Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý lịch Giám đốc Ngân khố Trung ương đầu tiên của Việt Nam

Cụ Nguyễn Văn Khoát làm Giám đốc Ngân khố Trung ương từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến gần kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Vừa giữ tiền, xuất tiền, vị giám đốc Ngân khố này lại vừa là thanh tra.

Tuổi thơ khốn khó

Tôi từng được nghe chia sẻ của nhà giáo Trịnh Lương (con trai cả của doanh nhân Trịnh Văn Bô) về một nhân vật đã giao tiền từ trong ngân khố Pháp cho chính quyền Cách mạng năm 1945. Theo ông Lương kể, lúc còn sống, cụ Trịnh Văn Bô từng nhắc đến một người làm ở ngạch ngân khố trong chính quyền Pháp, đó là cụ Nguyễn Văn Khoát, người đã báo cho cụ Trịnh Văn Bô về số tiền hơn 1 triệu đồng Đông Dương còn lại trong Ngân khố của Pháp khi chúng bị quân đội Việt Nam tấn công.

Cụ Nguyễn Văn Khoát.
Sau đó, chính cụ Bô đã báo với các đồng chí lãnh đạo đến tiếp quản số tiền đó. Cụ Nguyễn Văn Khoát khi đó đang làm ở ngạch ngân khố trong Chính phủ Pháp thuộc. Khi quân Pháp thất trận, cụ Khoát đã nhận được lệnh chặt góc, đốt hết số tiền còn lại trong ngân khố của chính quyền thực dân, không để chính quyền Cách mạng nhận được. Nhưng với tấm lòng yêu nước và sự tỉnh táo, cụ đã không thi hành mệnh lệnh của chính quyền thực dân. Số tiền hơn một triệu đồng Đông Dương với một nửa bị rách nát, còn lại đều là tiền cũ được chuyển đến tay chính quyền Cách mạng non trẻ mới được thành lập.

Trọn đời giữ một chữ Liêm

Trước ngày 6/3/1946, tình hình trong nước đang gay go, không khí căng thẳng, trong dự cảm của cụ, cụ thấy tình thế một cuộc chiến tranh sắp bùng nổ, một hôm cụ Khoát hỏi Bộ trưởng Tài chính nhiệm vụ của cụ phải thi hành đối với quỹ nếu chiến tranh xảy ra. Bộ Trưởng trả lời "nếu tình thế cấp bách, ông có thể tạm mang quỹ về nhà".

Trái lại với sự tin tưởng của Bộ trưởng, cụ lại hoảng sợ, vì cụ không có quyền mang tiền công quỹ ra khỏi trụ sở Nha ngân khố. Ai sẽ chứng minh lòng ngay thẳng của cụ? Nếu Bộ trưởng không có mặt tại chỗ. Trước ngày 6/3/1946, cụ lo đổi tất cả giấy bạc 500 đồng Đông Dương thành giấy 100 đồng. Bộ trưởng ký một công văn chỉ thị cho bưu sự sẽ giao số tiền trong quỹ (hơn 6 triệu đồng) cho ông Vũ Ngọc Trạc. Ngày 19/12/1946, cụ Khoát lo xong sự an toàn trong quỹ. Tiền quỹ mang được đi hết, Ủy ban kiểm tra hành chính khu 2 cũ giữ hộ. Cụ mang theo 2 hòm tiền cuối cùng vào Chinê (Hòa Bình), chiều tối hôm tác chiến để gặp Bộ trưởng Tài chính, và sau đó nộp số tiền đó vào Ty Ngân khố Hà Đông.

  Tôi tìm đến ông Nguyễn Hoàng Trí (84 tuổi) con trai cả của cụ Nguyễn Văn Khoát, với hy vọng được biết thêm đôi điều về một nhân sỹ yêu nước, một con người tham gia vào thời khắc lịch sử đó. Ông Nguyễn Hoàng Trí cũng thật thà chia sẻ rằng, từng có nghe cha mình nhắc đến ngân khố trống rỗng và hầu hết số tiền còn lại của thực dân Pháp khi chính quyền Cách mạng thành lập năm 1945 là tiền rách nát, vì đó là tiền thu thuế của người dân. Đến năm 1946, toàn quốc kháng chiến, cơ quan đầu não tản cư, ông Trí nhập ngũ nên ít có thời gian được nghe cha mình chia sẻ nhiều về thời khắc lịch sử năm 1945.

Đưa cho tôi lá thư của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết riêng cho cha ông đề ngày 26/4/1953: "Tuy đã lâu lắm tôi không có dịp gặp ông, nhưng tôi thường hỏi thăm anh Tài và anh em ở bộ Tài chính về sức khỏe và công tác của ông. Nghe nói ông vẫn khỏe, tận tụy làm việc, sống đơn giản và vui vẻ, tôi mừng trong lòng.

Về việc ông xin về hưu và Bộ đã đồng ý, tôi không có ý kiến gì. Ông đã làm trọn chức vụ và nghĩa vụ. Chỉ tiếc trong hoàn cảnh k.c (kháng chiến) không đâu có cảnh nhàn hạ. Nhưng có lẽ đã quen với k.c (kháng chiến) rồi, ông cũng không mong cảnh nhàn hạ theo quan điểm ngày xưa...". Ông Trí, con trai cụ Khoát tâm sự, năm 53 tuổi, cha tôi xin nghỉ hưu cả cuộc đời, cha tôi là một tấm gương cho chúng tôi học theo.

Cụ Nguyễn Văn Khoát sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng mồ côi mẹ từ 3 tuổi, mồ côi bố năm 12 tuổi. Cảnh gia đình dì ghẻ con chồng để lại cho cậu bé Khoát nhiều nỗi đau về tinh thần. Từ khi bố cụ mất, sự thiếu thốn tình cảm, vật chất càng lớn lao. Từ lúc thiếu thời, cụ đã có tư tưởng yếm thế, không hám cảnh danh lợi. Từ khi còn nhỏ, cụ đã biết tự tu thân sửa trí.

Năm lên 6 tuổi, cụ đi học chữ nho. Năm 7 tuổi, người thầy dạy học của cụ bị bắt, mật thám Pháp khám nhà thầy dạy của cụ cho thấy có nhiều sách chữ nho và mấy tập thơ cách mạng. Vụ bắt bớ này đã xúc động óc non nớt của cậu bé Khoát lúc đó với nỗi đau của gia đình người thầy dạy.

Ông Nguyễn Hoàng Trí, con trai cả cụ Nguyễn Văn Khoát chia sẻ những tài liệu còn lại của cụ.
Năm 17 tuổi, thời kỳ này cụ đang theo học trường Bưởi, cụ chịu ảnh hưởng nhiều của một vị túc nho, thường gọi với cái tên là cụ Tú Kẻ Sặt (vì cụ ở Kẻ Sặt). Cụ Tú có con học ở trường Bưởi. Cụ Tú là một người giàu lòng yêu nước. Những khi chàng trai Nguyễn Văn Khoát được hầu chuyện cụ Tú, nhất là vào những buổi đêm khuya, cụ Tú thường mang những chuyện ưu thời mẫn thế nói với người trẻ. Từ lúc đó, chàng thanh niên Nguyễn Văn Khoát được đọc và nghe những bài thơ đầy giọng cảm khái do cụ Tú và các bạn làm. Khi học trường Bưởi, cụ đã hai lần tham gia phong trào bãi khóa. Trong suốt những năm làm ở ngạch Ngân khố trong công sở Tây, cụ luôn dặn lòng và nói với các đồng nghiệp Việt "Là phải làm sao để Pháp, Nhật chỉ có thể ghét ta mà không thể khinh ta".

Người ký vào tờ giấy bạc đầu tiên của Việt Nam

“Một vị nhân sĩ xứng đáng, đã tận tâm phụng sự Tổ quốc”

 Cụ Khoát làm Giám đốc Ngân khố Trung ương từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến gần kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Khi là Phó Thủ tướng, đồng chí Phạm Văn Đồng trân trọng viết trong lá thư riêng gửi cụ: "Một vị nhân sĩ xứng đáng, đã tận tâm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân từ trước đến sau".

Cách mạng tháng Tám thành công, cụ được tin tưởng giao làm Giám đốc nha Ngân khố Quốc gia. Với nhiệm vụ lo công quỹ, phải có tiền bù đắp những chi phí của chính quyền Cách mạng, cụ Nguyễn Văn Khoát đã có nhiều suy nghĩ: "Không chỉ nhìn vào đồng tiền Đông Dương được, phải có đồng tiền của ta, nhân dân tin tưởng một lòng với Hồ Chủ tịch, Chính phủ lâm thời cũng tín nhiệm đồng tiền Cụ Hồ...". Rồi với quyết định sáng suốt của Chính phủ, đồng tiền Việt Nam đã ra đời cuối năm 1946.

 Ngày 31/11/1946, lần đầu tiên những đồng tiền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính thức phát hành. Một mặt tiền có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chữ Quốc ngữ và chữ Hán) và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một mặt có hình Nông Công Binh. Các loại tiền giấy gồm nhiều mệnh giá khác nhau: 100 đồng, 20 đồng, 5 đồng, 1 đồng và có chữ ký Bộ trưởng bộ Tài chính Lê Văn Hiến cùng với chữ ký của Giám đốc Ngân khố Trung ương Nguyễn Văn Khoát.

Ông Trí còn nhớ như in những năm 1946, được lệnh tản cư khỏi Thủ đô, khi qua khu vực huyện Thường Tín (Hà Nội), ông nhìn thấy các tờ truyền đơn dán trên nền nhà ghi tên của cha mình, với nội dung của thực dân Pháp chiêu hồi cụ về làm việc cho chúng. Chúng hứa sẽ đãi ngộ và lo cho cuộc sống của toàn bộ gia đình. Bất chấp, cụ Khoát vẫn toàn tâm lo quản lý tài chính cho cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc, cho chính quyền Cách mạng.

Trong nhật ký của Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, cụ Nguyễn Văn Khoát được nhắc đến ở nhiều vị trí Giám đốc nha Ngân khố, Thanh tra... Ông Nguyễn Hoàng Trí tâm sự, có lẽ chỉ có thể giải thích bằng sự tin tưởng của các vị lãnh đạo và sự liêm khiết của cha tôi nên mới cùng một lúc cụ vừa được giao thu tiền, xuất tiền và chính cụ lại được giao làm thanh tra.

Theo Người Đưa Tin

Bạn có thể quan tâm