệp chính trị của thủ tướng Malaysia. Là hậu duệ của một gia đình có 2 người từng giữ chức thủ tướng là cha và chú ruột, Najib Razak có được sức ảnh hưởng to lớn trong đảng UMNO và chính trường nước nhà. Chính trị gia được mệnh danh “người đàn ông thép” bỏ túi cả tòa án và các cơ quan chấp pháp, khiến ông trở nên “bất khả xâm phạm” khi vẫn còn đứng đầu chính phủ.

Chỉ trong vòng nửa tháng sau khi Wall Street Journal đăng tải bài viết chấn động, hàng loạt nhân vật dám lên tiếng đặt nghi vấn về Najib đã bị ông loại khỏi bộ máy. Ngay cả Phó thủ tướng Muhyiddin Yassin và Bộ trưởng bộ Phát triển Vùng và Nông thôn Shafie Apdal cũng mất chức. Tổng chưởng lý Abdul Gani Patail, người đứng đầu đội điều tra liên ngành về nghi án 1MBD, cũng bị sa thải và được thay bằng ông Mohamad Apandi Ali, cựu thẩm phán tòa án liên bang có quan hệ mật thiết với UMNO.

tham nhung Malaysia anh 7

Thế nhưng bước đến cuộc bầu cử năm 2018, “bóng ma” 1MDB quay trở lại ám ảnh Najib Razak và lần này buộc ông phải trả giá. Nó trở thành một trong những vấn đề lớn nhất được các phe đối lập đưa ra bàn luận, sử dụng để hạ uy tín của Najib và cáo buộc liên minh cầm quyền đã suy thoái trầm trọng.

Trong cuộc đua đến chiếc ghế thủ tướng, liên minh cầm quyền BN vẫn vượt trội khi có nguồn quỹ vận động tranh cử dồi dào, sức ảnh hưởng lên truyền thông và mạng lưới khổng lồ.

Ở bên kia chiến tuyến, phe đối lập đầy những rối ren về tổ chức, tuy nhiên vẫn phả hơi nóng vào gáy của Najib Razak. Họ thu hút được sự ủng hộ của người dân bằng mục tiêu chung lớn nhất: Đánh bật đương kiêm thủ tướng khỏi chiếc ghế uy quyền.

Cơn sóng ngầm 1MDB sau gần 3 năm bị đè nén đã trở thành cơn bão chính trị như người dân Malaysia mong chờ. Ngày 9/5, sự giận dữ của cử tri trước lối sống xa xỉ của giới quan chức lãnh đạo cũng như những bê bối của gia đình Najib đã được cụ thể hóa thành lá phiếu. Chính trường Malaysia bước sang một trang sử mới.

tham nhung Malaysia anh 8

tham nhung Malaysia anh 9

N

ajib Razak đã ngồi trên ghế thủ tướng gần một thập kỷ, là nhân vật quyền lực nhất Malaysia. Trớ trêu thay, chiếc ngai vàng tưởng chừng "vững như bàn thạch" của chính trị gia 65 tuổi lại bị lật đổ bởi một ông lão năm nay đã bước sang tuổi 92: Mahathir Mohamad. Cay đắng hơn nữa, Mahathir chính là người thầy, người dìu dắt Najib tới với đỉnh cao quyền lực.

Mahathir Mohamad lãnh đạo liên minh BN cầm quyền trong 22 năm trước khi về hưu năm 2003. Tuy nhiên, "cụ ông" 92 tuổi bất ngờ rời khỏi cuộc sống hưu trí, trở lại chính trường trong vai trò lãnh đạo liên minh đối lập Pakatan Harapan, và còn bất ngờ hơn khi phe đối lập lần đầu đánh bại liên minh BN sau 61 năm cầm quyền.

"Chúng tôi không muốn trả thù, chúng tôi chỉ muốn khôi phục pháp quyền", đó là những gì tân thủ tướng Mahathir tuyên bố sau chiến thắng hôm 9/5, khi được hỏi về nghi án tham nhũng tỷ USD tại 1MDB.

tham nhung Malaysia anh 10

Từng là người đỡ đầu cho con đường quan lộ của cựu thủ tướng Najib Razak, tân thủ tướng Mahathir vài năm qua đã cho thấy sự bất bình với chính quyền của người học trò, sau vô số cáo buộc lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Trong một cuộc phỏng với với Al Jazeera năm 2016, Mahathir tuyên bố thẳng thừng quay lưng với người học trò cũ vì Najib "đang đi sai đường".

"Ông ấy đã làm quá nhiều chuyện thực sự sai trái. Ông ấy đặt đất nước vào tình thế tệ hại, cả về kinh tế lẫn chính trị. Tiếng xấu nay đã lan truyền khắp thế giới. Ông ấy phải ra đi", Mahathir nhận xét về chiếc ghế thủ tướng của Najib.

Đích thân Mahathir "ra trận" trong cuộc đấu với người học trò Najib. Dưới ngọn cờ chống tham nhũng, "người thầy" ở tuổi xưa nay hiếm đánh thẳng vào điểm yếu chí mạng của chính quyền Malaysia dưới thời Najib.

"1MDB là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Vụ bê bối kéo dài đã đóng cái mác tham nhũng không thể gột rửa lên giới quan chức cấp cao của chính phủ", Lim Teck Ghee, chuyên gia phân tích xã hội từ Kuala Lumpur, nhận định.

Mahathir cho biết một trong những lý do ông đứng về phe đối lập bởi phản đối tư tưởng "tiền bạc là vua" đã tồn tại trong chính quyền Najib nhiều năm nay. Trong kỳ bầu cử năm 2013, liên minh BN cầm quyền giành chiến thắng với chiến thuật chi hàng trăm triệu USD để "mua" lá phiếu của các cử tri nghèo, vốn là lực lượng chính ủng hộ đảng UMNO của cựu thủ tướng Najib.

