Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mặc váy cô dâu và áo tang chồng trong một đêm

Bị bệnh hiểm nghèo, anh Phước mong ước làm đám cưới cùng chị Loan, người chung sống với anh 13 năm không hôn thú, con cái. Anh mất trước hôn lễ một ngày nhưng đám cưới vẫn diễn ra.

Anh Nguyễn Văn Phước (còn gọi là anh Bảy, 52 tuổi) chung sống không hôn thú với chị Trương Thị Ánh Loan (39 tuổi) 13 năm nay tại nhà người bà con ở khóm 2, phường 6, TP Trà Vinh.

Anh Phước kiếm sống bằng nghề bán vé số còn chị Loan làm giúp việc. Cuộc sống khó khăn nên nhiều năm bên nhau, anh chị không có tiền tổ chức đám cưới. Hai người không có con chung.

Đám cưới đặc biệt ở Trà Vinh Hôn lễ của anh Phước, chị Loan dự định diễn ra lúc 11h ngày 19/10. Tuy nhiên, tối 18/10, anh Phước qua đời vì bệnh lao phổi. Đám cưới nhanh chóng được tiến hành ngay trong đêm để hoàn thành tâm nguyện của chú rể.

Thời gian gần đây, anh Phước liên tiếp mắc các bệnh hiểm nghèo, phát hiện ung thư, lao phổi và bị bệnh viện trả về. Biết mình không qua khỏi, anh Phước có tâm nguyện tổ chức một đám cưới để anh và chị Loan danh chính ngôn thuận là vợ chồng.

Tâm nguyện của người đàn ông 52 tuổi được một nhóm tình nguyện và bà con lối xóm giúp đỡ thực hiện. Đám cưới của anh Phước và chị Loan dự định tổ chức vào 11h ngày 19/10.

Tuy nhiên, anh Phước mất lúc 19h ngày 18/10, khi chưa kịp nhìn người mình yêu thương mặc váy cưới. Sau đó, người thân và nhóm tình nguyện quyết định tổ chức đám cưới cho anh và chị Loan ngay trong đêm.

Đám cưới muộn màng

Nằm trên chiếc giường xếp đặt ngay cửa ra vào, anh Phước mặc bộ complet đen, trên ngực áo cài hoa tím. Đôi môi anh nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền không còn sức sống.

Ngồi bên cạnh anh, chị Loan mặc chiếc váy trắng đính kim sa, tay cầm bó hoa cưới, khuôn mặt chưa kịp trang điểm buồn rười rượi. Đây là đám cưới mà cả đời chị ước mơ, nhưng cũng là ngày chị mất đi người mình yêu thương nhất.

Chị Loan tâm sự đám cưới này là tâm nguyện cuối cùng của anh Phước. Khi còn tỉnh táo, anh nói với chị là ngày xưa, hai người nghèo quá, về ở với nhau mà không cưới xin gì. Nên giờ anh muốn bù đắp cho chị một đám cưới, để chị có một danh phận, anh mới yên lòng ra đi.

Anh Phước bảo chị Loan rằng khi anh mất, chị phải tự chăm sóc bản thân. Vì khi không còn anh nữa, chị sẽ chỉ còn lại một mình, không còn ai lo lắng, chở che nữa. Anh dặn chị không được buồn hay khóc nhiều. Nếu chị rơi nhiều nước mắt, anh sẽ chẳng thể nào ra đi thanh thản.

Những người có mặt trong đám cưới đặc biệt này đều không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến chị Loan khóc ngất đi lúc vuốt mắt cho anh Phước lần cuối. Hình ảnh chị mặc váy cô dâu, thất thần nhìn xác người chồng đã khuất khiến ai cũng xót xa.  

Tâm sự về giây phút làm đám cưới cùng người chồng vừa mất, chị Loan giãi bày: “Được mặc váy cô dâu, cầm hoa cưới ngồi bên anh Phước, tôi cứ ngỡ như anh còn sống, đang mỉm cười chụp hình với tôi. Giây phút đó, tôi không hề nghĩ là anh đã mất rồi”.

“Đời tôi luôn mơ về một đám cưới, nhưng lại mặc cảm mình lớn tuổi, sẽ bị người đời chê cười. Không ngờ bà con lối xóm lại ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình để hoàn thành tâm nguyện của anh Phước nên tôi xúc động lắm. Giờ tôi chỉ còn một mình, không biết tương lai sẽ phải bước tiếp ra sao”, chị Loan nghẹn ngào nói.

Cuộc đời trớ trêu

Cuộc đời chị Loan từ khi sinh ra đã phải trải qua nhiều cay đắng, bất hạnh. Nay, tuổi xế chiều lại chịu cảnh trớ trêu khi vừa mặc váy cô dâu lại mặc áo tang chồng chỉ trong một đêm.

Chị Loan mồ côi cha từ khi còn nhỏ, không lâu sau, mẹ cũng qua đời. Lớn lên, vì không được học hành nên chị đi làm thuê đủ nghề, cuộc sống khó khăn, nghèo khổ.

Đến năm 26 tuổi, chị Loan gặp anh Phước. Anh thương chị mất cả cha lẫn mẹ nên đi lại thăm hỏi. Chị nghe lối xóm khen anh hiền lành nên cũng thuận theo dù khi ấy anh đã một đời vợ và có con riêng. Cứ thế, hai người chung sống hòa thuận đến khi anh đổ bệnh.

dam cuoi dac biet o Tra Vinh anh 1
Những tấm ảnh cưới đầu tiên của vợ chồng chị Loan được chụp sau khi anh Phước mất. Ảnh: Huỳnh Vĩnh Thịnh. 

Người phụ nữ 39 tuổi kể cách đây mấy năm, anh Phước bị nước ăn chân, lở loét nhưng không chữa trị nên bị nhiễm trùng. Hai bàn chân bị hoại tử, các ngón chân bị ăn mòn.

Gần một tháng trước, anh Phước đau bụng dữ dội, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị loét hai mu bàn chân.

Sau một thời gian, bệnh trở nặng, anh Phước được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, bác sĩ phát hiện trong bụng anh hai khối u có tế bào ung thư đã di căn, gây ra bệnh lao phổi.

Ngay lập tức, anh được chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chữa trị. Tuy nhiên, vì tình trạng bệnh đã quá nặng, anh bị bệnh viện trả về.

Chị Loan cho biết thêm trong khoảng thời gian anh Phước bệnh nặng, bị bệnh viện trả về đến lúc qua đời, mẹ ruột anh không hay biết gì. Bà cụ hiện 78 tuổi, bị tai biến nằm một chỗ, sợ bà sốc sẽ nguy hiểm tính mạng nên mọi người giấu kín chuyện anh bệnh rồi mất.

Đến khuya 18/10, mẹ anh Phước đòi gặp anh và gặng hỏi mọi người xung quanh rằng có phải con trai bà mất rồi không. Bà một mực đòi gặp con rồi bệnh trở nặng, được người thân đưa đi cấp cứu ngay trong đêm.

Ông Phạm Đình Vũ – Trưởng khóm 2, phường 6, TP Trà Vinh – cho hay anh Phước vốn sống ở phường 1, cùng thành phố.

“Anh Phước chuyển về đây sống với chị Loan hơn 10 năm nay. Anh Phước bán vé số còn chị Loan làm giúp việc. Hai người không có con gái, cuộc sống cũng khó khăn. Anh ấy lại mắc bệnh hiểm nghèo khiến kinh tế càng suy kiệt.

Tôi chưa chứng kiến đám cưới như vậy ngoài đời bao giờ, chỉ thấy trong phim hay trên mạng. Tôi nghĩ đây là một đám cưới nhân văn, giúp người đã mất hoàn thành tâm nguyện”, ông Vũ nhận xét.

Lão ông luôn yêu đời khi sống giữa rừng xanh 20 năm

Trước khi vào rừng sâu sống cách biệt với dân làng suốt 20 năm qua, ông Hồ Văn Châu từng là du kích địa phương tham gia làm đường, vận chuyển vũ khí ở căn cứ cách mạng Cà Đam.

Hoàng Như

Bạn có thể quan tâm