Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mãi lộ ở phà Vàm Cống

Lâu nay nạn ùn xe kẹt phà ở phà Vàm Cống là nỗi thống khổ luôn ám ảnh cánh tài xế. Dư luận cho rằng bến phà có cố tình tạo ra cảnh kẹt phà để làm tiền. Sự thật thế nào?

Từ phản ánh của giới tài xế thường qua lại phà Vàm Cống nối Đồng Tháp và An Giang, phóng viên Tuổi Trẻ đã theo dõi nhiều ngày liền và phát hiện nạn mãi lộ ở bến phà này.

Phà Vàm Cống qua sông Hậu nối liền An Giang với Đồng Tháp nằm trên trục giao thông huyết mạch. Xe cộ qua lại từ phà này rất đông, muốn sớm được qua phà thì nhà xe phải chung chi.

Lâu nay nạn ùn xe kẹt phà ở phà Vàm Cống là nỗi thống khổ luôn ám ảnh cánh tài xế. Dư luận cho rằng bến phà có cố tình tạo ra cảnh kẹt phà để làm tiền. Sự thật thế nào?

Mua bến

Đoạn đường dẫn xuống phà Vàm Cống bên bờ phía Đồng Tháp có bảng quy định chia ra ba làn đường tách biệt. Làn dành cho xe tải ở bên trái, kế đó là làn dành cho xe chở khách và ôtô cá nhân.

Còn làn ưu tiên nằm ở rìa bên phải. Không phải xe ưu tiên nhưng xe nào muốn qua phà nhanh chóng thì cứ việc rẽ qua làn đường ưu tiên chạy thẳng xuống bến, rồi đưa tiền cho nhân viên kiểm soát vé là xong.

Qua nhiều ngày đêm thường có mặt tại phà Vàm Cống, PV Tuổi Trẻ ghi nhận phần lớn phương tiện chạy vào làn ưu tiên là các loại xe tải chở đủ thứ hàng hóa và ôtô con biển trắng (xe cá nhân). Các xe này luôn được dẫn dắt cho xuống phà sớm, ở hai làn còn lại mỗi lượt chỉ cho vài ba chiếc xuống phà, nên thường phải đậu nối đuôi chờ đợi hàng giờ.

Chiều 6/11, hai dãy xe tải, xe khách đậu chờ kéo dài cả cây số, hành khách ngồi la liệt bên lề đường ngóng từng chiếc xe nhích trên đường đợi, trong khi đó ở làn ưu tiên có cả đoàn xe tải đang lần lượt xuống phà trước.

“Họ cứ ưu ái dành cho làn xe ưu tiên như vầy thì hai giờ nữa xe chở khách của tôi cũng chưa thể qua phà”, anh Nguyễn Trọng Hòa, tài xế xe lữ hành, thở dài.

Theo quy định, những loại xe như cấp cứu, công vụ, chở vật liệu dễ cháy nổ, động vật còn sống, thực phẩm đông lạnh... mới được qua làn ưu tiên.

Tuy nhiên, thực tế ở phà Vàm Cống thì hoàn toàn khác hẳn. Sau khi mua vé, hễ thấy đông xe là các tài xế xe tải, ôtô con biển số trắng lập tức rẽ qua làn ưu tiên, chạy thẳng xuống bến, chờ được hướng dẫn qua phà trước.

Tại sao những xe này lại được ưu tiên qua phà trước? Theo tìm hiểu, chúng tôi thấy ở làn ưu tiên, vé xuống phà tài xế thường được cuộn tròn hoặc xếp lại, nhân viên kiểm soát vé nhanh nhảu đưa tay phải nắm lấy một cách chuyên nghiệp.

Các nhân viên lấy vé mà không xé để đưa lại một nửa tờ cho tài xế như thường lệ. Tiếp cận cánh tài xế được biết họ đặt tờ 50.000 hoặc 100.000 đồng trong tấm vé, lúc xe chạy vào cổng họ đưa cho nhân viên kiểm soát vé.

Những chiếc xe tải sau khi
Những chiếc xe tải sau khi "làm luật" đều thoải mái được chạy vào làn ưu tiên.

Ngỡ chúng tôi là tài xế mới chạy xe tuyến đường này, các tài xế chuyên chở thức ăn chăn nuôi về các tỉnh tây sông Hậu hướng dẫn tận tình: “Muốn qua phà sớm thì mua vé xong cứ chạy vào làn ưu tiên bên phải, khi chạy xuống bến cứ kèm theo 50.000 hay 100.000 đồng đưa cho nhân viên kiểm soát vé là xong. Bao lâu nay đều bỏ tiền ra mua bến như vậy. Nó diễn ra ngang nhiên sờ sờ, ai mà không biết”.

Đúng là cánh tài xế đều biết rất rõ việc chung chi ở bến phà Vàm Cống. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ cho hay họ phải bỏ tiền “mua bến” để sớm qua phà.

“Đơn vị chúng tôi có hàng chục xe tải, mỗi ngày phải chung chi cả bạc triệu”, một lãnh đạo hợp tác xã vận tải ở An Giang tiết lộ.

