Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Malaysia đưa các cầu thủ bán độ vào trại tập trung ở vùng xa

Bóng đá Malaysia từng chấp nhận loại thẳng một thế hệ cầu thủ tài năng, trắng tay về thành tích để đối phó với nạn bán độ.

Việc mua bán độ không phải vấn đề mới ở các nước Đông Nam Á. Những năm 90 thế kỷ trước, bóng đá Malaysia lâm vào một cuộc khủng hoảng trên diện rộng khi nạn bán độ tràn lan từ cấp độ câu lạc bộ cho đến đội tuyển. Cả một nền bóng đá bị “lũng đoạn” bởi tệ nạn này, khiến Chính phủ và Hiệp hội bóng đá Malaysia (FAM) phải xử lý mạnh tay.

Bóng đá Malaysia chấp nhận tự làm suy yếu chính mình nhưng quyết tâm để dẹp bỏ nạn bán độ hoành hành trong đời sống bóng đá.
Bóng đá Malaysia chấp nhận tự làm suy yếu chính mình, quyết tâm dẹp bỏ nạn bán độ hoành hành trong đời sống bóng đá. Ảnh: FAM

Vào năm 1994, chính phủ Malaysia quyết định kỷ luật 84 cầu thủ vì tham gia vào đường dây bán độ các giải đấu trong nước sau khi có báo cáo từ Ủy ban Olympic Malaysia cũng như FAM. Quá trình điều tra bắt đầu khi FAM nhận được báo cáo về một số trận đấu bất thường và sự giàu lên khó tin của một số cầu thủ, trong đó có 6 tuyển thủ quốc gia.

Suốt một thời gian dài, thu thập đầy đủ chứng cứ, chính phủ Malaysia quyết định hành động mạnh tay dù thời điểm ấy ĐTQG rất cần những cầu thủ chuẩn bị cho SEA Games 1995. 84 cầu thủ bị đưa vào các trại tập trung ở các tỉnh vùng xa, bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Sau khi hết hạn tập trung họ cũng không được quyền mua nhà, mua xe.

Nạn mua bán độ tồn tại một cách âm ỉ tại Malaysia nhưng mỗi khi phanh phui, FAM xử lý rất nặng. Năm 2012, FAM đã cấm thi đấu trọn đời với 18 cầu thủ và 1 HLV vì tội dàn xếp tỷ số. Đầu tháng 2 năm nay, FAM đã quyết định phạt tiền với 17 cầu thủ của CLB Kuala Lumpur FA (chơi tại giải hạng nhì Malaysia) mỗi người 5000 ringgit (tương đương 1500 USD vì dàn xếp tỷ số). Trước đó, vào tháng 12/2013, 5 cầu thủ khác cùng 3 quan chức của đội bóng này còn bị cấm thi đấu, hoạt động bóng đá suốt đời.

Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cũng từng rất mạnh tay để chấn chỉnh hiện tượng này. Tổng cộng đã có 33 cầu thủ bị cấm tham gia bóng đá suốt đời và 12 CLB lĩnh án phạt sau khi dàn xếp tỷ số. CLB Shanghai Shenhua thậm chí còn bị tước chức VĐQG năm 2003 vì dàn xếp tỷ số trong một trận đấu.

Bóng đá Việt Nam từng có rất nhiều vụ trận bị nghi bán độ nhưng không được xử lý rốt ráo hoặc ậm ừ cho qua, điển hình là trận tranh siêu Cup năm 2013 giữa Xuân Thành Sài Gòn và SHB.Đà Nẵng.
Bóng đá Việt Nam từng có rất nhiều trận bị nghi bán độ nhưng không được xử lý rốt ráo hoặc ậm ừ cho qua, điển hình là trận tranh siêu Cup năm 2013 giữa Xuân Thành Sài Gòn và SHB.Đà Nẵng.

Hàn Quốc có nền bóng đá phát triển và không bị nạn bán độ hoành hành nhưng chỉ cần phát hiện được vụ nào họ đều xử lý mạnh tay. Vào tháng 6/2011, Ủy ban kỷ luật của giải VĐQG K.League đã ra quyết định cấm thi đấu suốt đời, không được tham gia bất cứ hoạt động bóng đá nào đối với 10 cầu thủ (8 của đội Daejeon Citizen) vì hành vi bán độ.

Bóng đá Việt Nam thời gian qua phát hiện không ít vụ việc cho thấy cầu thủ bán độ hoặc bị nghi ngờ bán độ. Nhưng những bản án được đưa ra không nghiêm khắc, không đủ sức răn đe các cầu thủ. Một bản án đối với các cầu thủ U23 Việt Nam tại SEA Games 2005 không đủ để làm triệt tiêu “ung nhọt” bán độ của cả một nền bóng đá.

Hoàng Tâm

Bạn có thể quan tâm