Gần đây, cơ quan phòng chống ma túy của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về một loại ma túy ăn thịt người, biến con người thành những “xác sống” vô hồn. Loại ma túy tiêm cực mạnh này có tên gọi là desomorphine hay krokodil (cá sấu) vì những người sử dụng loại ma túy này thường có biểu hiện da chuyển sang màu xanh đen như da cá sấu.
Một nạn nhân của ma túy ăn thịt người. |
Bác sĩ Abhin Singla tại bệnh viện St. Joseph ở Chicago cho biết, ông vừa chữa trị cho một phụ nữ nghiện krokodil. Cô này mất gần như toàn bộ chân.
“Nó là một loại ma túy ăn thịt người, nó giết bạn từ bên trong ra ngoài và nếu lạm dụng nó, bạn chắc chắn sẽ chết", Singla nói.
Theo một nghiên cứu do bác sĩ Robert Geller tại Trung tâm Chống độc Georgia thực hiện năm 2013, ma túy “cá sấu” không tan trong máu và tạo thành những cục vón tới các bộ phận của cơ thể, gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho các mạch máu và làm viêm nhiễm các mô mềm, dẫn đến hiện tượng hoại tử một cách nhanh chóng.
Một báo cáo trong tháng 10 của Cục Phòng chống Ma túy Mỹ cho biết, cơ sở dữ liệu của họ đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng về các vụ lạm dụng “cá sấu”, tuy nhiên, họ chưa thể xác nhận được mức độ phổ biến của loại ma túy nguy hiểm này ở Mỹ như thế nào.
Giống như ma túy đá, “cá sấu” rẻ hơn và dễ chế tạo hơn heroin rất nhiều. Dân buôn bán ma túy chế “cá sấu” từ thuốc giảm đau cùng các loại hóa chất dễ kiếm khác. Tuy nhiên chính điều này cũng khiến tỉ lệ tử vong trong số những người sử dụng loại ma túy này là cực kỳ cao.
Với những con nghiện thường tiêm chích vào động mạch cổ, chất axít trong loại ma túy này sẽ dần dần phá hủy phần mô xương xốp, đặc biệt là ở hàm dưới, gây ra bệnh “hàm Phossy” làm lợi thối rữa và răng rụng hết.
Một khi đã sử dụng "cá sấu", người nghiện sẽ chỉ còn tập trung vào việc kiếm được thuốc để tiếp tục phê mà không hề để ý đến bất cứ vấn đề gì khác, biến họ thành những “xác sống” đích thực. Cảm giác “phê” có thể kéo dài vài ngày. Trong giai đoạn phê, người nghiện có biểu hiện nóng nảy bất thường, mất ngủ và mệt mỏi triền miên, mất trí nhớ và gặp các vấn đề về phát âm.
Gần đây, bệnh viện Joliet ở Chicago, Mỹ đã tiếp nhận 5 bệnh nhân có biểu hiện sử dụng “cá sấu”. Tuy nhiên cả 5 người này đều nghĩ rằng họ đang sử dụng heroin.
“Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu 'cá sấu' tồn tại trên thị trường đủ lâu, sẽ có những người nghiện tìm mọi cách để sử dụng loại thuốc ăn thịt người này bất chấp mọi hậu quả, bởi giá của nó chỉ bằng 1/3 so với heroin", Singla cảnh báo.
Theo các bác sĩ, người nghiện "cá sấu" chỉ có thể sống trung bình từ 2-4 năm sau khi nghiện, trong khi người nghiện heroin thông thường có thể kéo dài sự sống thêm 5-7 năm.
Đã phổ biến từ lâu ở Nga
Ở Nga, đây là loại ma túy rất phổ biến từ chục năm nay. Các con nghiện có thể dễ dàng mua thuốc giảm đau codein – thành phần chính của ma túy cá sấu - ở mọi nơi và tự bào chế ra loại ma túy với độ “phê” không kém heroin với số tiền rẻ hơn nhiều, lại không lo cảnh sát “sờ gáy”.
Chính vì thế, nhiều con nghiện dù biết tiêm chích ma túy cá sấu đồng nghĩa với việc tự tiêm thuốc độc vào cơ thể, nhưng vẫn bỏ heroin để dùng nó.
Ma túy "ăn thịt người" xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào năm 2002 ở Siberia và vùng Cận Đông. 3 năm trở lại đây, cơn nghiện ma túy cá sấu lan rộng khắp nước Nga với tốc độ chóng mặt, bùng nổ thành đại dịch. Chính phủ Nga đã rất nỗ lực để ngăn chặn cơn nghiện này.
Theo Reuters, trong năm 2010 gần một triệu người Nga sử dụng ma túy cá sấu và hiện Nga có khoảng hai triệu người nghiện nó.
Tính trung bình, mỗi năm khoảng 30.000 người nghiện ma túy chết, trong đó gần một nửa mất mạng vì "cá sấu".