Mafia Italy hình thành như thế nào?
Nổi tiếng khắp toàn cầu trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, mafia Italy từng là tổ chức xã hội đen khét tiếng nhất thế giới với hàng loạt vụ thanh toán và ám sát làm chấn động toàn cầu.
Mafia Italy được biết đến với cái tên Cosa Nostra hay Sicily Italy, được hình thành vào giữa thế kỷ 19 tại vùng đảo Sicily, thuộc Italy. Tuy nhiên, hậu duệ của tổ chức này năng nổ tìm kiếm vùng đất mới để “lập nghiệp” và làm cho danh tiếng cũng như sức ảnh hưởng của Cosa Nostra nhanh chóng lan rộng khắp đất nước và ra toàn thế giới.
Cosa Nostra từng làm mưa làm gió với danh hiệu mafia khét tiếng nhất thế giới. |
Cosa Nostra là tổ chức tội phạm quy mô lớn, liên kết với nhau khá lỏng lẻo và ít có sự can thiệp chéo giữa các bên ngoài việc thực thi các quy tắc chung. Mỗi nhánh của tổ chức tội phạm này cai quản một vùng nhất định và được biết đến như một “gia đình” riêng. Tất cả các hoạt động tội phạm ở trong khu vực này do “gia đình” mafia ở đó cai quản nhưng không có quyền can thiệp vào hoạt động của các gia đình khác.
Tổ chức nhỏ nhất của Cosa Nostra chỉ cai quản một khu vực nhất định như khu phố hay thị trấn được chia. Các tổ chức lớn hơn có thể cai quản cả thành phố hoặc vùng miền với những tổ chức mafia nhỏ hơn ở phía dưới. Tuy hoạt động bên cạnh nhau nhưng sự tranh giành địa bàn hay thanh toán lẫn nhau khá hiếm khi xảy ra giữa các Cosa Nostra.
Dù được thành lập từ những năm giữa thế kỉ 19 nhưng mafia Italy chỉ thực sự lớn mạnh cho tới khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Sau khi chế độ độc tài Mussolini sụp đổ, Italy bị Mỹ và quân đồng minh chiếm đóng. Quân đội Mỹ sử dụng Cosa Nostra để liên lạc trong giai đoạn nội chiến Italy với Sicily năm 1943. Thậm chí, đám ô hợp xã hội đen còn được Mỹ giao vũ khí kèm theo trọng trách bảo vệ các bến cảng và cơ sở của Mỹ khỏi bị quân phát xít phá hoại. Đây là bước ngoặt lớn đối với tương lai của tổ chức xã hội đen Cosa Nostra trên đất Italy.
Khi đủ lông đủ cánh, Cosa Nostra thoát khỏi sự kìm kẹp của Mỹ, lao vào các hoạt động tội phạm. Từ việc thu tiền bảo kê, buôn bán hàng cấm, kinh doanh mại dâm, buôn ma túy tới kinh doanh ô tô, bất động sản… đều được các tổ chức Cosa Nostra thực hiện nhằm thu lợi nhuận. Thậm chí, những tổ chức mafia Italy còn ấp ủ giấc mộng buôn bán ma túy trên phạm vi toàn cầu bởi những khoản lợi nhuận khổng lồ mà nó mang lại.
Khi lớn mạnh tới mức cực thịnh, các tổ chức mafia Italy còn thâu tóm cả chính trị, mua chuộc quan chức nhằm thỏa sức sộng hành trên khắp lãnh thổ Italy. Tuy nhiên, chính việc “coi trời bằng vung”, sẵn sàng hạ sát những người chống lại bao gồm cả cảnh sát và thẩm phán chính là nguyên do khiến mafia Italy bị lên án, tẩy chay và mất đi vị thế khét tiếng nhất thế giới.
Vào những năm đầu thập niên 1980, cuộc chiến ngay trong nội bộ mafia Italy nổ ra, dẫn tới việc ám sát hàng loạt chính trị gia, cảnh sát trưởng và thẩm phán. Tuy nhiên, khi sự việc trong nội bộ mafia lắng xuống thì cũng là ngày tàn của tổ chức này khi phe hiếu chiến giành phần thắng. Một trong những kẻ đầu sỏ của mafia Italy rơi vào tay các nhà chức trách và chấp thuận làm nhân chứng để đổi lấy tự do và thân phận mới.
Nhờ những bằng chức do 2 chánh án là Giovanni Falcone và Paolo Borselino cùng những đồng nghiệp chống mafia cung cấp, phiên tòa đầu tiên diễn ra vào năm 1986 – 1987, đưa hàng trăm tên mafia đầu sỏ ra trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, cả 2 người tiên phong chống tội phạm xã hội đen này đều chết bí ẩn vào năm 1992, khi tên trùm mafia nguy hiểm nhất nước Ý vẫn sống ngoài vòng pháp luật.
Cái chết của chánh án Giovanni Falcone và Paolo Borselino gây ra sự phẫn nộ trên khắp đất nước Italy, buộc chính phủ phải mạnh tay trấn áp các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Hàng loạt kẻ cộm cán bị sa lưới trong khi những kẻ bao che, nhận hối lộ cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Trước tình thế đó, mafia Italy buộc phải rút vào hoạt động bí mật và không còn là tổ chức xã hội đen khét tiếng nhất thế giới.
Hiện tại, mafia Italy vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ở Italy và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các thành viên Cosa Nostra hoạt động theo những quy tắc nhất định và bất biến, trong đó có việc cấm “đụng” đến cảnh sát, chánh án và các quan chức. Ngoài ra, việc tôn trọng và không xâm phạm quyền lợi và lãnh thổ của nhau là một trong những điều giúp Cosa Nostra tồn tại.
Trịnh Duy
Theo Infonet