“Cứ CSGT thổi còi là bị phạt. Không xử phạt những lỗi nhỏ cũng là biện pháp giáo dục tốt đối với người vi phạm”.
Một CSGT ở ngã tư Nguyễn Kiệm - Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận (TP HCM) |
Phát biểu trên của ông Nguyễn Ngọc Tường - phó Ban An toàn giao thông (ATGT) TP HCM tại một hội thảo về an toàn giao thông chủ đề “Tính mạng con người là trên hết” vừa qua nhận được hàng nghìn ý kiến dư luận.
Nghe trẻ huýt còi mà... sợ rớt tim
Đó là nhận xét của rất nhiều bạn đọc gửi về TTO. Theo anh Hùng (TP HCM), trong địa bàn TP mà bị thổi còi thì người dân không mắc lỗi này cũng vướng lỗi kia, cầm chắc bị phạt.
Anh Việt Trung (TP HCM) cho biết: “Mỗi lần đi giao hàng bằng xe tải, nghe tiếng còi của trẻ em vô tình thổi chơi mà tôi cũng đứng tim. “Sợ CSGT” thành căn bệnh hồi nào không biết, dù xe mình chắc chắn không mắc lỗi gì”.
Ngoài ra, rất nhiều ý kiến của bạn đọc góp ý xung quanh hiện trạng mãi lộ. Một kinh nghiệm đáng buồn mà người dân vẫn đang rỉ tai nhau là khi điều khiển xe mà bị CSGT thổi còi thì lấy một ít tiền “đưa kín đáo” sẽ được đi. Còn thắc mắc gì thêm thì sẽ bị CSGT “phân tích nhiều lỗi”, "khó khăn hơn” (?).
Bạn đọc tên Lan bức xúc kể lại: “Một lần là tôi chạy xe máy khoảng 20h bị CSGT thổi vì xe không có đèn. Tôi trình bày vì bóng đèn vừa mới cháy chỉ khoảng 10 phút nên chạy tạm về nhà để mai sửa, không tin các anh cứ sờ vào sẽ thấy đèn còn nóng. Một anh CSGT sờ tay vào đèn xác nhận đèn còn nóng nhưng sau đó tôi vẫn phải đóng phạt.
Một lần khác, tôi vừa chạy xe vừa nghe điện thoại thì có một CSGT ra hiệu lệnh yêu cầu dừng lại và nhắc nhở phân tích điểm sai của tôi rất rõ ràng rồi cho đi. Tâm trạng tôi lúc đó biết ơn anh công an, hứa rằng mình sẽ không vi phạm thế nữa".
“Cách đây 10 năm, có lần tôi vô tình đi ngược chiều thì gặp hai anh CSGT yêu cầu tôi dừng xe lại. Tôi đã nhận sai và các anh đã nói lần sau đừng đi ngược chiều như thế nữa, đi xuôi chiều tuy xa hơn một chút mà mình đi đúng luật, sẽ an toàn hơn cho mình và không bị phạt nữa, sau đó các anh cho tôi đi. Tôi thật sự rất cảm kích và từ đó trở đi tôi không đi ngược chiều một lần nào nữa”, bạn đọc tên Hiếu cũng chia sẻ.
Nhiều tranh luận trái chiều
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết: “Nguyên tắc khi đi đường, CSGT ngoài việc tuýt còi điều phối giao thông còn phải tuýt còi người vi phạm giao thông để xử lý”.
Ông Trạch nhận định, gần như toàn bộ CSGT hiện nay tuýt còi chỉ để xử phạt là chính, rất hiếm trường hợp gọi vào để nhắc nhở. Lỗi giao thông có thể là vô ý hay hữu ý. Đối với lỗi vô ý, là vi phạm lần đầu thì nên nhắc nhở người dân để họ có thể nhận ra lỗi và sửa sai.
“Nếu là lỗi nhỏ, CSGT có thể nhắc nhở, nhất là với những trường hợp các em học sinh, sinh viên. Bây giờ, hầu như cảnh sát giao thông gọi vào là phạt. Như vậy tạo cho người dân một phản xạ khi nghe tiếng còi thổi là biết chắc mình sắp bị phạt” - ông Trạch cho biết.
Ủng hộ tinh thần của ý kiến nhắc nhở những trường hợp vi phạm nhỏ, vi phạm lần đầu, tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Hồng Thái (ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) cũng cho rằng: “Tính giáo dục ở đây có 3 loại: phạt kinh tế, phạt hành chính và giáo dục bằng tâm lý. Khi hầu hết ý thức người dân còn rất kém thì việc nhắc nhở sẽ không có tác dụng, thậm chí có tác dụng ngược đối với các đối tượng không có ý thức tuân thủ pháp luật”.
Theo ông Thái, trong pháp luật, bao giờ lý cũng được đặt lên trên tình. Cùng một hiện tượng có những người bị phạt, có người không bị phạt thì không còn tính nghiêm minh của pháp luật. Khi xét một hành vi, ta căn cứ vào bốn yếu tố: hành vi có vi phạm hay không, vi phạm với tính chất nào, động cơ và hoàn cảnh, điều kiện vi phạm.
“Không có căn cứ để quyết định người đó vi phạm do vô ý hay hữu ý. Vì vậy, không nên khuyến khích việc nhắc nhở trong xử lý vi phạm” - ông Thái nói.
CSGT đẹp khi làm việc nghiêm túc, trong sạch, đúng luật
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng: “Việc nhắc nhở có thể làm người vi phạm cảm giác phạm lỗi nhẹ hơn, có cơ hội rút kinh nghiệm để sửa đổi. Họ sẽ không nghĩ xấu về hình ảnh CSGT.
Trong khi đó, việc xử phạt làm họ nghĩ rằng mình đã trả tiền cho hành vi phạm lỗi nên cảm giác sẽ không thoải mái, ấm ức và sẽ có ý nghĩ nếu như không có CSGT thì việc vi phạm đó mình không phải chịu trách nhiệm”.
Theo bà Huệ, trong quá trình lưu thông trên đường có người biết luật vẫn vi phạm. Do vậy, có luật pháp thì phải tuân theo, không thể có trường hợp này được giảm nhẹ nhưng trường hợp kia lại xử nặng hơn. Hình ảnh CSGT đẹp không phải bởi hành động “nương tay” mà ở tác phong và cách làm việc đúng theo pháp luật.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng, thay vì nhắc nhở để giáo dục người dân thì nên có biện pháp tuyên truyền rộng rãi, thông báo cho mọi người biết luật, tránh trường hợp người dân không biết mà vi phạm. Quan điểm của pháp luật không phải mong cho người dân vi phạm để phạt mà là làm cho họ không vi phạm luật.
Hầu hết bạn đọc cho rằng, nếu muốn hình ảnh CSGT tốt hơn thì chính CSGT phải bắt đúng người đúng việc. Nếu nhắc nhở mà không xử phạt thì sẽ có người dựa vào đó để tiếp tục vi phạm.
Chị Trang Trần (Thanh Hóa) cho biết: “Hình ảnh CSGT nếu tốt sẽ biểu hiện tự nhiên ra bên ngoài bởi sự thân thiện, hòa nhã, làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình”.
“Người tham gia giao thông nên cố gắng tôn trọng luật giao thông và CSGT nên xác định vai trò chính của mình là điều phối và bảo vệ an toàn giao thông chứ không phải “canh me” thổi phạt. CSGT có thể nhắc nhở và thông cảm những lỗi khách quan không nghiêm trọng của người tham gia giao thông thì mọi chuyện sẽ ổn . Điều này cần có văn hóa ứng xử thì mới làm được chứ không phải chỉ có quy định trên giấy tờ” - bạn đọc Tuấn Khang (Đồng Nai) nói.