Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Malaysia Airlines - đóng cửa hay bắt tay với AirAsia?

Đứng trước nguy cơ đóng cửa, một lựa chọn được các chuyên gia gợi ý cho Malaysia Airlines là bắt tay cùng AirAsia, qua liên doanh hoặc sáp nhập - theo South China Morning Post.

  • Hãng hàng không quốc gia Malaysia đã trải qua một loạt bê bối, bao gồm những thiếu sót trong khâu quản lý và gây ra hàng loạt tổn thất.
  • Theo các chuyên gia, chỉ còn nước cuối cùng để “cứu vớt” công ty này đó là mời các chuyên gia lâu năm ở bên đối thủ - AirAsia.

Chỉ 2 năm sau khi bán 49,9% cổ phần Malaysia Airlines cho Trung Quốc, chính phủ nước này lại đang thảo luận về những điều chỉnh đối với doanh nghiệp biểu tượng quốc gia này.

Đối mặt với khó khăn tài chính, Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã tuyên bố rằng ông đang xem xét các sự lựa chọn cho hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines, bao gồm tái cấp vốn, bán lại hoặc thậm chí là đóng cửa hoàn toàn hãng.

"Đóng cửa hãng hàng không quốc gia là một vấn đề rất nghiêm trọng", theo ông Mahathir. Tuy nhiên, "các phương án nêu trên đều đang được cân nhắc". Quyết định cuối cùng sẽ sớm được đưa ra. 

Ngay lập tức, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng đã trấn an người dân Malaysia rằng hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ không bị đóng cửa. Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế cho rằng, có lẽ đã đến lúc chính phủ phải dành cho Malaysia Airlines cái nhìn cứng rắn hơn.

Malaysia Airlines - dong cua hay bat tay voi AirAs anh 1
Ảnh: Bloomberg.

Khủng hoảng, bê bối

Uy tín quốc tế của Malaysia Airlines đã bị sụt giảm thảm hại sau 2 thảm họa hàng không liên tiếp vào năm 2014: vụ việc MH370 biến mất một cách bí ẩn và MH17 bị bắn hạ ở Ukraine.

Trong nỗ lực giúp Malaysia Airlines vượt qua khủng hoảng, quỹ đầu tư nhà nước Khazanah Nasional Bhd - sở hữu 69% cổ phần trong hãng hàng không Malaysia Airlines, đã thâu tóm hoàn toàn doanh nghiệp này và đầu tư thêm 6 tỷ ringgit (1,5 tỷ USD) vào hãng bay.

Tuy nhiên, 5 năm sau thảm họa, hãng hàng không này vẫn chật vật hồi phục trong lúc cố gắng đem về lợi nhuận. Báo cáo tài chính của Khazanah Nasional Bhd năm 2018 cho thấy quỹ này bị lỗ hơn 6,27 tỷ ringgit (hơn 1,5 tỷ USD), trong đó một nửa là do Malaysia Airlines.

Malaysia Airlines - dong cua hay bat tay voi AirAs anh 2
Người dân cầu nguyện cho nạn nhân xấu số trong vụ MH370.

Hãng này đã phải đối mặt với khủng hoảng về giám đốc điều hành. Peter Bellew, người hiện là CEO của Ryanair, rời Malaysia Airlines chỉ sau một năm nắm quyền và Christoph Mueller đã rời hãng để qua Emirates sau chưa đầy hai năm trong hợp đồng 3 năm.

Cùng với nó là thua thiệt tài chính do đồng ringgit rớt giá. Chỉ trong 2 năm từ 2015 đến 2017, hãng bay Malaysia đã mất hàng tỷ đồng do chi phí nhiên liệu máy bay vì sự mất giá của đồng tiền nội địa. 

Khazanah cho biết chính phủ phải quyết định việc họ sẵn sàng hỗ trợ hãng hàng không biểu tượng quốc gia này bao lâu nữa.

Trước đó, quỹ đầu tư Khazanah đã cam kết việc tái cấu trúc sẽ giúp Malaysia Airlines có lãi vào năm 2018, thế nhưng kết quả không như kỳ vọng. Năm 2018, hãng đã thực hiện cắt giảm chuyến bay, bỏ chuyến bay đến Nam Mỹ, Mỹ và một số điểm đến ở châu Âu, chỉ tập trung chủ yếu vào các chuyến bay ngắn và trung bình.

Quyết định này đã đưa Malaysia Airlines vào tình thế cạnh tranh trực tiếp với đối thủ nặng ký - hãng hàng không giá rẻ AirAsia, thuộc sở hữu của doanh nhân triệu phú Tony Fernandes.

Hãng bay Malaysia cho biết đã làm việc chặt chẽ với Khazanah trong giai đoạn tiếp theo của kế hoạch dài hạn từ tháng 9 năm ngoái. Thời gian biểu và khung chương trình đã được báo cáo Thủ tướng Malaysia vào tháng 11.

Có thể hồi sinh?

Các chuyên gia cho rằng cơ sở kinh tế của việc duy trì Malaysia Airlines cần được làm rõ, trên cơ sở phân tích các bê bối trong quá khứ cũng như các gói hỗ trợ của chính phủ.

"Liệu hãng có khả năng hồi sinh hay không, nếu xét từ các nỗ lực thất bại trong quá khứ. Có lẽ, chính phủ thực sự cần phải xem xét tới các lựa chọn “quyết liệt” hơn, bao gồm cả việc đóng cửa” - nhà kinh tế học Yeah Kim Leng, giám đốc khoa kinh tế của Đại học Sunway, nói.

"Hãng có lượng lao động dồi dào. Do đó, một phương án nên tính tới là bán lại hoặc sáp nhập với một hãng hàng không mạnh hơn là AirAsia, để từ đó tạo nên hãng hàng không cạnh tranh toàn cầu", ông nói.

Ông cho rằng việc này cũng tương tự như cách hãng sản xuất xe hơi Proton liên kết với nhà sản xuất Trung Quốc Geely.

Vấn đề chính trị trong phương án này liên quan đến biểu tượng phát triển quốc gia là điều chính phủ Malaysia sẽ cần xem xét. 

Bắt tay với AirAsia?

Một liên doanh cũng là gợi ý chung của nhiều chuyên gia kinh tế và những người từng hoạt động trong ngành này. Ishak Ismail, Chủ tịch Raya Airways, đề xuất chiến thuật tương tự.

“Hãy mang những chuyên gia kỳ cựu ở AirAsiaX tới đây, và để họ điều hành. Bạn không thể trông đợi mọi thứ xoay chuyển ngay lập tức, nhưng ít nhất, hãy đem những người giỏi nhất với kế hoạch và triển khai cụ thể phù hợp" - ông nói.

Một lợi ích khác là liên doanh sẽ hạn chế cuộc chiến về giá giữa các hãng hàng không, đảm bảo các doanh nghiệp đều thu lợi trong khi khách hàng được phục vụ tốt nhất. 

"Sai lầm trước đây là cắt bỏ các chuyến bay đường dài, khiến Malaysia Airlines cạnh tranh trực tiếp với các hãng giá rẻ AirAsia và Malindo Air. Điều này đặt hãng vào tình thế khá bất lợi với một hãng hàng không dịch vụ đầy đủ. Sân chơi giá rẻ lại quá đông đúc", ông nói. 

Năm 2014, Malaysia Airlines tung ra kế hoạch hồi phục 12 điểm sau khi hủy niêm yết chứng khoán, tốn 6 tỷ ringgit để hủy niêm yết và tái cấu trúc. Các quan chức Khazanah tuyên bố hãng hàng không này vẫn tạo ra “hiệu ứng cấp số nhân” cho nền kinh tế quốc dân thông qua thúc đẩy hoạt động du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội tiếp viên hàng không quốc gia Ismail Nasaruddin mô tả hiện trạng của Malaysia Airlines là “malu" (đáng xấu hổ).

"Người ta đặt câu hỏi tại sao MAS không tạo doanh thu; trong khi được “bơm tiền” vào năm 2001 và 2014. Nhưng họ đã hành động sai. Họ sa thải 6.000 công nhân vào năm 2015, và việc này không thay đổi gì bởi họ không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở các quyết định sai lầm được đưa ra bởi cấp cao, bởi các hợp đồng đã ký, việc trả lương cho các chuyên gia tư vấn hàng đầu từ nước ngoài và có một ban giám đốc không biết gì về việc họ đang làm, Mitch Ismail nói.

“Tham khảo ý kiến của mọi cấp nhân viên, chứ không chỉ từ các ông chủ”, ông đã thúc giục chính phủ. “Trong ba năm, chúng tôi không được tăng lương, không tiền thưởng, nhưng chúng tôi vẫn gắn bó, đồng hành cùng hãng.  Niềm tin vào Malaysia đang bị lao dốc, và nhân viên vẫn làm việc không ngừng bất chấp những tuyên bố thiếu ủng hộ của chính phủ".

Tuy nhiên, ông không nghĩ việc sáp nhập là một giải pháp hay. "Bạn không thể kỳ vọng Tony Ferndes sẽ nhảy vào và cứu hãng hàng không quốc gia. Đây không phải công ty của ông ấy. Điều phải làm là chính phủ tạo lập một nhóm tốt, xóa xổ những yếu tố chính trị và đừng để nhóm Khazanah nắm quyền đàm phán".

Cựu CEO Aziz Abdul Rahman mô tả Malaysia là niềm tự hào quốc gia. "Nó đang hoạt động không tốt, nhưng điều này không liên quan gì tới việc là hãng hàng không quốc gia. Đơn giản là nó vận hành không tốt. Chúng ta đã phạm sai lầm. Chúng ta mua nhầm máy bay. Chúng ta sai thải hàng nghìn nhân viên, bao gồm những kỹ sư hạng nhất. Chúng ta đóng cửa bộ phần bảo dưỡng, vận hành". 

Aziz, vị giám đốc điều hành đầu tiên của hãng hàng không này đã rời công ty vào năm 1991, cho biết rằng ông và nhiều “tay lão làng” khác sẽ sẵn sàng trợ giúp chính phủ dưới góc độ chuyên môn.

Trong quá khứ, Malaysia Airlines đã từng trải qua giai đoạn huy hoàng khi được đánh giá là hãng hàng không 5 sau. Tuy nhiên, việc không thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh với rừng hàng không giá rẻ không phải là điều lạ. Thị trường hàng không, theo các chuyên gia, không phải là dễ tăng trưởng, đặc biệt ở châu Á. Và Malasyia là một trong những thị trường hàng không cạnh tranh nhất thế giới, theo S&P Global Ratings. 

"Sự hiện diện của Singapore Airlines ở ngay cạnh và việc gia tăng số lượng các hãng giá rẻ tạo nhiều thách thức", nhà phân tích Graeme Ferguson cho biết.

Nhà kinh tế - chính trị hàng đầu, tiến sĩ Terence Gomez của Đại học Malaya nhận định việc sáp nhập đang được giới thiệu như một giải pháp trong tình cảnh các hãng hàng không đang đấu tranh để giữ “mạng sống” khi đối mặt với cạnh tranh quyết liệt. 

“Trên thế giới, luôn có những vấn đề khó khăn đối với ngành hàng không. Nhiều hãng hàng không đang trong quá trình sáp nhập. Mỹ, châu Âu đều đối mặt vấn đề tương tự. Cathay Pacific cũng đang gặp khó khăn dù trước đây từng là một nhà tiên phong về hàng không”, ông nói. "Khó khăn là đương nhiên, nhưng xử lý nó thế nào? Liệu chính phủ có đủ khả năng hay không? Chính phủ cần tham khảo từ tài liệu, xin ý kiến chuyên gia và đưa ra quyết định".

4 điều cần biết để luôn có vé máy bay giá hời Nếu bạn muốn săn vé máy bay giá rẻ, hãy đặt một chuyến bay thẳng vào cuối tuần và ít nhất 3 tuần trước chuyến đi bởi vì các chuyến bay này thường có giá rẻ nhất.

Bạn có thể quan tâm