Là phần phim đánh dấu sự trở lại của thương hiệu Ma trận đình đám, Ma trận: Hồi sinh được đánh giá như một trong những bộ phim khiến công chúng đón chờ nhất.
Tuy nhiên, những gì tác phẩm đem lại cho người xem chỉ là chất lượng yếu, không để lại nhiều ấn tượng, thậm chí có phần tệ hơn trong cách triển khai câu chuyện so với Ma trận của 20 năm về trước.
Kịch bản phức tạp nhưng không đủ hấp dẫn
Ma trận: Hồi sinh có quá ít điểm sáng so với ba phần phim gốc. |
Những khán giả chưa theo dõi phần đầu tiên, hoặc không kịp xem lại trước khi bắt đầu theo dõi Ma trận: Hồi sinh chắc chắn gặp khó khăn trong việc thấu hiểu phần lớn câu chuyện của tác phẩm.
Về lý thuyết, Ma trận sau 20 năm không có nhiều thay đổi so với các phần trước. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của xã hội, cách tiếp cận ma trận cũng trải qua một số nâng cấp. Người bước vào ma trận không còn phải tìm kiếm cột điện thoại để thoát ra hay tiến vào khu vực này, thay vào đó, chỉ thông qua một chiếc gương, họ có thể dễ dàng di chuyển giữa thế giới thật và ma trận.
Điểm yếu lớn trong kịch bản của Ma trận: Hồi sinh là dành quá nhiều thời gian để giải thích câu chuyện. Ngoài ra, bộ phim cũng sử dụng vô số thuật ngữ khoa học mang tính thử thách người xem.
60 năm đã trôi qua từ cuộc chiến cuối cùng giữa thế giới thật và ma trận. Thành phố Zion bị phá hủy, một địa phận mới là IO ra đời. Việc bộ phim dành hơn 30 phút để giải thích về thành phố này khiến thời lượng phim trở nên dài dòng, dễ dàng đẩy khán giả vào tâm lý chán chường.
Nếu như ở 3 phần phim gốc, tập 1 tập trung giới thiệu người được chọn và ma trận, tập 2 mang người xem đến Zion - thành trì cuối cùng của nhân loại, tập 3 là cuộc chiến sống còn, thì ở Ma trận: Hồi sinh, đạo diễn Lana Wachowski đã nhồi nhét vào bộ phim tất cả ý chính của phần 1 và phần 2, với mục đích giới thiệu thế giới mới tới khán giả.
Tuy nhiên, ở mạch truyện chính, từ thời điểm Neo và Trinity bị kẹt lại trong ma trận, cho đến hành trình giải cứu Trinity, các sự kiện đều diễn ra một cách nhanh chóng và dễ dàng, dù lời dẫn miêu tả đây là vụ việc cực kỳ nguy hiểm, có thể khiến nhân vật mất mạng vào bất cứ lúc nào. Điều này khiến nhịp phim tại nửa cuối tác phẩm bị đẩy lên rất nhanh, thiếu hụt quá nhiều chi tiết thúc đẩy sự hấp dẫn.
Bên cạnh đó, không ít nhân vật mới được đưa vào Ma trận: Hồi sinh đem lại cảm giác thừa thãi, không có sự phát triển rõ ràng, điển hình là thành viên phi hành đoàn. Suốt hơn 2 tiếng phim, hiếm ai được người xem nhớ tên, tất cả những gì khán giả biết tới chỉ có Neo, Trinity, Morpheus và Smith mới. Thậm chí, dù được định hình là phản diện chính, ấn tượng duy nhất đọng lại trong tâm trí người xem về nhân vật của Neil Patrick Harris là gương mặt với biểu cảm gượng gạo, cùng nét diễn một màu.
"Cặp đôi vàng" của Ma trận không còn để lại ấn tượng trong cách cả hai phối hợp, tương tác. |
Diễn xuất thiếu điểm nhấn
Sau 20 năm, diễn xuất của Keanu Reeves trong Ma trận không có nhiều thay đổi so với trong quá khứ - vẫn là nét mặt hơi đơ cứng, phần thoại được cắt giảm gọn gàng một cách tuyệt đối. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nhân vật Neo "trông không khác gì John Wick trong mấy năm gần đây".
Phần thể hiện của Carrie-Anne Moss cũng khiến người xem thất vọng, khi kịch bản không đem lại cho cô quá nhiều đất diễn. Trong hầu hết cảnh quay, nữ diễn viên mang cùng một biểu cảm. Đặc biệt, tại phân cảnh Trinity lấy lại ký ức, dù vẫn thực hiện những ngón đòn quen thuộc, cô lại trông có phần mệt mỏi, thiếu đi sự mạnh mẽ ấn tượng như trước đây.
Một trong những điểm đáng chê nhất của bộ phim nằm ở kết nối giữa cặp đôi chính. Thay vì bầu không khí mang tới cảm giác gắn kết, khi họ sánh đôi cùng nhau, những gì khán giả cảm nhận được chỉ là sự trống rỗng. Đặc biệt, mỗi lúc nhìn vào đối phương, ánh mắt của cả hai đều trở nên vô hồn.
Jessica Henwick được xem như diễn viên có phong thái ổn định nhất phim. Với tạo hình tomboy cá tính và mạnh mẽ, nhân vật Bugs được ưu tiên thể hiện bản thân qua nhiều cảnh động nguy hiểm và mãn nhãn. Màn trình diễn của nữ diễn viên gốc Hoa thành công chứng minh rằng Bugs là người thừa kế xứng đáng của phi hành đoàn.
Bugs là nhân vật có vai trò rõ ràng nhất trong Ma trận: Hồi sinh. |
Đặc sản của Ma trận không còn đặc sắc
Khi nhắc tới Ma trận, công chúng lập tức nhớ đến loạt màn cận chiến võ thuật uyển chuyển, đẹp mắt, với các cuộc rượt đuổi gay cấn.
Những ưu thế này xuất hiện đầy đủ tại Ma trận: Hồi sinh. Tuy vậy, tại phần phim lần này, dường như "đặc sản" của Ma trận đã bị thực hiện một cách hời hợt, thiếu đầu tư.
Ở tập thứ 4, phân cảnh võ thuật trong tác phẩm không còn do Viên Hoà Bình thực hiện. Thay vào đó, nữ đạo diễn Lana Wachowski trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo phần này.
Kết quả, những cảnh quay hành động của Ma trận: Hồi sinh trở nên kém đặc sắc, với chiêu thức Kung Fu bị dàn dựng một cách thô thiển, không khai thác được góc máy độc đáo như các phần phim trước. Khi thể hiện phân cảnh đánh nhau, tại Keanu Reeves vẫn tồn tại rõ bóng dáng của nhân vật John Wick, từ nét mặt cho đến động tác. Anh không còn phong thái bình tĩnh, tinh tế như trước.
Một trong những điểm đáng thất vọng nhất nằm ở đại cảnh trận chiến cuối phim. Thay vì loạt khung hình hoành tráng, tất cả những gì Neo có thể làm là dùng trường lực để đỡ đạn và đẩy kẻ thù ra xa. Khả năng này gợi nhớ đến sức mạnh của Sue Storm trong Fantastic Four.
Ngoài ra, màn đối đầu giữa các thành viên cùng đội Bugs và nhóm "cái bang" cũng bị thực hiện một cách ẩu tả, khi tác phẩm chủ yếu sử dụng cảnh quay lướt qua hời hợt. Dù kết quả là phe ác phải nhận thua trong tình thế thảm hại, việc tất cả chi tiết diễn ra quá nhanh khiến người xem cảm thấy hụt hẫng vì không thể thưởng thức trọn vẹn từng tình tiết.
Ma trận: Hồi sinh là phần phim yếu kém nhất trong thương hiệu Ma trận. |
Có không ít ý kiến cho rằng sự trở lại của Ma trận sau 20 năm là "nỗi hổ thẹn cho cả loạt phim". Mọi nỗ lực làm mới loạt phim đều bị đặt sai chỗ, từ câu chuyện thiếu tính hợp thời tới màn diễn xuất thiếu nội lực. Tất cả điểm trừ lớn này khiến Ma trận: Hồi sinh không những không thể "hồi sinh" series phim huyền thoại như mong muốn, mà còn có thể trở thành điểm kết buồn cho thương hiệu này.