Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Sơn Trà, Mã Pì Lèng và sự nhân danh 'du lịch sinh thái' để tàn phá

Chưa bao giờ khó tìm được những chỗ du lịch sinh thái đúng nghĩa như bây giờ. Nhiều dự án mang danh “du lịch sinh thái” nhưng kết quả là phá tan hoang môi trường.

nha nghi sai pham tren deo Ma Pi Leng anh 1

Sơn Trà, Mã Pì Lèng và sự nhân danh 'du lịch sinh thái' để tàn phá

Chưa bao giờ khó tìm được những chỗ du lịch sinh thái đúng nghĩa như bây giờ. Nhiều dự án mang danh “du lịch sinh thái” nhưng kết quả là phá tan hoang môi trường.

nha nghi sai pham tren deo Ma Pi Leng anh 2

nha nghi sai pham tren deo Ma Pi Leng anh 3

Trịnh Lê Nguyên

Chuyên gia môi trường

Ông Trịnh Lê Nguyên là Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) - tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng. Và kết quả? Môi trường tan hoang, hệ sinh thái bị đảo lộn, người dân bản địa vẫn đứng ngoài những “lợi ích” dự án cam kết mang lại.

“Du lịch sinh thái” đang được quảng bá bởi nhiều doanh nghiệp, địa phương với hàng loạt dự án quy mô, đầu tư lớn. Nhưng dường như càng khuếch trương, càng cố thu hút nhiều du khách thì loại hình du lịch này càng đi ngược lại với những gì mà nó thực sự hướng đến.

Đáng lo nhất là nếu thiếu kiểm soát, du lịch sinh thái đang ăn nhanh vào chính nguồn vốn tạo ra nó. Đó không phải tiền, mà là các giá trị thiên nhiên – cốt lõi của phần sinh thái trong “du lịch sinh thái”.

Sơn Trà, Mã Pí Lèng là những ví dụ điển hình trong danh sách dài những điểm đến thiên nhiên bị trào lưu tự dán nhãn “du lịch sinh thái” lợi dụng để bòn rút và trục lợi cho một số nhóm lợi ích.

Ở Việt Nam, chưa bao giờ dễ tìm các điểm đến có chữ “du lịch sinh thái” như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ khó tìm được những chỗ du lịch sinh thái đúng nghĩa như bây giờ.

Cho tới nay vẫn chưa có một cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát, quản lý việc dán nhãn “du lịch sinh thái” cũng như thiết lập các tiêu chí, chuẩn mực cho loại hình này.

Và đây chính là điểm cốt tử của vấn đề.

Phá thiên nhiên, bóc ngắn cắn dài vì lợi nhuận

Tìm kiếm trên Google với cụm từ “khu du lịch sinh thái” cho ra hơn 3,5 triệu kết quả bằng tiếng Việt. Đi khắp nước, tấm biển du lịch sinh thái được trưng từ những hồ câu, resort, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng cho đến khu du lịch.

Nhiều nơi bê tông nhiều hơn cây xanh cũng có biển “sinh thái”. Những khu du lịch ken đặc người vào những dịp lễ cũng không thiếu chữ “sinh thái”. Thế nên du khách tham quan về xong cũng băn khoăn không rõ cái sinh thái nó khác với du lịch bình thường như thế nào.

Nhiều nơi bê tông nhiều hơn cây xanh cũng có biển “sinh thái”. Những khu du lịch ken đặc người vào những dịp lễ cũng không thiếu chữ “sinh thái”.

Nhiều dự án mang danh “du lịch sinh thái” nhưng kết quả là phá tan hoang môi trường.

Dự án Phát triển du lịch sinh thái trồng rừng tại Quan Lạn (Quảng Ninh) là một ví dụ. Dự án này được cấp phép năm 2005 nhưng đến 2017 vẫn chưa đi vào hoạt động. Đổi lại, nhiều diện tích rừng phòng hộ đã bị phá tan hoang phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng.

Hệ quả là khi bão đi qua đảo năm 2015, rừng phòng hộ còn lại không đủ khả năng ngăn sóng, giảm sức gió dẫn đến vỡ đê, phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương, thậm chí gây thiệt hại về tính mạng của người dân.

Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) là một trong những khu vực rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao hiếm hoi còn lại ở khu vực đô thị. Và dĩ nhiên với lợi thế đó, không thể thiếu những dự án “du lịch sinh thái” bên cạnh những đại dự án nghỉ dưỡng khác.

