Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Maid' và nỗi nhọc nhằn đời mẹ đơn thân

Bộ phim khắc họa cuộc sống nghèo đói của nạn nhân bạo hành gia đình.

Trong cuốn hồi ký năm 2019 mang tên: Maid: Hard Work, Low Pay, and a Mother's Will to Survive, Stephanie Land kể lại hành trình khốn khó một mình nuôi dạy con nhỏ trong sáu năm ròng làm nghề dọn dẹp giúp việc.

Netflix,  me don than,  Maid anh 1

Câu chuyện của cô được đưa lên màn ảnh nhờ loạt phim 10 tập của Netflix.

Maid mở đầu bằng cảnh trốn chạy của Alex (Margaret Qualley) cùng con gái nhỏ lúc nửa đêm. Cố gắng thoát khỏi người bạn trai bạo hành (Nick Robinson), Alex dùng số tiền ít ỏi còn lại xoay sở nuôi con một mình. Công việc dọn dẹp nhà cửa không đủ tiền trang trải, người mẹ trẻ đối mặt với vô số gánh nặng từ nuôi dạy con nhỏ, rắc rối với luật pháp và hệ lụy từ mối quan hệ với bạn trai cũ.

Trăm nghìn mối lo của mẹ đơn thân

Một trong những khó khăn của việc làm cha mẹ đơn thân là không có ai đỡ đần khi bạn kiệt sức. Nhờ hàng loạt tình huống cài cắm khéo léo ngay cả khi đã cường điệu hóa, Maid đặt người xem vào điểm nhìn của Alex để thấy mưu sinh khó khăn đến thế nào.

Một số tác phẩm như Nomadland hay The Florida Project tìm thấy chất thơ trong cuộc sống của người nghèo. Maid không đi tìm vẻ đẹp trong sự cực khổ ấy. Loạt phim đơn giản là nhìn thẳng vào cuộc sống vất vả của họ bằng ống kính không khoan nhượng. Nhân vật hì hục chùi rửa những ngóc ngách dơ bẩn, người bốc mùi trên xe, nói dối trên Tinder chỉ để hưởng thụ cuộc sống mà cô không có.

Netflix,  me don than,  Maid anh 2

Không cố gắng lấy nước mắt khán giả, series là cái nhìn trực diện vào cuộc đời những người mẹ đơn thân nghèo khó.

Cô gái trẻ vật lộn với mức lương còm cõi từ công việc dọn dẹp, trong khi chiến đấu để giành được quyền chăm sóc con gái. Một lần Alex chỉ còn lại vài xu không đủ để mua đồ ăn và ngất xỉu vì đói. Khi khác, cô nôn mửa khi dọn nhà vệ sinh bẩn thỉu. Nếu không quần quật làm việc, thì Alex cũng đang bận bịu với công việc gì đó: đi học, làm thủ tục giấy tờ, viết lách.

Có những lúc người mẹ trẻ tuyệt vọng chìm đắm trong cảm xúc hỗn độn xen kẽ thực tại, quá khứ trong cơn lo sợ sẽ không còn được gắn bó với Maddy bé bỏng. Maid khắc họa thành công cuộc sống “ba đầu sáu tay” của cha mẹ đơn thân bên lề xã hội.

Netflix,  me don than,  Maid anh 3

10 tập phim cũng là hành trình cố gắng của Alex vươn lên khỏi nghịch cảnh.

Thực tại càng khắc nghiệt thì cô càng kiên cường. Nhân vật có sự phát triển từ một phụ nữ trẻ ôm con chạy trốn trong đêm cho đến cuộc sống mới tự chủ thoát khỏi mối quan hệ độc hại.

Vấn nạn bạo hành gia đình

Maid cho chúng ta thấy muôn hình vạn trạng của bạo hành gia đình. Không phải cứ bị đánh thì mới gọi là nạn nhân của bạo hành. Bạo hành cảm xúc, đặc trưng bởi sự áp chế quyền lực qua giọng nói, cử chỉ, thao túng tâm lý đối phương, đẩy họ vào trạng thái hoang mang mất niềm tin vào bản thân.

Như Danielle nói với Alex, không ai nói với bạn gái trong buổi hẹn đầu tiên là “Em yêu, đưa anh lọ muối và một ngày anh sẽ bóp cổ em”. Nạn nhân của bạo hành phải chịu đựng thương tổn tăng tiến trong thời gian dài.

Nhân vật Paula mẹ của Alex là ví dụ cho thấy ảnh hưởng của phụ huynh lên con cái lớn như thế nào. Đó là một nghệ sĩ tự do mắc chứng rối loạn lưỡng cực, đặc trưng bởi những cơn trồi sụt cảm xúc đã hủy hoại cuộc đời bà.

Cuộc sống tạm bợ của Paula đã không trang bị cho Alex những kiến thức đầy đủ về giáo dục, gia đình, xã hội. Kết quả là cô con gái giẫm vào vết xe đổ của người mẹ: gắn bó với những gã đàn ông không ra gì, có con khi còn quá trẻ, nghèo túng, bị lạm dụng về tài chính, bạo hành tâm lý.

Paula được đóng bởi Andie MacDowell – ngoài đời cũng chính là mẹ của nữ diễn viên Margaret Qualley. Tưởng như Alex sẽ là một Paula thứ hai, nhưng khán giả có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa hai mẹ con. Cùng với nỗi đau bị bạo hành, trong khi Alex nhìn vào thực tế thì mẹ của cô phủ nhận nó (“Làm gì có thứ gì gọi là bạo hành tâm lý?”). Alex cố gắng thay đổi nghịch cảnh, Paula giả vờ như điều đó chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của bà.

Việc hai người là mẹ con chỉ nhấn mạnh thêm rằng yếu tố gia đình là quan trọng nhưng không hoàn toàn quyết định tương lai của mỗi cá nhân.

Dàn diễn viên tỏa sáng

Cùng với một kịch bản khéo léo, sức hấp dẫn của Maid đến từ dàn diễn viên thực lực. Những ai biết tới Margaret Qualley qua vai diễn mỏng trong Once Upon a Time... in Hollywood sẽ phải bất ngờ về nội lực diễn xuất của nữ diễn viên sinh năm 1994.

Qualley xuất sắc hóa thân vào nhiều chiều kích của nhân vật Alex. Đó không phải là chân dung một “mẹ siêu nhân” toàn tài vừa giỏi làm việc vừa đảm chăm con. Alex rốt cuộc là một cô gái thông minh với tình mẫu tử mạnh mẽ nhưng cũng là một cá nhân nhiều thiếu sót, tùy hứng, dối trá.

Khán giả xem phim đôi lần có thể cảm thấy bị phản bội vì những hành vi tồi tệ của Alex, chính là nỗ lực của Maid phá bỏ khuôn mẫu nhân vật đức hạnh toàn tập trên màn ảnh.

Cuốn hồi ký nguyên tác của Stephanie Land cũng dành ra nhiều chương bày tỏ sự cảm thông đối với bạn trai cũ. Tương tự thì Sean trong series cũng được khắc họa đa chiều thay vì hình dung về một kẻ bạo hành đáng nguyền rủa.

Netflix,  me don than,  Maid anh 4

Nick Robinson từng được biết đến với hình tượng ngọt ngào trong Love, Simon có pha lột xác thành trai hư Sean với Maid.

Anh ta đã khiến Alex sang chấn tâm lý, nhưng đồng thời cũng chính là nạn nhân của quá trình nuôi dạy sai lầm từ cha mẹ. Sean nát rượu có ý thức tham gia các lớp cai nghiện. Trong hình hài đàn ông trưởng thành, đó là một đứa trẻ hư hỏng chưa kịp lớn.

Maid không đao to búa lớn về vấn đề của hệ thống, hay đại diện cho tiếng nói của tất cả những mẹ đơn thân. Cuối cùng, đó là một lát cắt về cuộc đời một phụ nữ phấn đấu cho niềm hạnh phúc vô bờ bến của cô ấy: được nắm tay con gái nhỏ chơi đùa ở bất cứ đâu.

Đại biểu Quốc hội: 'Yếu tố bạo lực, tình dục cần theo thể loại phim'

Phát biểu tại Quốc hội về dự thảo Luật Điện ảnh, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất phân loại phim theo thể loại, từ đó có những quy định khác nhau.

Bộ trưởng Văn hóa phản hồi về Luật Điện ảnh sửa đổi

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng sẽ khó kiểm soát nếu không thẩm định kịch bản đối với phim hợp tác nước ngoài.

Ngọc Như

Bạn có thể quan tâm