"Đây là lần đầu tiên. Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Nó lý giải nguyên nhân chúng tôi đang tiếp cận vấn đề một cách thận trọng", Kyodo dẫn lời ông Ahmad Puzi Abdul Kahar, Tổng giám đốc Cơ quan thực thi luật hàng hải Malaysia (MMEA) trả lời phóng viên ngày 30/3.
Đây là lần đầu tiên cơ quan này công bố chi tiết về vụ va chạm với các tàu cá Trung Quốc gần cụm bãi cạn Luconia trên Biển Đông. Bộ trưởng phụ trách vấn đề an ninh quốc gia, ông Shahidan Kassim, thông báo vụ việc ngày 24/3.
Cụm bãi cạn Luconia cách bờ biển ngoài khơi thị trấn Miri, bang Sarawak của Malaysia khoảng 84 hải lý. Ảnh: Starfish
|
Ông Puzi sử dụng bản đồ để chứng minh vụ xâm nhập của tàu cá Trung Quốc xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Những tàu Trung Quốc bị phát hiện khi đang tiến hành các hoạt động từ 24/3 đến 28/3, với số lượng từ 40 đến 100 tàu.
Chúng không treo cờ hay có số hiệu đăng ký. Tuy nhiên, Malaysia phát hiện một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đang hộ tống những tàu cá này, trong khi một tàu khác thả neo ở gần bãi cạn Luconia hay còn gọi là Beting Patinggi Ali.
MMEA không thể tiếp cận con tàu để kiểm tra vì biển động, nhưng đã ghi lại hình ảnh làm bằng chứng. Theo ông Puzi, MMEA cố liên lạc với tàu nước ngoài nhưng không nhận được phản hồi. Tuy nhiên, các tàu của Malaysia đã bám đuổi tàu cá Trung Quốc khi chúng di chuyển về phía tây.
"Chúng tôi sẽ chuyển vụ việc này đến Bộ Ngoại giao để đưa ra phương án thích hợp hơn. Chúng tôi muốn gửi thông điệp rằng họ đang xâm nhập vùng biển của chúng tôi", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Reezal Merican cho biết đang theo dõi vụ việc trên và khẳng định sẽ hành động sau khi thu thập bằng chứng.
Tàu cá Trung Quốc. Ảnh:
4thmedia.org |
Cụm bãi cạn Luconia hiện do Malaysia quản lý nằm gần điểm cực nam của cái gọi là "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vạch ra nhằm khẳng định chủ quyền phi lý trên toàn Biển Đông. Nó ở cách bờ biển ngoài khơi thị trấn Miri, bang Sarawak của Malaysia khoảng 84 hải lý.
Malaysia vốn được xem là quốc gia có "quan hệ đặc biệt" với Trung Quốc và các quan chức nước này thường tỏ ra thận trọng khi đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein khẳng định nếu các báo cáo của Bộ Quốc phòng về hoạt động xây dựng và triển khai thiết bị quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa là đúng sự thật, "chúng ta sẽ buộc phải phản kháng lại Trung Quốc".