Các số liệu thống kê cho thấy mỗi ngày trung bình có khoảng 5.000 ôtô các loại qua phà. Giới tài xế ước tính với mỗi xe chung chi 50.000 - 100.000 đồng thì chỉ cần 1/5 trong lượng xe trên “mua bến” là nhân viên ở phà có thêm một nguồn rất khủng.

Riêng những xe thỉnh thoảng mới qua phà Vàm Cống, không biết chuyện chung chi thì có đám “cò” dẫn dắt. Đám “cò” bám lấy xe chào mời suất qua phà “siêu tốc” với giá 200.000 - 300.000 đồng/xe.

Trong vai phụ xế của một xe tải cần qua phà nhanh, chúng tôi được “cò” hét giá 300.000 đồng, kỳ kèo mãi được bớt xuống còn 200.000 đồng. Nhận tiền xong, “cò” chỉ cho xe chạy qua làn ưu tiên, sau đó “cò” còn có mặt tại chốt kiểm soát cùng với mấy nhân viên phà hướng dẫn cho xe xuống phà.

Ùn tắc do nạn “mua bến”

Chiều 7/11, tại phà Vàm Cống, xe tải và ôtô con lần lượt rẽ qua làn ưu tiên để sớm xuống phà. Trong khi đó ở bên hai làn đường xuống bến không ưu tiên thì xe đậu nối đuôi kéo dài, nhiều xe chờ gần hai giờ mà chỉ nhích thêm một đoạn ngắn.

Cánh tài xế bực bội rời xe ra ngồi dưới gốc cây bên đường tránh nóng, họ nói một khi bến phà cứ chăm chăm giải quyết cho các xe bên làn ưu tiên qua phà trước thì ở hai làn xe còn lại sẽ rơi vào tình trạng ùn ứ càng nặng nề.

“Hằng ngày qua phà tôi thường gặp cảnh ấm ức này mà không biết kêu ai”, mấy tài xế của xe khách Phương Trang lắc đầu ngao ngán. Những ngày đêm đi thực tế ở phà, PV Tuổi Trẻ cũng ghi nhận đúng như lời các tài xế than phiền.

Nhiều người thắc mắc bến phà Vàm Cống có chín phà và xây dựng thêm hai bến phụ, vậy tại sao xe cộ vẫn hay bị ùn ứ, nhất là ở bờ phía Lấp Vò (Đồng Tháp)? Phải chăng ở đây có chuyện cố tình tạo ra việc ùn ứ, ách tắc nhằm trục lợi?

Một nhân viên phà Vàm Cống “hướng dẫn” xe biển trắng xuống phà trước theo làn đường ưu tiên.
Một nhân viên phà Vàm Cống “hướng dẫn” xe biển trắng xuống phà trước theo làn đường ưu tiên.

Từ 23​h ngày 6​/11 đến sáng 7/11 xe khách, xe tải đậu hai hàng chờ phà kéo dài tới cầu Lạch Mắm. Phương tiện từ các nơi đổ về cứ rẽ qua làn ưu tiên để khỏi bị kẹt phà. Đám “cò” cũng rảo tới rảo lui chào mời suất qua phà nhanh giá 300.000 đồng/xe, rồi dẫn xe xuống tận bến.

Khoảng 2h sáng, khi hai hàng xe vừa vơi đi thì chúng tôi thấy vài chiếc phà chợt ngưng hoạt động, cảnh ùn ứ tái diễn, xe cộ lại đậu nối tiếp thành hai hàng dài chờ tới sáng. Trong khi đó bên làn ưu tiên các phương tiện “mua bến” cứ xuống phà... thoải mái, nhanh chóng. Nhiều ngày sau đó tình trạng vẫn diễn ra tương tự.

Theo tìm hiểu, gần đây phần lớn xe muốn qua phà nhanh thì chủ yếu là đưa tiền trực tiếp cho nhân viên kiểm soát vé hướng dẫn xuống phà.

“Với 50.000 - 100.000 đồng mà khỏi ngồi trên xe dài cổ chờ hàng giờ thì... kể ra cũng rẻ.

Cái lợi lớn là mình có thời gian chạy nhiều chuyến hơn, thấy mình giao nhận hàng nhanh chóng nên càng có thêm nhiều mối kêu chở hàng”​, anh Lê Văn Tính, tài xế xe tải chạy tuyến TP HCM - Kiên Giang, tâm sự.

Cánh xe tải thì có thể chung để qua phà sớm, còn xe khách thì chịu. Trong quy định đối tượng ưu tiên không có dạng xe khách, nếu để xe chở khách qua làn ưu tiên thì quá... lộ liễu nên rất hiếm khi xe khách được “mua bến” để qua phà nhanh.

