Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8, Ma Huateng, cá nhân nắm giữ lượng cổ phiếu lớn nhất tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Tencent đã vượt mặt Jack Ma vươn lên ngôi vị người giàu nhất Châu Á.
Chỉ với con số tăng trưởng 3% của tập đoàn Tencent, Ma thu về 1,7 tỷ USD, nâng tổng giá trị tài sản lên đến 36,9 tỷ USD.
Nhưng ngôi vị này đã thay đổi sau phiên giao dịch ngày thứ 2 kế tiếp. Jack Ma lại quay về vị trí người giàu nhất Châu Á. Đây là lần đầu tiên Ma Huateng đạt danh hiệu này.
Pony Ma hiện là người giàu thứ 21 thế giới với giá trị tài sản gần 37 tỷ USD. Ảnh: SocialBrandWatch. |
Cuộc đời gắn liền với ngựa
Ma Huateng sinh ngày 29/10/1971 tại Sán Đầu, một thành phố ở tỉnh Quảng Đông miền Nam Trung Quốc. Ma có biệt danh tiếng anh là "Pony", lấy theo nghĩa của họ Mã là "chú ngựa nhỏ". Thuở thiếu niên, cậu bé Pony Ma ước mơ trở thành một nhà thiên văn học.
Năm 1993, ông tốt nghiệp trường Đại học Thâm Quyến, lấy bằng cử nhân về công nghệ phần mềm. Sau khi tốt nghiệp, Ma trở thành nhân viên của China Motion Telecom Development với mức lương chỉ 176 USD mỗi tháng.
Pony Ma sống khá kín tiếng. Ông ít khi xuất hiện trước truyền thông. Ảnh: China Daily. |
Ông làm việc trong lĩnh vực phát triển hệ thống Internet, phụ trách nghiên cứu và phát triển. Công ty này cung cấp các hệ thống kết nối mạng cho chính phủ Trung Quốc.
"Ở Trung Quốc, ý tưởng không quan trọng, thực hiện nó mới là vấn đề"
-Ma Huateng, người sáng lập Tencent.
Ma Huateng hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và được biết đến với lối sống bí mật của mình.
Những ngày đầu khởi nghiệp, Pony Ma cùng với Zhang Zhidong, một người bạn học đã sáng lập ra Tencent vào tháng 11/1998 khi chỉ mới 26 tuổi. Nguồn vốn chủ yếu đến từ lợi nhuận của việc chơi chứng khoán của ông trước đó. Tên của công ty mới này trong tiếng Quan Thoại là Tengxun, có nghĩa là "tin nhắn phi mã" cho thấy khả năng truyền tải tin nhắn, thông điệp nhanh như tốc độ chạy của ngựa.
Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, hiện Ma Huateng sở hữu khối tài sản trị giá 36,9 tỷ USD và giữ vị trí thứ 21 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Tencent, công ty do Ma Huateng sáng lập, có doanh thu 151 tỷ tệ (22,9 tỷ USD) vào năm 2016. Các nền tảng Internet hiện được Tencent cung cấp bao gồm QQ, WeChat và Tenpay.
Ngoài ra, ông còn sở hữu một khu nhà với diện tích 18.200 mét vuông tại Hong Kong.
Theo SCMP, một đơn vị truyền thông tại Hong Kong, phần lớn sự giàu có của Ma Huateng xuất phát từ cổ phần 9,7% của ông trong Tencent Holdings và cũng là cá nhân nắm lượng cổ phiếu lớn nhất của tập đoàn này.
'Tôi nhìn xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai người khổng lồ'
Giống như những người làm trong ngành công nghệ Trung Quốc, Ma đã học được cách lấy cảm ý tưởng từ những tiến bộ của phương Tây, sau đó áp dụng nó vào thị trường Trung Quốc. Vị CEO này chia sẻ với China Daily năm 2009 về một câu nói của Newton mà ông yêu thích, "tôi nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ."
Sản phẩm đầu tiên của Tencent là phần mềm nhắn tin tức thời lấy ý tưởng từ dịch vụ trò chuyện ICQ của AOL (American Online). Những bê bối đầu tiên bắt đầu từ việc Pony Ma gọi nó là OICQ. Nó bị AOL kiện bản quyền vì giống tên ICQ. Ông buộc lòng phải đổi thành tên nó thành QQ, đồng âm với "cute cute", mang ý nghĩa "dễ thương" cùng hình ảnh chú chim cánh cụt.
Tuần trước, Ma Huateng bất ngờ leo lên vị trí thứ 18, vượt qua Jack Ma, trở thành người giàu nhất Châu Á. Hiện nay, vị trí này đã trở về tay ông chủ Alibaba. Ảnh:CNBC. |
Năm 2005, Theo chỉ thị của Ma cùng hai tỷ phú khác, Tencent đã đưa ra nền tảng C2C (khách hàng đến khách hàng) Paipai.com, được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ mua sắm trực tuyến khổng lồ Alibaba với cách thức hoạt động tương tự.
Ngoài việc sao chép ý tưởng sản phẩm, Ma Huateng còn học hỏi cách tổ chức doanh nghiệp của Bill Gates. Ông tạo hai đội kỹ sư, cho họ cạnh tranh với nhau vào năm 2010. Họ được yêu cầu tạo ra một sản phẩm mới.
Sau hai tháng, một nhóm đã giới thiệu ứng dụng nhắn tin văn bản và trò chuyện nhóm có tên Wexin (hay WeChat trong tiếng anh), được phát hành vào tháng 1/2011.
Theo Ma Huateng, cạnh tranh nội bộ là động lực của sáng tạo. Điều này giúp nhân viên của Tencent tích cực hơn trong lao động. Nếu không tiến lên đồng nghĩa với việc họ sẽ bị đồng nghiệp trong công ty vượt mặt. Alex Bai, cựu giám đốc sản phẩm Tencent chia sẻ về văn hóa công ty cũ rằng “chúng tôi xem việc thua kém đồng nghiệp là một điều đáng hổ thẹn".
'Chúng tôi ủng hộ chính phủ'
Người sáng lập Tencent cho biết "rất nhiều người nghĩ rằng họ có thể không có trách nhiệm với những lời nói của mình. Tôi nghĩ nó thật sai lầm. Chúng tôi ủng hộ chính phủ về an ninh thông tin. Vì thế chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát tốt hơn Internet tại Trung Quốc''.
Ngoài ra ông còn đóng góp cho xã hội thông qua việc từ thiện. Ngày 18/4, Ma Huateng thông báo sẽ tặng 100 triệu cổ phiếu của công ty (trị giá hơn 2 tỷ USD) cho một quỹ từ thiện nhằm hỗ trợ y tế, giáo dục và môi trường tại Trung Quốc.
“Sau 10 năm tham gia các hoạt động từ thiện, tôi cảm thấy đền đáp xã hội theo cách lâu dài, hiệu quả và có tổ chức là điều cần thiết”, Pony Ma cho biết.
Việc ông chủ Tencent quyết định quyên góp 2 tỷ USD là một trong những cam kết từ thiện lớn nhất ở Trung Quốc từ trước tới nay.