Tập tản văn Mai rồi mưa tạnh trong xuân của tác giả Thái Kim Lan. |
Đọc tập tản văn Mai rồi mưa tạnh trong xuân của tác giả Thái Kim Lan, thốt nhiên nghĩ một vùng đất có lẽ đôi khi chỉ vì tồn tại trong ký ức của con người mà có thể trở nên sống động, tràn ngợp hơi thở. Huế là nhân vật chính, từng chút từng chút được chấp lên bằng thứ ngôn ngữ diễm lệ, phập phồng, mênh mang. Đắm chìm trong miền ngôn ngữ của Mai rồi mưa tạnh trong xuân, lại ngẩn ngơ thương, thương cái nét ưu nhã, diễm lệ, thương cái dịu dàng, hoài vọng, và cũng đem lòng ngưỡng vọng, một người đã trầm sâu thế nào trong miền ký ức để viết nên những đẹp đẽ đến chừng ấy.
Thái Kim Lan xa Huế từ năm 1965 sang Đức du học, đem những ký ức gói ghém lại, cất vào nơi sâu thẳm. Những ngày xa nhà đi học, rồi sau này định cư luôn tại Đức, Huế luôn là hình ảnh trở đi trở lại, nhức nhối trong tâm tư của người hữu tình, lại lênh đênh tha phương.
Những bài tản văn của Thái Kim Lan, bài nào cũng đượm mùi vị của ký ức. Huế ở đó là mưa xuân mưa bụi bay đầy trời, là nhanh hoa mai “đêm qua sân trước” mộc mạc, trầm lặng, là món cháo gạo đỏ thanh thanh êm dịu, dòng sông Hương lặng lờ trôi, những buổi chiều gió hát, những buổi đạp xe áo dài trắng e lệ bay... Thái Kim Lan viết Mai rồi mưa tạnh trong xuân lặng lẽ như con tằm ôm kén tơ, từng chút từng chút một rút ra những sợ tơ óng ánh, như máu thịt của mình, cất đặt dịu dàng lên trang giấy, là tự sự ấy, tự sự cùng cố hương, tự sự cùng cố nhân.
Ký ức nhói đau nhất với người tha hương có lẽ chính là hương vị tết nơi quê nhà, nên Thái Kim Lan viết nhiều trang về ngày tết, về hương vị tết Huế, tết của ngày xưa, với những nét đẹp đã trở thành lưu ảnh vĩnh viễn trong tâm trí.
Tâm hồn của người xa quê khi ấy thật đúng là ở nơi này lại nhớ nơi kia, ở Muenchen lòng thắt lại vì nhớ những ngày tết xa vắng, nghe lòng khao khát một cuộc đi về, day dứt tơ lòng, nhưng quyết trở về Huế, thì ngay vừa ra sân bay đã có cảm giác khuyết thiếu, buồn bã, bởi sắp xa nhà, xa con, xa gia đình bên này.
Nỗi lòng của người tha hương có lẽ cũng đều thấu suốt, sẻ chia, bởi lòng nặng nợ quá, nên cứ lênh đênh giữa đi về. Vậy nên trong bài viết Ăn tết nơi mô, Kim Lan viết: “Một nỗi hưu quạnh nào đó xông lên đột ngột lên vào người, mặc cho buổi tái ngộ anh em làm vui lòng không nhỏ, nhưng ngó quanh thật đơn chiếc”. Nhìn căn nhà, những người thân thương cũ là mẹ, là chị giờ đã ở một cõi khác nên lòng chỉ nghe tiếng lạnh. Lại nghe bâng khuâng: “Tết ở Muenchen coi rứa mà e vui hơn con ơi!”.
Xứ Huế diễm lệ, mộng mơ. |
Cái nỗi lòng chênh chao của kẻ mến quý gắn bó với cả hai miền đất thật sầu não. Nhưng đã về rồi, hương vị quê nhà dậy nên bao mùi thiết thân, lại đứng dậy bắt đầu cuộc ăn tết, ở nhà, một mình.
Món mứt tết ngày xưa mạ thường làm, giờ về lủi thủi một mình nhưng Kim Lan vẫn một mực muốn làm mứt. Cái vị mứt gừng ngày xưa, ngậm vào đường tan trong miệng, vừa ngọt vừa cay, dẫn dụ cả một trời ký ức.
Tiếng chuông chùa Phước Điền rung lên từng hồi báo hiệu thời khắc giao thừa, khi mâm cơm cúng tổ tiên đã xong, lòng bồi hồi xao xuyến, nhưng tiếng chuông chùa ấy, vào giây phút hiện tại, “tôi đang lắng nghe nơi đây, bây giờ, với tâm an bình, phúc lạc”.
Trở về nhà ăn tết, cảm giác cô quạnh nhung nhớ, nhưng cô Kim Lan bảo, ăn tết là phải vui. Cô thong dong đạp xe quanh thành phố, đạp xê lên chùa, ra hồ Tịnh Tâm, nghe từng giọt mưa xuân níu lại trên vai áo dài, rồi ăn bữa cơm tết ăn với dưa cải chấm xì dầu, thế mà vui. Hiện tại dẫu thưa vắng người, dẫu cô quạnh, đổi thay, bởi vì nỗi tâm tư bền chặt với mảnh đất Huế mà vẫn thật ấm áp, vui tươi.
Tác giả Thái Kim Lan. |
Tâm tư yêu da diết đến chừng ấy, Kim Lan viết thêm Mai rồi mưa tạnh trong xuân, để tự mình “đi vào mê lộ dĩ vãng, tìm từng dấu vết mưa bụi vương trên mắt, trên tóc trên vai”, “cảm giác như mình đang mộng du, chân không chấm đất, người như say phiêu diêu”.