14h39 ngày 8/6, trận động đất làm rung chuyển một khu vực rộng lớn xung quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).
Một tiếng nổ lớn kèm theo rung lắc dữ dội đã làm rung chuyển cả thị trấn. Nhiều người dân đổ ra đường để tránh rủi ro. Dù đã được chứng kiến nhiều trận động đất nhưng người dân vẫn cho rằng, chưa bao giờ có cảm giác rung lắc mạnh như lần vậy. Họ ước đoán trận động đất này mạnh tương đương với các trận động đất 4 độ richter từng xảy ra trên địa bàn.
Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Xuân Anh (Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, kết quả phân tích từ số liệu truyền về từ các trạm quan trắc, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, trận động đất xảy ra lúc 14h39 ngày 8/6 với cường độ 2,9 độ richter, tại vị trí có tọa độ 15’362 độ vĩ Bắc - 108’107 độ kinh Đông, trong khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
“Trận động đất này nằm giữa hai đứt gãy Hưng Nhượng và Trà Bồng. Các trận động đất trước đây ở khu vực này thường ghi nhận độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Tuy nhiên, trận động đất chiều 8/6, độ sâu chấn tiêu chỉ 6 km, tiếng nổ to nên người dân cảm nhận rung lắc mạnh hơn. Ngoài khu vực Bắc Trà My, các vùng lân cận như Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn… đều cảm nhận được trận động đất”, TS Xuân Anh nói.
Trận động đất này nằm giữa hai đứt gãy Hưng Nhượng và đứt gãy Trà Bồng |
Tuy nhiên, theo phân loại về độ lớn, đây là trận động đất yếu. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
TS Xuân Anh phân tích, việc cảm nhận một trận động đất không chỉ phụ thuộc vào độ lớn của trận động đất, mà còn phụ thuộc vào khoảng cách đến vị trí xảy ra động đất và điệu kiện nền đất. Vì vậy khi khoảng cách gần cũng là nguyên nhân làm cho việc cảm nhận một trận động đất mạnh thêm.
Lý giải thêm về việc các nhà khoa học xác định động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 là động đất kích thích và sẽ giảm dần, không xảy ra động đất khi hồ chứa nước đi vào ổn định, nhưng hơn 3 năm nay động đất vẫn thường xảy ra không chỉ trong mùa mưa mà ngay cả mùa nắng nóng, TS Xuân Anh cho rằng, trong thời gian quan trắc từ 2012 đến nay, độ lớn của động đất đã có xu hướng giảm đi.
"Tần suất động đất đã có xu thế suy giảm nhưng chưa rõ ràng như độ lớn của động đất. Việc tiếp tục quan sát động đất là rất cần thiết để có thể đưa ra kết luận một cách đúng đắn xu thế của hoạt động động đất ở đây", Viện trưởng Xuân Anh nói.
Hiện, Viện Vật lý Địa cầu đã lắp đặt mạng trạm địa phương gồm 10 trạm (Trà Đốc, Trà Bui, Trà Mai, Trà Nú, Tiên Ngọc, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Giáp, Tiên Lãnh và Phước Hiệp) quan sát địa chấn ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Hệ thống cho phép xác định chính xác và nhanh chóng hoạt động động đất tại khu vực.
Gần đây nhất, hôm 28/5 tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra trận động đất 2,2 độ richter, độ sâu chấn tiêu 6,5 km, tâm chấn nằm sát đới đứt gãy Hưng Nhượng và khá xa so với đới đứt gãy Trà Bồng.