Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

14 thương vụ sáp nhập thảm họa nhất mọi thời đại

Một số thương vụ mua bán, sáp nhập của các doanh nghiệp, trong đó có những ông lớn như Samsung, Yahoo... được coi là thảm họa khi gây thiệt hại lớn có khi tới hàng trăm tỷ USD.

14. Sony và Columbia Pictures năm 1989: Thiệt hại 3,2 tỷ USD

Bất chấp những thất bại liên tiếp xảy ra, liên kết theo chiều dọc vẫn là xu thế kinh doanh trong những thập niên 80-90. Năm 1989, gã điện máy khổng lồ Sony cố gắng thâu tóm hãng phim danh tiếng Columbia. Số tiền của thương vụ lên tới hơn 4,8 tỷ đôla.

Tuy nhiên, văn hóa kinh doanh của Nhật Bản hoàn toàn khác với hãng phim đình đám của Hollywood. Trong khi trụ sở chính ở Tokyo vẫn còn hoang mang và chưa có bất cứ động tĩnh gì, thì các nhà quản lý hãng Columbia đã phung phí tiền cho lương thưởng và những bộ phim dở tệ. Đây được coi là một thảm họa về sự kết hợp giữa hai nền văn hóa không có nét tương đồng. Điều này khiến cho Sony thiệt hại 3,2 tỷ USD.

13. Yahoo và Geocities năm 1999: Thiệt hại 4 tỷ USD

Thâu tóm Geocities là một trong những quyết định tệ hại nhất của phòng mua bán và sáp nhập Yahoo. Thương vụ được thực hiện dưới hình thức chuyển nhượng cổ phiếu trị giá 3,6 tỷ USD. Mục tiêu là biến Geocities thành một trong những trang web được trả giá cao nhất trên mạng Internet.

Tuy nhiên, do thiếu tầm nhìn và năng lực lãnh đạo, Yahoo khiến Geocities dần chìm vào quên lãng. Doanh nghiệp này cũng chính thức đóng cửa vào năm 2009. Tất cả những gì Yahoo làm là khẳng định thói “chơi ngông”. Điều đó thể hiện ở động thái sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn cho một thương vụ như thể tiền sẽ không ngừng bay vào túi của mình. Đây là một thương vụ mua giá cao - bán giá thấp điển hình, dẫn đến vỡ bong bóng dotcom.

12. Pennsylvania và Công ty đường sắt New York Central năm 1968: Thiệt hại 5 tỷ USD

Hai công ty có tuổi đời cả thế kỷ này đã sáp nhập vào ngày 1/2/1968, dưới cái tên Penn Central. Về mặt lý thuyết, ý tưởng này cũng không tồi. Với tổng tài sản gần 5 tỷ USD, lẽ ra Penn Central hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các đối thủ hàng không và hãng vận chuyển xe tải.

Thế nhưng chỉ 28 tháng sau đó, công ty này phá sản. Đây là vụ phá sản đình đám nhất trong lịch sử (tính đến thời điểm bấy giờ). Nguyên nhân là văn hóa của hai hãng mâu thuẫn. Các giám đốc điều hành mải đấu đá lẫn nhau, thay vì dành thời gian cạnh tranh với đối thủ.

11. Yahoo và Broadcast.com năm 1999: Thiệt hại 5,7 tỷ USD

Năm 1999, Yahoo quyết định mua lại toàn bộ cổ phiếu của trang web truyền hình Broadcast.com với giá 130 USD/cổ phiếu. Tổng giá trị thương vụ lên đến 5,7 tỷ USD. Bỏ ra cả đống tiền để có được Broadcast.com, nhưng Yahoo lại chẳng biết làm gì với trang web này.

Một thời gian sau, Yahoo buộc phải đóng cửa website. Như vậy, với thương vụ này, tất cả những gì Yahoo làm được là dâng cho Mark Cuban (người sáng lập Broadcast.com) một số tiền khổng lồ để anh ta mua lại Dallas Mavericks. Hiện nay, mọi truy cập vào trang web nói trên sẽ được chuyển hướng sang Yahoo.

10. AOL và Netscape năm 1999: Thiệt hại 9 tỷ USD

1999 là năm vô cùng khó khăn trong lĩnh vực công nghệ, bở ai cũng bị cuốn vào bong bóng dotcom. AOL quyết định mua một trình duyệt web đang “hấp hối” của Netscape với giá gần 10 tỷ USD. Nhưng hãng này sau đó lại chẳng biết làm gì ngoài việc kiếm được chút xíu từ bằng sáng chế. Cuối cùng, Netscape cũng ra đi chóng vánh như khi AOL ném 9 tỷ USD qua cửa sổ.

9. Terra và Lycos năm 2000: Thiệt hại 12,3 tỷ USD

Lycos được coi là một trong những trang web phổ biến nhất cuối những năm 1990. Đây đồng thời cũng là công cụ tìm kiếm được ưa chuộng nhất. Hãng viễn thông Terra của Tây Ban Nha “kết” Lycos đến mức bỏ ra 12,4 tỷ USD dưới dạng cổ phiếu, để có được công cụ tìm kiếm đầy hứa hẹn này ngay trước thời kỳ đỉnh điểm của bong bóng dotcom. Nhưng chỉ 4 năm sau, Terra phải bán tháo Lycos.

8. AT&T và NCR năm 1991: Thiệt hại 12,8 tỷ USD

Với mong muốn thâm nhập thị trường máy tính cá nhân, hãng viễn thông Mỹ AT&T quyết định mua lại NCR - công ty điện máy. Mức giá 7,48 tỷ USD của thương vụ này khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.

Tuy nhiên, chính thói quan liêu ngạo mạn của AT&T, sự coi thường đối với NCR và cách quản lý kém cỏi, đã khiến công ty này xuống dốc không phanh. Đơn vị này buộc phải bán tháo NCR và chịu lỗ 4 tỷ USD. Trước đó, AT&T đã phải bơm thêm cho NCR 2,8 tỷ USD. Sau thương vụ này, AT&T phải chịu tổn thất tổng cộng là 12,8 tỷ USD.

7. Vivendi’s và Seagram năm 2000: Thiệt hại 23 tỷ USD

Năm 2000, hãng truyền thông đa quốc gia Vivendi đã bạo chi 100 tỷ USD. Số tiền này đã biến một công ty 149 năm tuổi tại Pháp, chuyên cung cấp nước sạch và xử lý nước thải, trở thành một tập đoàn truyền thông toàn cầu khổng lồ. Trong đó, 30 tỷ USD dùng để mua lại Seagram Universal - công ty chuyên sản xuất đồ uống có cồn.

Tất cả các thương vụ mua lại ở trên đều có mức giá cao trên thị trường. Vào thời kỳ bong bóng vỡ, công ty được sáp nhập phải chạy khoản nợ lên đến một tỷ USD mỗi tháng. Seagram thua lỗ 15 tỷ USD chỉ trong 3 tháng năm 2002 và trở thành một mớ hỗn độn.

Từ mùa hè đến mùa thu năm 2000, cổ phiếu của Vivendi giảm từ 50 USD xuống còn 6,17 USD. Trong năm 2002, thu nhập của công ty giảm 13 tỷ USD. Vốn thị trường cũng giảm 10 tỷ USD so với giai đoạn trước khi thôn tính Seagram.

6. Kmart và Sears năm 2005: Thiệt hại 28 tỷ USD

Chuỗi cửa hàng bán lẻ Sears của Mỹ từng được nói lái một cách ví von bằng cái tên Tears - nước mắt. Người ta không thể đưa một con số chính xác về tổn thất cuối cùng của thảm họa này, bởi Sears vẫn chưa sụp đổ hoàn toàn. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Sears có tuổi thọ ngang bằng một con ruồi giấm nhiễm Ebola.

Khi Kmart trả 11 tỷ USD cho Sears vốn hóa thị trường vào năm 2005, tổng giá trị cổ phiếu của Sears giảm mạnh từ  21,37 tỷ USD xuống còn chưa đến 4 tỷ USD. Cổ phiếu của Sears từng được đẩy lên mức 190 USD/cổ phiếu. Song hiện giờ, chúng chỉ còn giao dịch ở mức giá 30 USD. Eddie Lampert trở thành CEO tồi tệ nhất năm 2007.

Tạp chí kinh doanh Forbes đã nhận định: "Một mình Lampert đã phá hủy thương hiệu Sears. Ông đã sa thải hàng nghìn nhân viên khi đóng cửa các cửa hàng của mình. Bản thân ông cũng chẳng thể kiếm chác chút gì từ bất động sản chưa được sử dụng”.

5. Lucent và Alcatel năm 2006: Thiệt hại 29 tỷ USD

Thương vụ sáp nhập xuyên Đại Tây Dương trị giá 13 tỷ USD này đã thất bại ngay từ những giây phút đầu tiên. Cái bắt tay Pháp- Mỹ mang tính lịch sử đã khiến khách hàng rối bời và nhân viên lo lắng. Trước khi những phiền nhiễu được giải quyết, các đối thủ cạnh tranh đã đục nước béo cò, chọn cho mình những khách hàng sinh lợi theo ý muốn.

Thua lỗ trong 6 quý liên tiếp, cổ phiếu của hai công ty này giảm 50% giá trị chỉ trong 18 tháng. Cổ phiếu được giao dịch ở mức 13,42USD tại thời điểm sáp nhập và sau đó chỉ còn vỏn vẹn 1 USD vào năm 2010. 

Công ty này bắt đầu niêm yết năm 2005 với giá cổ phiếu ở mức 4 USD/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường năm 2007 là 35 tỷ USD, đầu năm 2015 chỉ còn 10 tỷ USD. Thảm họa nói trên, theo một nhà phân tích, có thể một phần do sự khác biệt giữa các nền văn hóa: “Một bên là phân cấp và kiểm soát tập trung, một bên là tư nhân và linh hoạt”.

4.  Daimler mua Chrysler năm 1998: Thiệt hại 31 tỷ USD

Trong thương vụ này, hai công ty từ các nước với hai ngôn ngữ và hai nền văn hóa khác nhau, bán sản phẩm cho những nhóm khách hàng hoàn toàn không giống nhau.

Daimler là một hãng sản xuất xe hơi sang trọng, Chrysler lại thiên về xe tải cỡ nhỏ. Đến giờ, người ta vẫn chưa thể lý giải được nguyên nhân khiến Daimer cho rằng, việc mua lại một công ty hoàn toàn xa lạ sẽ có thể thúc đẩy thị phần Bắc Mỹ của mình.

Sau thương vụ thâu tóm ấy, mặc dù chịu nhiều thua lỗ cũng như những chứng cứ cho thấy “cuộc hôn nhân” không đi đến đâu, Daimer vẫn từ chối nộp “đơn li dị”, ngay cả khi giá cổ phiếu đã chìm nghỉm. Sau 8 năm, cuối cùng Daimer cũng chịu tách Chrysler ra với giá 7,5 tỷ USD, chỉ bằng 1/5 giá mua ban đầu.

3. Sprint và Nextel Communications năm 2005: Thiệt hại 36 tỷ USD

Trong tháng 8/2005, Sprint đổi một lượng lớn cổ phiếu trị giá 36 tỷ USD để lấy phần lớn cổ phần tại Nextel Communications. Thương vụ khổng lồ này đã biến Sprint thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ 3 tại Mỹ, chỉ sau  AT&T và Verizon.

Cơ sở khách hàng của Sprint là thị trường tiêu dùng cá nhân, trong khi Nextel lại nhắm đến các công ty nhiều hơn. Họ nghĩ rằng, việc sáp nhập có thể thúc đẩy các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Nhưng tiếc thay, hai hãng này chẳng có điểm chung nào. Thực tế, họ còn ghét nhau.

Năng lượng và sự tập trung của công ty đều dành cho việc đấu đá và kiện tụng, trong khi việc tiếp thị và phát triển sản phẩm không được chú ý. Tiền mặt được chi ra như nước. Sau 8 năm và ít nhất 36 tỷ USD bỏ ra, Sprint cuối cùng đã phải đóng cửa Nextel trong năm 2013.

2. Bank Of America và tập đoàn bất động sản Countrywide năm 2008: Thiệt hại 47 tỷ USD

Countrywide là cái tên chủ chốt trong cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản dưới chuẩn, góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn của năm 2008. Tuy nhiên, có vẻ như Bank of America đã không biết được cái hố không đáy chứa đầy các khoản thế chấp độc hại này. Vì vậy, họ cho rằng Countrywide là một món hời với giá 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên trên thực tế, Countrywide là công ty lẽ ra Bank of America phải tránh bằng mọi giá. Các thỏa thuận đã biến Bank of America thành một công ty cho vay thế chấp khổng lồ ngay lúc thị trường nhà đất Mỹ sụp đổ. Đây được coi là thương vụ mua bán sáp nhập tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tất cả những khoản thế chấp có giá trị thấp, các khoản lỗ bất động sản có liên quan, chi phí pháp lý và thanh quyết toán với chủ sở hữu nhà, cơ quan nhà nước và liên bang lên đến 47 tỷ USD. Con số chính xác vẫn đang được tính toán.

1. AOL và Time Warner năm 2000: Thiệt hại 299 tỷ USD

Thất bại tài chính của AOL và Time Warner có lẽ là một trong những kỷ lục không bao giờ bị phá vỡ. Sự kết hợp giữa truyền thông cũ (Time Warner - TW) và mới ( AOL) giống như vật báu của ngành công nghệ. Tất cả nội dung, ý tưởng của TW đều được đưa sang cho AOL, từ xúc tiến chéo đến quảng cáo.

AOL chi 160 tỷ USD cho Time Warner ngay trong thời kỳ bong bóng bùng nổ. Nhưng việc kinh doanh dialup, phương pháp nối kết, trong đó người sử dụng phải quay số của AOL bị giảm sút bởi sự ra đời của băng thông rộng. 

Sự hiệp lực trong suy nghĩ không bao giờ xảy ra. Năm 2002, AOL thiệt hại 99 tỷ USD tiền vốn. Thảm họa này cuỗm mất của Time Warner 200 tỷ USD giá trị cổ phiếu. Jerry Levin, Giám đốc điều hành của Time khiêm tốn thừa nhận, ông đã “ký kết một hợp đồng tồi tệ nhất trong thế kỷ này".

Sáp nhập ngân hàng: Kẻ đắt khách, người ế trơ

Có ngân hàng thì bị nhiều đối tượng tranh giành, có ngân hàng thì chẳng ai muốn sáp nhập.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm