Sau Maritime Bank, PBB sẽ là NamA Bank?
Tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc Maritime Bank được sáp nhập MDB. Đây là thương vụ chính thức “mở màn” cho làn sóng M&A năm 2015.
Đầu tuần này, Thống đốc NHNN cũng đã chấp thuận về nguyên tắc việc Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB - Malaysia) được nhận toàn bộ phần vốn góp của BIDV tại Liên doanh VID Public (thành lập từ năm 1991 do BIDV góp 50% vốn, PBB góp 50% vốn) và tiến hành các thủ tục để chuyển đổi PBB thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Trên thực tế, cả hai thương vụ này đã được “khởi động” từ năm 2014, song mới chỉ được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc.
Hàng loạt dự định sáp nhập ngân hàng sẽ được làm rõ khi mùa đại hội đồng cổ đông bắt đầu. |
Theo dự kiến ban đầu, hôm nay (27/3), NamA Bank cũng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Đầu tư, ĐHĐCĐ đã được hoãn lại. Được biết, thông tin NamA Bank sáp nhập vào Eximbank đã rộ lên từ mấy tháng nay. Song, đến thời điểm này, đại diện NHNN khẳng định, chưa nhận được tờ trình đề nghị sáp nhập của hai ngân hàng này.
Thương vụ được đồn đoán tiếp theo là DongA Bank - ABBank. TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongA Bank thừa nhận, hai bên đang tìm hiểu nhau, nhưng chưa chốt phương án cuối cùng. Kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ năm nay cũng chưa được hai ngân hàng này công bố.
Một số thương vụ khác gần như đã “hai năm rõ mười”, nhưng vẫn phải chờ ĐHĐCĐ thông qua là Vietcombank - SaiGonBank, VietinBank - PGBank. Ngoài ra, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Vietcombank đang lên kế hoạch thoái 8% vốn tại Eximbank; Eximbank lên kế hoạch thoái vốn tại Sacombank… Trong khi đó, GPBank thông báo đã tìm được đối tác trong nước.
Việc tăng cường M&A, tích cực thu gọn hệ thống ngân hàng nằm trong chủ trương tái cơ cấu của NHNN, xử lý ngân hàng yếu kém, thu gọn sở hữu chéo và hình thành một số ngân hàng mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực.
Ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, động thái M&A trên thị trường cho thấy, Việt Nam đã rút ra bài học “cần có ngân hàng mạnh, chứ không cần nhiều ngân hàng”.
Mọi việc chưa hẳn như lời nói
Dù làn sóng M&A ngân hàng năm 2015 được dự báo sẽ diễn ra sôi động, song thực tế lại diễn ra khá chậm. Gần 1 năm kể từ khi ĐHĐCĐ thông qua đến nay, Maritime Bank - MDB mới được Thống đốc NHNN chấp thuận sáp nhập về nguyên tắc, trong khi thương vụ Sacombank - Southern Bank vẫn… đứng im, dù đây đều là các cặp có chung sở hữu chéo. Điều này cho thấy, M&A ngân hàng là quá trình không hề đơn giản.
Mới đây, đại diện Maritime Bank cho biết, việc có chung sở hữu chéo, chung định hướng phát triển sẽ tạo thuận lợi cho ngân hàng hậu sáp nhập. Tuy tổng tài sản nhỏ, song MDB lại có những lợi thế mà Maritime Bank không có, giúp hai bên phát huy được lợi thế của nhau.
Tuy nhiên, khi việc sáp nhập chưa chính thức được khởi động, thì cả MaritimeBank lẫn MDB đều bộc lộ nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Dù tỷ lệ không lớn, song nợ xấu của Maritime Bank cũng được đánh giá là khó xử lý do có nhiều khoản nợ liên quan đến chứng khoán, bất động sản...
Tương tự, thương vụ M&A giữa Sacombank - SouthernBank đến nay vẫn chưa thành.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính nợ xấu và tình hình hoạt động không mấy khả quan của SouthernBank là lý do khiến lộ trình sáp nhập không được suôn sẻ.
Riêng một số trường hợp ngân hàng lớn “ôm” ngân hàng bé, dù Thống đốc NHNN đã có cam kết sẽ không để các ngân hàng lớn phải thiệt, song rõ ràng, các ngân hàng này cũng chẳng mấy mặn mà.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thẳng thắn nhận định, chỉ có ngân hàng nhỏ muốn gắn “toa tàu” của họ vào ngân hàng lớn để tồn tại. Còn các ngân hàng lớn chỉ là làm theo “chỉ định”, chứ không hề muốn “ôm” ngân hàng nhỏ. Đây cũng là một trong những rào cản khiến quá trình M&A ngân hàng có nguy cơ chậm lại.