Năm 2016, Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa và Khu du lịch sinh thái biển bãi Bắc bị người dân phát hiện thuê người chặt phá rừng để mở rộng diện tích làm hạ tầng. Chỉ khi người dân phát hiện và thông tin lên mạng xã hội, các cơ quan chức năng mới bắt tay vào kiểm tra, xử lý.

Ngày 18/10 vừa rồi, Thanh tra Chính phủ kết luận: Chính quyền Đà Nẵng đã cấp đất biệt thự, đất ở, quản lý lỏng lẻo để các doanh nghiệp sang nhượng hoặc bỏ hoang khiến cho cảnh quan của bán đảo Sơn Trà bị “băm nát”.

Ở tầm vĩ mô, sự thịnh vượng của quốc gia không chỉ đo đếm bằng giá trị của nền kinh tế. Chất lượng cuộc sống và chất lượng môi trường đang được chứng minh là có tầm quan trọng không kém.

Cho đến nay, số phận của hệ sinh thái tự nhiên ở Sơn Trà với hơn 985 loài thực vật và 378 loài động vật, đặc biệt là quần thể loài chà vá chân nâu quý hiếm, đang ở trên bàn cân giữa phát triển du lịch với bảo tồn thiên nhiên.

Trào lưu dán nhãn này cũng xuất phát từ lý luận “muốn phát triển phải đánh đổi”, phát triển du lịch tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế… Dễ nhận thấy lý lẽ này trong các thảo luận gần đây liên quan đến công trình nhân tạo trên Mã Pì Lèng (Hà Giang).

Tư duy ăn xổi ở thì này khá phổ biến ở Việt Nam nhưng đã quá lạc hậu so với trào lưu phát triển chung. Ở tầm vĩ mô, sự thịnh vượng của quốc gia không chỉ đo đếm bằng giá trị của nền kinh tế. Chất lượng cuộc sống và chất lượng môi trường đang được chứng minh là có tầm quan trọng không kém.

Cùng với phong trào du lịch tâm linh, các chủ đầu tư “du lịch sinh thái” ưa thích những khu vực còn giữ được nhiều nét hoang sơ, có sẵn điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần đây là các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Oái ăm là nhiều dự án mang danh này được kèm theo cả tổ hợp sòng bài, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, thậm chí cả vườn thú, safari.

Rõ ràng, đối tượng khách hàng hướng đến không phải là những người ưa khám phá thiên nhiên mà là những người giàu, muốn tìm những nơi khác lạ để hưởng thụ. Một phần nữa là phục vụ nhu cầu “check in” của đối tượng khách hàng trẻ, thích những cuốc du lịch nhanh, gọn, nhiều phần để khoa trương hình ảnh, video trên mạng xã hội.

Phần “sinh thái” trong loại hình du lịch mang danh này phần lớn chỉ mục đích đánh bóng sản phẩm.

Khía cạnh nữa của các dự án “du lịch sinh thái” lớn là hiện tượng bê tông hóa, thay thế cảnh quan tự nhiên bằng các công trình nhân tạo.

Khía cạnh nữa của các dự án “du lịch sinh thái” lớn là hiện tượng bê tông hóa, thay thế cảnh quan tự nhiên bằng các công trình nhân tạo.

Phải nói rằng một số dự án đã được đầu tư khá bài bản cho công việc xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nên cả quần thể kiến trúc khác biệt. Thế nhưng, các công trình đẹp đẽ này lại được đặt sai chỗ.

Công trình nhân tạo thế chỗ cho cảnh quan tự nhiên ở những địa điểm lẽ ra không được phép xây dựng đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm và bóp méo chuẩn mực về du lịch sinh thái, gây nhầm tưởng và lạc hướng cho một loại hình lẽ ra phải đặt yếu tố “sinh thái” lên đầu.

Phương thức phát triển theo kiểu phá thiên nhiên thay bằng nhân tạo thực ra là hình thức bóc ngắn cắn dài. Những giá trị tự nhiên được tạo dựng qua hàng nghìn, hàng triệu năm được thay thế một cách giản đơn bằng các công trình nhân tạo xây dựng trong thời gian ngắn phục vụ mục tiêu lợi nhuận.

Cuộc đua hụt hơi của thiên nhiên với kim tiền

Thực ra, du lịch sinh thái cũng đã được thực hành ở một số nơi và cũng có những điểm sáng để chúng ta có thể rút ra được những bài học hữu ích.

Vườn quốc gia lâu đời nhất Việt Nam, Cúc Phương, có lẽ là nơi đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái xét theo các tiêu chí của loại hình du lịch này. Ở phía Nam, Vườn quốc gia Cát Tiên cũng là nơi hiếm hoi để du khách có thể trải nghiệm quan sát các loài thú hoang dã trong thiên nhiên thay vì trong chuồng trại nuôi nhốt.

Việc kiểm soát lượng khách tham quan cũng như các biện pháp giảm thiểu tác động lên thiên nhiên được thực hiện một cách cẩn trọng, theo các chuẩn mực quốc tế là điều đáng được ghi nhận.

Điểm chung của các địa điểm này là có kiểm soát lưu lượng khách, đảm bảo giảm thiểu tác động lên thiên nhiên, có đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ am hiểu và có năng lực diễn giải về môi trường, có trung tâm giáo dục thiên nhiên để du khách tìm hiểu và học hỏi. Quan trọng hơn là chưa bị bê tông hóa quá mức như nhiều nơi khác.

Trong những năm gần đây, có một phong trào phát triển du lịch khác đang hình thành với sự tham gia của cộng đồng, hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa và thiên nhiên của người dân bản địa.

Du lịch cộng đồng (CBT: community-based tourism) với các mô hình homestay quy mô nhỏ, được đầu tư bài bản, cẩn thận, theo các tiêu chuẩn cao và có sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp tận tâm đã phát triển thành công ở nhiều nơi.

CBT đã cho thấy ít gây tác động hơn du lịch đại trà và có hiệu ứng tích cực nhiều mặt về xã hội, văn hóa, môi trường. Bản thân văn hóa, thiên nhiên nơi cộng đồng làm du lịch là nguồn vốn lớn của chính họ nên được giữ gìn tốt hơn.

Nói về du lịch thám hiểm thiên nhiên, không thể bỏ qua Sơn Đoòng. Hoạt động du lịch tại di sản thiên nhiên độc đáo này cho đến hiện tại đang được quản lý và vận hành tốt thông qua các doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm cao.

Việc kiểm soát lượng khách tham quan cũng như các biện pháp giảm thiểu tác động lên thiên nhiên được thực hiện một cách cẩn trọng, theo các chuẩn mực quốc tế là điều đáng được ghi nhận.

Bên cạnh đó, những năm vừa qua nguồn thu từ du lịch đã đóng góp đáng kể cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Sơn Đoòng “may mắn” khi phía các cơ quan chức năng đã tỉnh tảo không cấp phép cho dự án cáp treo với dự tính biến địa điểm này thành khu du lịch đại trà. Nơi đây đã không phải chịu chung số phận như một số di sản thiên nhiên khác, khi các nhà vận hành đặt số lượng khách và lợi nhuận lên trên hết, không kiểm soát được tác động lên môi trường thiên nhiên.

Trào lưu dán nhãn “du lịch sinh thái” lên du lịch đại trà đang trở thành mối đe dọa đến những di sản thiên nhiên còn lại ít ỏi của đất nước. Nếu không có biện pháp kiểm soát và giám sát chặt chẽ, tương lai của những hệ sinh thái tự nhiên sẽ chịu chung số phận với những nơi mà du lịch đại trà đã đi qua, chỉ còn lại bê tông, rác rưởi và cảnh quan lem luốc sau những chuyến du hành ồ ạt.

Trào lưu dán nhãn “du lịch sinh thái” lên du lịch đại trà đang trở thành mối đe dọa đến những di sản thiên nhiên còn lại ít ỏi của đất nước.

Phía cơ quan quản lý nhà nước cần thiết phải thiết lập các tiêu chí, chuẩn mực cho du lịch sinh thái. Một khía cạnh khác là cần xác lập ngưỡng chịu tải đối với các khu vực danh thắng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia để tránh việc biến tướng du lịch đại trà thông qua nhãn mác “du lịch sinh thái”, gây tác động tiêu cực lên các khu vực tự nhiên nhạy cảm này.

Thế giới đã đi qua nhiều tranh luận và nhiều bài học đớn đau để đi đến đồng thuận về việc phải giữ gìn các hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên còn sót lại. Những khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, công viên địa chất, thắng cảnh quốc gia… được quy hoạch với mục tiêu trước hết là để bảo tồn các giá trị tự nhiên chứ không phải làm kinh tế.

Chúng ta đã sử dụng, cải tạo gần hết những chốn vốn là của tự nhiên để phục vụ nhu cầu dường như vô hạn của mình rồi.


Trịnh Lê Nguyên

Illustration: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm