Theo Channel News Asia, ông Azam khẳng định như vậy vào ngày 31/8, sau khi MACC nhận thông tin về việc một số cá nhân hối lộ bác sĩ để có giấy chứng nhận, dù họ không tiêm vaccine.
Người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Malaysia cho biết ông coi vụ việc này là “nghiêm trọng”.
“Đây không đơn thuần là tham nhũng. Nếu là sự thật, hành vi này làm tổn hại đến danh tiếng của đội ngũ y tế, hủy hoại hình ảnh của họ”, ông Azam tuyên bố.
“Dù MACC chưa nhận được đơn tố giác nào liên quan đến vụ việc, chúng tôi sẽ điều tra và thu thập thông tin liên quan đến địa điểm nghi xuất hiện hành động bất chính”, ông nói thêm.
Malaysia đang áp dụng chứng nhận tiêm vaccine bản điện tử. Ảnh: Star. |
Trước đó, tờ Star đưa tin về một số phòng khám ở bang Penang liên tục nhận được những cuộc gọi hỏi mua chứng nhận tiêm vaccine phiên bản điện tử. Một phòng khám tại Penang cho biết họ nhận được nhiều cuộc gọi tỏ ý sẵn sàng trả tiền cho giấy chứng nhận vaccine dù không tiêm.
Tại Malaysia, những người đã tiêm vaccine được dỡ bỏ một số hạn chế phòng dịch. Ví dụ, họ có thể được đến nhà hàng, chợ đêm tại những khu vực đang bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Tình hình dịch bệnh tại Malaysia vẫn diễn biến phức tạp với hơn 20.000 ca mắc mới mỗi ngày. Hôm 31/8, nước này ghi nhận 20.897 ca mắc mới. Malaysia đã ghi nhận hơn 1,7 ca nhiễm và hơn 16.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tỷ lệ người lớn tiêm đủ hai mũi vaccine tại Malaysia đang là 63,6%. Chính phủ nước này đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm 100% vào cuối tháng 10.