“Xe tải trùm bạt lại thì không thấy trong đó chở hàng gì nên không phân biệt là nó chở hàng thuộc nhóm được ưu tiên hay không ưu tiên. Dù mình biết rõ nó đang chở hàng thô, nhưng nhiều khi phản ứng thì nhân viên bến phà bảo đó là xe chở thực phẩm tươi sống nên được ưu tiên. Mình đành chịu”, cánh tài xế xe khách ấm ức.

Xin tiền

Trong các lần qua sông trên những chuyến phà, chúng tôi thường thấy nhân viên trên phà đến gõ cửa từng xe xin tiền, tài xế nào cũng thường thủ sẵn 5.000 - 10.000 đồng nhanh nhảu đưa ngay. Trưa 7/11, một nhân viên phà còn xin thêm nước khoáng từ chiếc xe khách Công ty Phương Trang.

“Gọi là tiền bồi dưỡng cho họ hướng dẫn xe lên phà, sắp chỗ, chuyện này đã thành lệ từ lâu rồi, xe khách, xe tải đều phải cho. Nếu không lần sau qua phà sẽ bị khó dễ. Với những xe biển số ở tỉnh thành xa thỉnh thoảng qua lại thì có thể phải cho số tiền cao hơn”, các tài xế cho hay.

Giới tài xế xe tải đều nói nhân viên trên phà nhìn sơ qua là biết xe chở quá tải trọng, nên họ thường xin thêm tiền. Còn xe chở heo, bò, gia cầm thì theo quy định là phải bao chuyến qua phà, nhưng vẫn phải bồi dưỡng thêm.

“Trấn lột trắng trợn”

Chiều 12/11, PV Tuổi Trẻ làm việc với lãnh đạo cụm phà Vàm Cống - đơn vị trực tiếp quản lý bến phà Vàm Cống. Sau khi cùng trực tiếp xem nhiều hình ảnh mà PV chụp và quay lại, ông Lê Huy Khánh, Phó giám đốc cụm phà Vàm Cống, khẳng định qua những hình ảnh đó cho thấy nhân viên bến phà đã lợi dụng, cố tình làm sai quy định để làm tiền nhà xe hết sức trắng trợn, ngang nhiên.

“Làn đường ưu tiên chỉ dành cho một số trường hợp theo quy định, số phương tiện thuộc dạng này không nhiều. Thế nhưng qua các hình ảnh cho thấy khá nhiều xe không thuộc diện ưu tiên mà vô làn này để được qua phà sớm. Rõ ràng là nhân viên bến phà nhận tiền nên cho qua. Những hình ảnh đó khẳng định sai phạm sờ sờ ra rồi. Phải nói là trấn lột trắng trợn”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho biết từng nghe nói việc nhân viên bến phà làm tiền tài xế. Cụm phà đã nghiêm cấm, lập tổ kiểm tra phòng chống tiêu cực. Qua đó, từng phát hiện xử lý kỷ luật nhiều nhân viên bến. Tuy nhiên, do lực lượng thiếu lại phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ nên vẫn không thể kiểm soát ngăn chặn hết.

Trước đó, PV Tuổi Trẻ cũng đề nghị ông Nguyễn Văn Cần - trưởng bến phà Vàm Cống - cùng xem những hình ảnh liên quan tới việc “mua bến” nhưng ông Cần nói mình đang bận việc gấp, đồng thời nhận sai và xin... thông cảm bỏ qua cho, sau đó sẽ kiểm tra xử lý.

Ngày 6/11, chúng tôi còn mời ông Nguyễn Văn Cần trực tiếp quan sát tình trạng xe tải, ôtô con biển trắng chạy vào làn đường ưu tiên, ông Cần nhìn nhận đa số xe đi trên làn ưu tiên và được cho xuống phà trước là hoàn toàn sai.

“Giải quyết qua phà như vậy là sai quá rồi. Đúng là chúng tôi sai sót”, ông Cần nói. Đề cập về chuyện “cò” lộng hành, ông Cần thừa nhận ở hai bên bến phà lâu nay đều có “cò”, những lúc kẹt phà họ đứng ra mồi chài, thu tiền của một số nhà xe, rồi chặn đầu xe khác để cho xe của “thân chủ” xuống phà.

Ông Cần cho rằng đó là do “cò” tự ý làm, không có chuyện móc nối với nhân viên bến phà. Tại sao nhân viên để cho giới “cò” tự tung tự tác? Ông Cần giải thích do phạm vi đường lên xuống bến dài hàng trăm mét, trong khi lực lượng bảo vệ mỏng nên không thể kiểm soát hết.

“Đám “cò” này rất hung dữ, không ngán ai cả, ai ngăn cản họ hành hung ngay, họ từng rượt chém một số nhân viên chúng tôi”, ông Cần phân bua. Giải thích về chuyện giới tài xế nghi ngờ nhân viên phà cố ý gây ùn tắc để trục lợi, ông Nguyễn Văn Cần cho rằng việc ùn tắc bên bờ phía Đồng Tháp là do lượng phương tiện các nơi đổ về nhiều, gây quá tải cục bộ.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151113/mai-lo-o-pha-vam-cong/1001980.html

Theo Đức Vịnh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm