Cuối năm, người tiêu dùng có xu hướng không ngại rút hầu bao mua sắm những vật dụng dùng trong gia đình để đón một năm mới tươm tất. Thời buổi khó khăn, tâm lý người tiêu dùng là lựa chọn những món đồ có giá hấp dẫn, hoặc kèm theo tặng phẩm có giá trị cao. Cũng chính vì lý do này mà không ít người té ngửa khi biết rằng, hàng mua được với giá rẻ thực chất lại đắt hơn rất nhiều so với giá thực ngoài thị trường. Thậm chí có những người tiêu dùng cẩn thận chọn những trung tâm uy tín nhưng vẫn không tránh khỏi “bẫy” khuyến mãi này.
Khu bán hàng điện tử gia dụng khuyến mãi của siêu thị điện máy Nguyễn Kim (quận1) luôn nhộn nhịp khách hàng đến tham quan mua sắm. Cũng vậy mà đợt bán hàng có tài trợ lớn nhất năm tại đây kéo dài từ ngày 6/12 đến 22/12 đã được gia hạn thêm đến ngày 31/12. |
“Một cô bạn phấn khởi khoe với tôi vừa mua được chiếc máy giặt với giá hời, lại được thêm tặng phẩm, còn suýt xoa may mắn mới mua được không thì đã hết hàng. Trong khi đó, gia đình tôi cũng mới mua chiếc máy giặt đó 3 tháng trước, tuy không có khuyến mãi nhưng giá không cao hơn mức giá cô bạn đã mua”, chị Bùi Thúy Hằng (quận 3) nói.
Một vị khách đang tham quan trong khu mua sắm của siêu thị điện máy Thiên Hòa, cho biết: “Tôi thấy thông tin quảng cáo có rất nhiều sản phẩm chất lượng bán giá rẻ để thu hồi vốn, tuy nhiên khi đến hỏi thì đều báo hết hàng và giới thiệu sản phẩm khác. Chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng tôi cảm thấy khó chịu vì đã mất công đến nơi nhưng lại không mua được hàng”.
Theo một nhân viên trong nghề, hàng điện máy khuyến mãi có hai loại, một là hàng tồn 1-3 năm, hai là những sản phẩm cũ được thu mua về, sửa chữa lại rồi thay vỏ mới, hoặc những sản phẩm điện tử mới ra nhưng mất giá vì có mẫu mới thay thế. Những sản phẩm lỗi thời 1-3 năm, hoặc hàng cũ thay vỏ mới kể trên được mang ra bán theo kiểu khuyến mãi chắc chắn thu lời gấp nhiều lần kể cả khi treo bảng giảm giá 50%.
Cũng theo anh này, trong những lô hàng khuyến mãi của các siêu thị, trung tâm điện máy, dù ít hay nhiều thì cũng có trường hợp trà trộn hàng lỗi, hàng kém chất lượng.
Nếu để ý, thì hàng ngày luôn có những người đi thu mua đồ điện tử, điện lạnh cũ trong từng ngõ hẻm dân cư. Đó một phần cũng để phục vụ cho nhu cầu thu mua của các trung tâm điện máy. Điều này cũng giải thích vì sao có những hàng mới mua về chưa được bao lâu nhưng khi mang ra tiệm sửa thì bên trong đã có dấu hiệu gỉ sét, ăn mòn.
“Cũng vào dịp khuyến mãi cuối năm 2012, tôi mua một chiếc nồi cơm điện được bán với giá đã giảm là 430.000 đồng tại siêu thị điện máy Chợ Lớn (Q.4). Tôi hoàn toàn tin tưởng vào những thông số bảo đảm chất lượng của sản phẩm, nhưng chỉ hơn 1 tháng sau sản phẩm đã có dấu hiểu hư hỏng. Vỏ nồi gỉ sét, cơm nấu thường dễ sống hoặc bị cháy, lớp men bong tróc dù có bảo quản tốt đến đâu”, chị Nguyễn Kim Anh (Q.1), bức xúc kể.