Cuốn Tun Dr Mahathir Mohamad Hồi ký chính trị (NXB Thế giới, bản dịch của Hà Anh - Phước Thịnh) cho chúng ta biết hành trình cuộc đời của ông, đồng thời hiểu được con đường chính trị mà ông theo đuổi.
Mahathir Mohamad được coi là nhà kiến tạo, đưa Malaysia từ nước nông nghiệp thành cường quốc công nghiệp, trung tâm viễn thông. |
Bác sĩ phẫu thuật và nội khoa từ khi còn rất trẻ
Sinh năm 1925 tại Alor Setar, thủ phủ bang Kedah ở miền Bắc Malaysia, Mahathir bin Mohamad tốt nghiệp Đại học Y khoa King Edward VII ở Singapore năm 1953, và được bổ nhiệm về Bệnh viện Đa khoa Penang ở quê nhà để trở thành bác sĩ thực tập nội trú chuyên ngành phẫu thuật và nội khoa.
Ông kể lại trong hồi ký, suốt quá trình học tập trường Y, môn duy nhất ông phải thi lại là Sản - phụ khoa. Bởi vì khi ông học, thầy dạy ông là Giáo sư Benjamin Shears - người sau này trở thành Tổng thống thứ hai của Singapore - dạy theo phương pháp của Mỹ, nhưng khi thi, cô giáo hỏi thi lại đến từ nước Anh, không chấp nhận phương pháp của Mỹ. Vị thủ tướng tương lai phải ở lại trường thêm 6 tháng để học và thi lại môn này.
Ông cưới người bạn học cùng trường Y, bà Siti Hasmah Mohd Ali, năm 1956. Trong hồi ký của mình, ông cho biết, trong thời gian học trường Y, ông đã làm việc cho báo Straits Times và tờ Sunday Times. Với một hoặc hai bài trong một tháng, ông kiếm được tới 50 đô-la. Ông gia nhập Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) và tham gia sinh hoạt chính trị ngay từ lúc học đại học.
Mới vào nghề, Mahathir say mê với công việc phẫu thuật của mình. “Tôi tự tiến hành hầu hết cuộc tiểu phẫu. Khi mới chỉ là bác sĩ trẻ, tôi đã thực hiện được các thủ thuật phức tạp, như cắt cụt, cắt ruột thừa và cắt ruột”.
Mahathir vẫn nhớ mãi lần ông cứu sống một vị giám đốc công ty đánh cá bị chứng sa ruột ở quần đảo ngoài khơi quần đảo Langkawi, bang Kedah. Nếu gửi tàu vào bệnh viện trong đất liền mất đến hơn 10 tiếng, bệnh nhân sẽ kiệt sức, ông quyết định phẫu thuật ngay tại bàn khám bệnh và dùng chỉ ruột mèo thay cho chỉ lụa để khâu. “Sau này, vợ ông ấy vẫn gửi cá ướp muối tặng tôi mỗi khi tôi tới Langkawi”, ông tự hào kể lại.
Ký ức buồn nhất với Mahathir trong những ngày làm bác sĩ là khi ông đã cố mổ để cứu sống một sản phụ có thai ngoài dạ con, nhưng không cứu được cả hai mẹ con.
Ở bệnh viện, Mahathir rút ra kết luận: “Bác sĩ phẫu thuật giống như người nghệ sĩ, phải kiềm chế cơn giận của mình”. Nhờ kinh nghiệm này, năm 1969, khi bị mất ghế Quốc hội, ông đau đớn, nhưng chỉ cảm thấy nỗi buồn chứ không giận giữ.
Cuốn Hồi ký chính trị dày 860 trang cho biết hành trình cuộc đời Mahathir từ bác sĩ trở thành chính trị gia. |
Năm 1957, Malaysia được độc lập, Mahathir cũng rời bệnh viện nhà nước ra mở phòng khám tư. Dù khá thành công trong nghề y, nhưng Mahathir quản lý phòng khám riêng không tốt. Ông giao việc quản lý cho hai người anh rể để tập trung vào chuyên môn và kiếm được 2.000 đôla mỗi tháng, trong khi mức lương nhà nước chỉ là 790 đôla.
“Nhìn chung, tôi rất thích chuyên ngành phẫu thuật. Đôi tay của tôi vẫn rất vững vàng mặc dù tôi đã không hành nghề y 30 năm. Tôi nhớ công việc của người bác sĩ và tôi nhớ phẫu thuật”, ông viết.
Tham gia chính trường, bị thất cử và mất ghế nghị sĩ
Mahathir chính thức gia nhập chính trường năm 1964, khi giành chiến thắng trong cuộc tranh cử hạ viện. Tuy nhiên, sau nhiệm kỳ quốc hội đầu tiên, ông rơi vào một giai đoạn khủng hoảng khi thất cử và mất ghế nghị sĩ, bị khai trừ khỏi đảng UMNO do mâu thuẫn với Thủ tướng Tunku Abdul Rahman và dần mờ nhạt trên chính trường.
Vẫn duy trì phòng mạch của mình, ông còn thử đầu tư kinh doanh cây xăng, nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, ông cũng đầu tư bất động sản, mỏ thiếc. Trong thời gian rời chính trường này, ông viết cuốn Thế bế tắc của Mã Lai (The Malay Dilemma) gây xôn xao dư luận và lập tức bị Thủ tướng Tunku cấm.
Năm 1971, sau khi Đại hội Đảng UMNO bầu Thủ tướng Tun Razak làm Chủ tịch mới của Đảng, Mahathir mới được tái kết nạp vào đảng. Sự kiện này đã được đăng tải trên khắp các báo. Ông tiếp tục được bầu vào Hội đồng tối cao của đảng này.
Năm 1974, Mahathir thắng cử trong cuộc bầu cử vào Quốc hội và được cử làm Bộ trưởng Giáo dục. Ông viết trong hồi ký: "Tôi rất ngạc nhiên vì mình được bổ nhiệm. Nhưng chức vụ Bộ trưởng Giáo dục rất phù hợp với tôi”. Đến lúc này, ông đành ngừng việc ở phòng khám, với lý do “Khi bạn trở thành thành viên nội các, bạn phải từ bỏ tất cả hoạt động khác của mình để tránh bất kỳ xung đột lợi ích có thể xảy ra”.
Theo Mahathir, trong chính trị Malaysia, chức Bộ trưởng Giáo dục rất quan trọng, bởi ai giữ được vị trí đó liên tục sẽ có cơ hội thăng tiến cao hơn và cuối cùng sẽ trở thành Thủ tướng.
Công việc của một bác sĩ rèn Mahathir biết kiềm chế cơn tức giận. Điều đó giúp ích cho ông vượt qua khủng hoảng chính trị khi thất cử, mất ghế. |
Tháng 1/1976, Thủ tướng Tun Razak qua đời vì bệnh ung thư tại London. Phó Thủ tướng Tun Hussein lên thay làm Thủ tướng, nội các khuyết một ghế Phó Thủ tướng. Mahathir đã thăm dò Thủ tướng mới về cơ hội có được thăng tiến không, nhưng chỉ nhận được sự lạnh lùng và im lặng. Vì vậy, khi đang đi thăm một trường học, Mahathir rất bất ngờ khi nghe người vệ sĩ báo tin ông đã được chọn làm Phó Thủ tướng.
Việc thăng chức cũng đồng thời chuyển ông từ Bộ Giáo dục sang Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế. Ông tự nhận xét rằng mình đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian giữ chức Bộ trưởng bộ này, nhưng vị trí Phó Thủ tướng khiến ông thất vọng đến không ngờ, do những xung đột với Thủ tướng Tun Hussein.
Thủ tướng 22 năm
Đầu năm 1981, Thủ tướng Tun Hussein đi London phẫu thuật tim, Mahathir nắm quyền Thủ tướng trong hai tháng. Đến tháng 6, Thủ tướng Tun Hussein từ chức vì sức khỏe, và Mahathir tiếp nhận chức vụ này từ ngày 18/7.
Trong thời gian nắm quyền, ông đã giúp chuyển đổi Malaysia, một đất nước mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp, thành trung tâm viễn thông, tài chính và sản xuất công nghệ cao trong khu vực ASEAN và châu Á.
Ở cương vị Thủ tướng, Mahathir đã phát động nhiều dự án quốc gia có quy mô lớn, như Đường Siêu tốc Bắc - Nam, Siêu hành lang Truyền thông đa phương tiện, Thủ đô Putrajaya, Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Đập Thủy điện Bakun ở Sarawak, Thành phố Cảng Tanjung Pelepas ở Johor, Tòa Cao ốc Petronas…
Cuốn Hồi ký chính trị ghi lại chi tiết những công việc mà Mahathir và chính phủ của ông đã làm trong các nhiệm kỳ liên tiếp của mình, như triển khai Chính sách hướng Đông, tái liên kết Malaysia và thế giới, Malaysia hóa các công ty, tư nhân hóa nền kinh tế, hồi sinh ngành cơ khí hay tiếp thị Malaysia ra thế giới.
Ông cũng nhìn nhận, năm 1998 là năm thách thức lớn nhất trong cuộc đời mình, do năm đó diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Tuy nhiên, việc Malaysia đăng cai Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung đã giúp đất nước này thu được những lợi ích to lớn.
Trong khi đó, cuộc bầu cử năm 1999 được ông đánh giá là cuộc bầu cử cam go nhất của ông và Đảng UMNO, do sự lớn mạnh của đảng PAS. Nhưng cuối cùng, UMNO vẫn giành chiến thắng áp đảo với 2/3 số phiếu.
Mahathir vừa giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lịch sử tại Malaysia. Ở tuổi 92, ông là thủ tướng thắng cử già nhất thế giới. |
Trong chương cuối cuốn hồi ký của mình, ông chia sẻ về sự kiện chiều 31/10/2003, sau lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Thủ tướng Tun Abdullah Ahmad Badawi, ông đã tiến hành lễ bàn giao một tập tài liệu cho thủ tướng mới. “Hình ảnh này được dàn dựng vì mục đích truyền thông, trên thực tế, không có gì trong tập tài liệu cả”, ông kể lại.
Sau khi rời chức Thủ tướng, ông được bổ nhiệm làm cố vấn của các tập đoàn kinh tế Petronas, Cơ quan Phát triển Langkawi (LADA), Cơ quan phát triển Tioman.
Cuốn hồi ký của Mahathir dừng lại ở năm 2009, khi Najib Razak trở thành Thủ tướng thứ 6 của Malaysia. Ít ai có thể ngờ được rằng, 10 năm sau, Mahathir lại quay lại chính trường, thành lập đảng đối lập Pakatan Harapan và đánh bại liên minh đã nắm chính quyền suốt 60 năm qua Barisan Nasional để trở thành một trong những thủ tướng thắng cử già nhất trên thế giới.