Theo ghi nhận của khách du lịch tại Hà Giang, công trình Mã Pì Lèng Panorama đã hoạt động trở lại, tấp nập người đến uống cà phê và ngắm cảnh.
Hình ảnh mới nhất về công trình này khiến nhiều người bất ngờ vì quy mô xây dựng không khác gì công trình cũ, thậm chí có dấu hiệu cơi nới, bành trướng hơn trước.
Công trình "4 không" vẫn sừng sững
Về mặt kết cấu, công trình vẫn giữ nguyên 7 tầng nhà gồm 2 tầng nằm trên mặt đường và 5 tầng xây dọc xuống sườn núi. Vách tường được thay đổi từ những gam màu sặc sỡ sang màu xám của đá. Phần nóc công trình được xây cao hơn và lợp mái tôn thay vì mái bằng như trước đây.
Trước đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang từng kết luận đây là công trình "4 không": Không có giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, không có giấy phép xây dựng.
Với sai phạm đã rõ ràng, nhiều ý kiến yêu cầu chính quyền địa phương phải đập bỏ công trình, không thể "phạt cho tồn tại". Tuy nhiên, do vị trí xây dựng công trình trùng với quy hoạch xây điểm dừng chân ngắm cảnh được UNESCO phê duyệt, chính quyền địa phương đã tính phương án cải tạo công trình thành điểm dừng chân.
Ngày 8/10/2019, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang, cho biết các sở ngành đề xuất giữ lại, cải tạo phần nhà nằm sát đường quốc lộ, còn toàn bộ phần công trình phía sau phải phá bỏ hết. Trong lúc chờ thống nhất phương án xử lý, công trình phải tạm dừng hoạt động.
Vài ngày sau, chủ nhân của Mã Pì Lèng Panorama đã cho phủ sơn xanh các tầng nhà. Việc "phủ xanh" công trình này đã được bà Vũ Ngọc Ánh (chủ công trình) nhắc đến ngay sau khi các sở ngành của tỉnh Hà Giang đề xuất đập bỏ một phần công trình.
Đến tháng 12/2019, Mã Pì Lèng Panorama bất ngờ hoạt động trở lại. Chủ đầu tư không còn phục vụ lưu trú mà chỉ kinh doanh cà phê, nước giải khát.
Bẵng đi một thời gian dài, đến tháng 7 vừa qua, công trình bắt đầu được khoan đục để sửa chữa, cải tạo. Theo phương án cải tạo được phê duyệt, công trình 7 tầng này sẽ không bị đập bỏ 5 tầng như đề xuất ban đầu mà được cải tạo thành điểm dừng chân. Kiến trúc mới được kỳ vọng hài hòa với cảnh quan, phù hợp với nét văn hóa của đồng bào dân tộc.
Trao đổi với phóng viên vào thời điểm đó, đại diện Sở Xây dựng Hà Giang cho biết phương án cải tạo công trình đã được sự chấp thuận của UNESCO và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu, cao nguyên đá Đồng Văn.
"Chính quyền sai 2 lần"
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, cho rằng chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giải trình khi trên thực tế công trình vẫn tồn tại sau các yêu cầu tháo dỡ.
"Vậy là chính quyền địa phương đã sai 2 lần. Sai lần thứ nhất là để cho công trình mọc lên mà không ngăn chặn. Việc khắc phục không đúng nhưng chính quyền vẫn chấp nhận cho tồn tại là sai tiếp lần 2", ông Đồng nhận định.
Chuyên gia cho rằng một điểm ngắm cảnh mà có nhà phòng lưu trú là vượt qua quy mô của điểm ngắm cảnh.
"Phải yêu cầu đập bỏ chứ không chỉ đơn giản là sửa chữa. Cần phải có hình thức xử lý quyết đoán và cứng rắn để duy trì kỷ luật về mặt quy hoạch. Chấp nhận một điểm như thế thì các điểm sau sẽ lại mọc lên. Đó là tiền lệ rất dở", ông Đồng phân tích.
Trong ngày 23/12, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang và lãnh đạo huyện Mèo Vạc để hỏi về tình hình xử lý vi phạm của công trình. Các vị này đều nghe máy nhưng từ chối trả lời câu hỏi.
Tòa nhà Mã Pì Lèng Panorama gồm 7 tầng với kết cấu bê tông cốt thép, được xây trên đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu 2019. Công trình có 5 ban công lớn nhìn thẳng xuống sông Nho Quế và hẻm Tu Sản.
Tháng 10/2019, đoàn kiểm tra liên ngành đứng đầu là Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đã kiểm tra cụ thể công trình và phát hiện nhiều vi phạm.
Ông Giàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang, khẳng định công trình chưa có đủ thủ tục pháp lý, không thân thiện với môi trường và phá vỡ cảnh quan của điểm dừng chân Mã Pì Lèng.
Hà Giang không đập bỏ toàn bộ Mã Pì Lèng Panorama
Theo phương án xử lý tòa nhà Mã Pì Lèng Panorama, UBND tỉnh Hà Giang quyết định không đập bỏ toàn bộ công trình mà cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh, không lưu trú.
Sơn Trà, Mã Pì Lèng và sự nhân danh 'du lịch sinh thái' để tàn phá
Chưa bao giờ khó tìm được những chỗ du lịch sinh thái đúng nghĩa như bây giờ. Nhiều dự án mang danh “du lịch sinh thái” nhưng kết quả là phá tan hoang môi trường.
Không tháo dỡ, nhà nghỉ trên đèo Mã Pì Lèng hoạt động trở lại
Dịch vụ cà phê, giải khát tại nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama hoạt động trở lại bất chấp yêu cầu dừng hoạt động và tháo dỡ một phần công trình.
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Xem thêm bình luận