Thời trẻ, có một lần khi đang chìm sâu trong trầm cảm và ốm yếu, Einstein đã viết cho một người bạn thân như sau: “Tôi cảm thấy mình là một phần của mọi sự sống rõ ràng đến mức tôi chẳng quan tâm đến khởi đầu và kết thúc của một sự tồn tại cụ thể của bất kỳ con người nào trong dòng chảy vô tận này.”
Cảm giác hòa làm một với vạn vật này đem lại sự an toàn và vắng bóng hiểm nguy. Nếu việc giam giữ mối hiểm nguy bên trong chúng ta là thứ mở đường cho lão hóa thì chúng ta không thể chấp nhận sống chung với nỗi sợ chết. Trên thực tế, cái chết không phải là một lực lượng có sức mạnh vô địch như những gì mà nỗi sợ nói với chúng ta. Trong Tự nhiên, cái chết là một phần của chu trình lớn hơn, chu trình sinh ra và làm mới.
Hạt giống của năm nay nảy mầm, phát triển, đơm hoa kết trái, và tạo ra hạt giống cho năm tiếp theo. Những chu trình làm mới vô tận này không nằm ngoài cái chết, chúng tích hợp cái chết, sử dụng nó cho một mục đích lớn hơn. Ở bên trong cơ thể chúng ta cũng vậy. Nhiều tế bào tự nguyện chọn lão hóa và cái chết, chứ không phải bởi chúng bị tử thần ép phải diệt vong.
Thậm chí việc giả định rằng cái chết có tồn tại cũng không hoàn toàn đúng, vì có nhiều cấp độ trong con người chúng ta không hề biết đến sự diệt vong. Các nguyên tử của bạn đã có tuổi đời hàng tỷ năm và vẫn còn hàng tỷ năm sống nữa.
Trong tương lai xa xôi, khi chúng bị phân tách thành các hạt nhỏ hơn, các nguyên tử sẽ không chết mà chỉ chuyển hóa thành một cấu trúc năng lượng khác. Ngay từ đầu, các nguyên tử đã không là gì khác ngoài năng lượng được chuyển hóa, song chúng ta không nói rằng năng lượng nguyên thủy hỗn tạp đó chết đi khi nó bị đóng khung trong những mẫu hình có trật tự gồm: Hydro, heli cùng những nguyên tố khác.
Trọng lực cùng các lực hạ nguyên tử “anh em” của nó, những lực đang chống đỡ cơ thể bạn, sẽ không bao giờ chết mặc dù trong một tương lai nào đó mà chúng ta không thể đoán biết, chúng có lẽ sẽ rút vào trong những trường lực lớn hơn, những trường lực đã khai sinh ra chúng trong Vụ Nổ lớn. Miễn là chúng ta được tạo nên từ những thành phần không biết đến cái chết này thì tại sao chúng ta không nhìn bản thân mình dưới góc nhìn tương tự?
Để phá vỡ gọng kìm của cái chết, bạn cần nhìn ra được rằng nó dựa trên một góc nhìn thực tại rất chọn lọc, thứ được áp đặt lên bạn trước khi bạn có được một sự lựa chọn có ý thức. Hãy quay ngược thời gian, trở lại lúc bạn còn rất nhỏ và lần đầu tiên nhận ra rằng có cái chết.
Những lần gặp gỡ đầu tiên này thường rất sốc. Một đứa bé bốn tuổi sững sờ khi một buổi sáng tỉnh dậy và phát hiện ra rằng con chim, con mèo hay con chó của mình không còn sống nữa. Điều gì đã xảy ra? Con thú cưng của tôi đã đi đâu?
Bố mẹ hiếm khi có thể cung cấp một câu trả lời tốt cho những câu hỏi này. Họ sẽ nói đại loại như: “Con thú cưng của con đã lên thiên đường với Thượng đế rồi.” Những câu như vậy chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề. Việc nói một con thú cưng lên thiên đường chỉ truyền đạt điều mà các bậc bố mẹ "hy vọng" là thật, còn ở sâu bên dưới, họ sợ chết chẳng kém gì trẻ em và hiểu nó cũng ở mức ít ỏi tương tự.
Trẻ em luôn rất nhạy với những sự lảng tránh và hoài nghi của bố mẹ. Nước mắt thôi rơi và nỗi đau dịu lại, nhưng ở một cấp độ sâu hơn, một nỗi hoài nghi mơ hồ khởi sinh: Có lẽ điều này sẽ xảy đến với mình.
Rồi khi một đứa trẻ ở đâu đó trong khoảng từ bốn đến sáu tuổi, bố mẹ xác nhận rằng lời dự báo đáng sợ trên là thật. “Bà đã chết và lên thiên đường. Một ngày nào đó, con cũng sẽ chết, và cả bố mẹ nữa”.
Bạn có thể không nhớ khoảnh khắc này, nhiều đứa trẻ thích phủ nhận nó và thề sẽ trở thành Peter Pan trẻ mãi không già, nhưng bạn nhớ hay không cũng chẳng liên quan. Một số nhà tâm lý học lập luận rằng khoảnh khắc bạn đương đầu với cái chết, bạn tin vào một quan niệm đã kìm kẹp nhân loại trong hàng thế kỷ. Niềm tin của bạn vào việc cái chết là một sự diệt vong hủy hoại cơ thể bạn, khiến nó héo tàn, già đi và chết, y như vô vàn người đi trước.
Không phải cái chết mà chính sự khiếp hãi về việc không thể thoát khỏi nó mới là thứ làm hại chúng ta. Tất cả chúng ta đều cảm thấy một cơn đau, một sự trống vắng trong tâm hồn khi thứ đầu tiên mà chúng ta nâng niu trong cuộc đời mình chết đi. Một khoảng trống bị bỏ mặc để cho nỗi sợ lấp vào, và bởi kể từ đó chẳng có gì khác lấp vào nó nên chúng ta vẫn chưa có khả năng đương đầu với cái chết. Sự mất mát là nguồn cơn mạnh nhất gây ra âu lo và cũng là thứ khó đối diện nhất.
[...]