Chiến thuật dùng tiền mua phiếu bầu tiếp tục được BN áp dụng trong năm bầu cử 2018. Theo New York Times, Najib tự tin liên minh cầm quyền thậm chí sẽ có chiến thắng vang dội hơn cả năm 2013, thời điểm trước khi nghi án tham nhũng tại 1MDB xuất hiện.

Tuy nhiên, nghi án tham nhũng tỷ USD có tác động tới cử tri Malaysia lớn hơn nhiều những tính toán của Najib cùng cộng sư. Liên minh đối lập, dưới sự lãnh đạo của cựu thủ tướng Mahathir, giành 121 trên tổng số 222 ghế của quốc hội, biến BN từ vị thế cầm quyền trong suốt 6 thập kỷ nay trở thành lực lượng đối lập.

Sau quyết định của nhà vua hôm 10/5, Mahathir chính thức trở lại ghế thủ tướng Malaysia. Các cuộc điều tra nhắm vào hành vi sai trái của cựu thủ tướng Najib, đặc biệt là bê bối liên quan tới quỹ 1MDB, lập tức được khởi động.

tham nhung Malaysia anh 11

tham nhung Malaysia anh 12

H

ai ngày sau khi ngồi lại vào ghế thủ tướng, Mahathir ra lệnh cấm xuất cảnh với Najib cùng phu nhân Rosmah, một nhân vật không được công chúng Malaysia yêu mến do bị cho là thường xuyên có những chuyến mua sắm xa xỉ, từ trong nước tới nước ngoài.

Hôm 12/5, Mahathir tuyên bố sẽ đẩy nhanh tốc độ cuộc điều tra, đưa ra kết luận càng sớm càng tốt. Tân thủ tướng khẳng định vụ bê bối tại 1MDB là vụ án "rất phức tạp, liên quan đến nhiều người và nhiều quyết định trước đây của chính phủ". Chính trị gia 92 tuổi khẳng định sẽ có các động thái nhằm đảm bảo công lý được thực thi.

tham nhung Malaysia anh 13

Để loại bỏ ảnh hưởng của cựu thủ tướng Najib lên bộ máy hành chính và tư pháp, chính phủ mới đã miễn nhiệm tổng chưởng lý và lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng quốc gia. Đây là hai vị trí được đích thân cựu thủ tướng Najib Razak bổ nhiệm tháng 7/2015 khi công luận yêu cầu chính quyền Malaysia điều tra bê bối liên quan tới quỹ 1MDB.

Từ sau khi Mahathir nắm quyền kiểm soát chính phủ, 5 bộ trưởng đã phải ra đi. Tất cả đều là những thân tín của cựu thủ tướng Najib.

Donald Greenlees, chuyên gia từ Đại học Quốc gia Australia, cho biết giới tinh hoa Malaysia từ lâu đã được tiền và quyền bảo vệ trước pháp luật. Bằng nguồn lực tài chính dồi dào, những người này có thể dàn xếp với chính phủ để thoát khỏi các cáo trạng hình sự. Tuy nhiên, Najib dường như không có cơ may khi chính quyền Malaysia dưới bày tay Mahathir quyết không thỏa hiệp.

"Sẽ không có chuyện chính phủ thỏa thuận với Najib để ông ta bồi thường những tổn thất đã gây ra", Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố, đóng cánh cửa hy vọng cho phép cựu thủ tướng Najib dàn xếp vụ bê bối 1MDB bằng các thỏa thuận tài chính trong êm thấm.

Từng một thời là nhân vật không thể đụng đến, nay tình thế của cựu thủ tướng Najib Razak đang hết sức bấp bênh. "Cuộc bầu cử đã thay đổi tất cả. Najib giờ không còn tại nhiệm, cáo buộc hình sự là điều hoàn toàn có thể xảy ra", Ren McEachern, cựu chuyên gia điều tra tham nhũng của Cơ quan Điều tra liên bang Malaysia, cho biết.

tham nhung Malaysia anh 14

Trong tuần qua, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia đã hai lần triệu tập cựu thủ tướng Najib Razak tới trả lời các câu hỏi liên quan tới quỹ 1MDB. Cảnh sát Malaysia cũng tiến hành 12 vụ khám xét các địa điểm liên quan hoặc được cho là có liên quan tới ông Najib. Theo tiết lộ của cảnh sát, 29 triệu USD tiền mặt cùng hàng trăm túi xách hàng hiệu đã được thu giữ tại nhà ông Najib và con gái.

Tới nay, chưa có cáo trạng chính thức nào chống lại cựu thủ tướng Najib được đưa ra. Ai phải chịu trách nhiệm cho hàng tỷ USD thất thoát tại quỹ 1MDB, tính minh bạch của hàng triệu USD chuyển vào tài khoản ông Najib, đó là những câu hỏi hiện chưa lời giải đáp. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, tân Thủ tướng Mahathir sẽ làm rốt ráo vụ việc bị ông gọi là "hủy hoại danh tiếng chính phủ Malaysia".

"Quan chức dù cấp cao hay cấp thấp, tất cả đều sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Thủ tướng Mahathir tuyên bố hôm 13/5.

Cựu Thủ tướng Malaysia trình diện Ủy ban điều tra tham nhũng Cựu thủ tướng Malaysia ngày 22/5 đã có mặt tại trụ sở Ủy ban điều tra tham nhũng (MACC) để điều trần về nghi án biển thủ hàng tỉ USD từ quỹ 1Malaysia Development Berhad (1MDB).

Thanh Danh - Duy Anh

Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm