Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Malaysia dọa đánh chìm tàu cá xâm phạm chủ quyền

Cơ quan thực thi luật hàng hải Malaysia đe dọa đánh chìm hoặc bán đấu giá các tàu xâm phạm chủ quyền trên biển sau sự việc 100 tàu cá nước ngoài đi vào vùng biển nước này.

Nhà chức trách Malaysia ngày 31/3 thông báo, 100 tàu cá xâm phạm vùng biển nước này hồi tuần trước đã tiến hành các hoạt động đánh bắt trái phép ở vùng biển ngoài khơi Sarawak, theo The Star. Đô đốc Datuk Ahmad Puzi Ab Kahar, người đứng đầu Cơ quan thực thi luật hàng hải Malaysia, cảnh báo những tàu nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển nước này có thể bị đánh chìm để làm nơi phát triển cho san hô hoặc bán đấu giá cùng toàn bộ ngư cụ.

Malaysia doa danh chim tau ca Trung Quoc anh 1

Các tàu cá Trung Quốc. Ảnh minh họa: SCMP

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Cơ quan thực thi luật hàng hải ở Putrajaya, Đô đốc Kahar nhấn mạnh ít nhất 826 tàu nước ngoài đã bị Malaysia bắt giữ và tịch thu ngư cụ vì các hoạt động khai thác trái phép trong thời gian qua. Malaysia sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tương tự để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Tuyên bố của Đô đốc Kahar được đưa ra gần một tuần sau khi nhà chức trách Malaysia phát hiện 100 tàu cá tiến vào bãi cạn Luconia hay còn gọi là Beting Patinggi Ali, ngoài khơi Sarawak. Chúng được hộ tống bởi hai tàu cảnh sát biển. Truyền thông Malaysia và quốc tế cáo buộc đây là tàu cá của Trung Quốc. Trước hành vi quyết đoán của các tàu nước ngoài, lực lượng thực thi pháp luật Malaysia đã ghi hình hoạt động xâm phạm làm bằng chứng trước khi báo cáo lên chính phủ.

Malaysia doa danh chim tau ca Trung Quoc anh 2

Cụm bãi cạn Luconia

cách bờ biển ngoài khơi thị trấn Miri, bang Sarawak của Malaysia khoảng 84 hải lý. Ảnh: Starfish

Phía Malaysia cũng cử 6 tàu công vụ cùng máy bay tuần tra Bombardier CL415 tới giám sát hoạt động của các tàu nước ngoài trong vùng biển của mình. Tuy nhiên, các hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật Malaysia gặp trở ngại khi các tàu cá nước ngoài đều không trả lời tín hiệu cảnh báo qua radio.

Không lâu trước đó, nhà chức trách Indonesia đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì sử dụng tàu hải cảnh ngăn chặn Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp. Phía Indonesia cũng đe dọa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì hành động xâm phạm chủ quyền.

Cụm bãi cạn Luconia hiện do Malaysia quản lý nằm gần điểm cực nam của cái gọi là "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vạch ra nhằm khẳng định chủ quyền phi lý trên toàn Biển Đông. Nó ở cách bờ biển ngoài khơi thị trấn Miri, bang Sarawak của Malaysia khoảng 84 hải lý. 

Malaysia vốn được xem là quốc gia có "quan hệ đặc biệt" với Trung Quốc và các quan chức nước này thường tỏ ra thận trọng khi đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein khẳng định nếu các báo cáo của Bộ Quốc phòng về hoạt động xây dựng và triển khai thiết bị quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa là đúng sự thật, "chúng ta sẽ buộc phải phản kháng lại Trung Quốc".

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm