Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ly kỳ chuyện tướng Việt như ‘Võ Tòng’ giết con hổ đã ăn thịt 100 người

Thời kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu Đ (miền Đông Nam Bộ) nổi danh chuyện “Võ Tòng chiến khu Đ” Bùi Cát Vũ tiêu diệt con hổ dữ ba móng.

Trong cuốn Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam của tác giả Phan Hoàng (NXB Trẻ, 1999), Thiếu tướng Bùi Cát Vũ đã kể lại câu chuyện ly kỳ này.

Thiếu tướng Vũ cho biết, sau trận La Ngà (tháng 2/1948), tại chiến khu Đ có con cọp ăn xác lính Pháp mãi thành nghiện món thịt người. Con cọp này có một chân chỉ ba móng, rất tinh quái và liều lĩnh. Lại có tin đồn đó là biệt kích giả dạng thú dữ, để khủng bố tinh thần đồng bào và bộ đội. Chỉ một thời gian ngắn, nó đã ăn thịt tới hơn một trăm người.

Lần nọ, bà Bảy Cao, Hội trưởng phụ nữ xã Lạc An, đi công tác cùng hai cán bộ nữa và vào ngủ trọ nhà đồng bào. Bà Bảy có dáng người cao lớn, nằm trong cùng sát vách chủ nhà. Thế mà nửa đêm cọp vào bắt mất bà không gây ra một tiếng động. Phát hiện lần theo dấu vết, chỉ tìm thấy còn lại một phần xương thịt hằn vết xước cọp cào cùng vài mảnh quần áo rách nát.

Tướng Vũ kể lại, ở Chiến khu Đ xảy ra chuyện bi hài thế này: Có hai ông thầy chùa không chịu làm gác tránh cọp, mà lại còn gửi kinh thông điệp cho nhân dân rằng “ngài” ba móng chỉ về “rước” những người tới số. Nếu ai chịu tụng kinh gõ mõ thì “ngài” sẽ không bắt. Chẳng may, mấy tuần sau chính một trong hai ông thầy chùa kia đã bị “ngài” về “rước” mất. Ông thầy còn lại mếu máo sợ cọp bắt liền lập cập chạy vào một đơn vị bộ đội xin ở nhờ.

Trước tình hình ấy, Tư lệnh Chiến khu Nguyễn Văn Lung trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Bùi Cát Vũ, lúc đó là Giám đốc Binh công xưởng của chiến khu, phải trừ khử bằng được con cọp tinh quái. Mới vừa nhận lệnh thì một đêm nọ ở Binh công xưởng lại có một người bị cọp về bắt lúc đang làm việc. Đó là anh Sáu Lùn, giữ lò than.

“Theo dấu máu, chúng tôi tìm được phần xác còn lại của anh Sáu mà con cọp để dành bữa trưa”, ông kể. “Tôi quyết định lấy dây cột chặt xác anh Sáu lại, rồi cùng hai đồng chí nữa trèo lên chạc cây ngồi rình. Nhìn xác anh Sáu phơi trong nắng, tôi ứa nước mắt, thầm khấn: “Anh Sáu ơi! Anh có không thiêng thì dụ nó về đây để tôi trả thù cho anh!”. Đúng như lời khấn, con ác thú xuất hiện. Một con cọp lông vàng, dài khoảng 3 mét, phần dưới cổ và bụng trắng như bông. Mò đến cách xác anh Sáu chừng 5-6 mét, nó thu mình ngồi trong tư thế thủ, rồi lừ lừ ngước lên nhìn lên chạc cây chúng tôi ngồi”.

“Đoàng!”. Cây súng Calip hai nòng của ông Sáu Mẹo, một tay thợ săn lão luyện nổ vang trời. “Một vệt sáng màu vàng vụt qua trước mặt tôi. Con cọp biến mất. Thế là hụt rồi!”, ông thất vọng kể. “Quá tức giận, đem thi thể anh Sáu về chôn cất, nước mắt chúng tôi cứ chực trào ra. Tối hôm đó, cọp lại mò về đơn vị tôi vồ hụt một con heo. Tôi cho gài hai quả mìn tự tạo vào con heo để nhử, vì đoán thế nào nó cũng mò về tìm miếng mồi cũ. Không sai. Và hai trái mìn phát nổ. Nhưng cũng chẳng hề hấn gì con ranh thú này. Thật cay đắng!”.

Cuối cùng, với bốn quả mìn hạng nặng gài vào một xác người chết bị cọp vồ do người thân chấp nhận hiến, các chiến sĩ Binh công xưởng mới hạ thủ được con cọp dữ. Khi ruột gan của nó đã bung ra ngoài rồi, vậy mà nó vẫn còn gầm thét cố kéo lê gần cả 100 mét nữa mới chịu gục xuống bằng một loạt đạn cuối cùng vào đầu. Nỗi sợ cọp bắt ở Chiến khu Đ từ đó mới hoàn toàn được giải toả.

Bui Cat Vu,  Phong van tuong linh Viet Nam,  Phan Hoang, anh 1
"Võ Tòng chiến khu Đ" Bùi Cát Vũ sau này trở thành vị tướng pháo binh với biệt danh "Trùm đại bác Đông Dương". Ảnh tư liệu.

Nhờ chiến công này mà Giám đốc Binh công xưởng Bùi Cát Vũ được mệnh danh là “Võ Tòng chiến khu Đ”.

Sinh năm 1924, quê ở Trà Vinh, có tuổi thơ cực khổ, Bùi Cát Vũ đã lên Sài Gòn làm thợ hồ và bán báo, rồi tự học được cách lấy tin, viết phóng sự và truyện ngắn từ các bậc huynh trưởng Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Thanh Mại và học làm cách mạng từ các bậc thầy tâm huyết Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai… Sau cách mạng tháng Tám, Bùi Cát Vũ tham gia quân đội và từng sát cánh cùng chỉ huy Huỳnh Văn Nghệ trực tiếp chỉ huy trận La Ngà lừng danh lịch sử.

Kết thúc chiến tranh chống Pháp, ông tập kết ra Bắc, đi học chuyên ngành pháo binh rồi được cử vào làm Tư lệnh Pháo binh Quân giải phóng Miền Nam, được đồng đội thân mật gọi là “Trùm đại bác Đông Dương”.

Trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông giữ chức Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó tư lệnh Quân đoàn 4 cùng với tướng Hoàng Cầm chỉ huy trận quyết chiến Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia chỉ huy Quân đoàn 4 sang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, rồi trở về nước nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân khu 7.

Không chỉ là một danh tướng, ông còn là nhà văn từng gây tiếng vang với thiên ký sự Đường vào Phnom Penh đầu năm 1979, được Bộ Quốc phòng trao giải thưởng. Ông còn có các tác phẩm Thành phố có người, Cơn lốc đen đã được dựng thành phim và truyện Vòng hoa sứ trắng.

Bui Cat Vu,  Phong van tuong linh Viet Nam,  Phan Hoang, anh 2
Thiếu tướng Bùi Cát Vũ là tác giả tập truyện Gió bụi Sài Gòn được độc giả trẻ yêu thích.

Đam mê văn chương, năm 1990, tướng Bùi Cát Vũ đã xin về hưu, cởi áo tướng để được… viết văn. Năm 1993, ông lại được chú ý với cuốn tự truyện viết cho thiếu nhi Gió bụi Sài Gòn, được trao giải nhất cuộc thi văn học Vì tương lai đất nước do NXB Trẻ và Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Ông qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh ở tuổi 78, vào tháng 3/2002.


Hoa Thanh

Bạn có thể quan tâm