Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Lý do Việt Nam là ngôi sao đang lên của châu Á

Theo hai tác giả sách 'Việt Nam - ngôi sao đang lên của châu Á', Việt Nam đã đi một chặng đường phát triển đáng chú ý và còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Trong lời giới thiệu cuốn sách Vietnam: Asia's rising star (tên tiếng Việt: Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á), hai tác giả viết:

"Việt Nam của ngày hôm nay là một đất nước trẻ với độ tuổi trung bình vào khoảng 32. Họ mới chỉ được hưởng hòa bình và độc lập kể từ năm 1990, dù đất nước đã thống nhất từ năm 1975 sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc. [...]

Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ mang đến cho người Việt Nam và bất kỳ ai muốn hiểu về Việt Nam một đánh giá đầy đủ hơn về tiềm năng cũng như những động lực chính sẽ đóng góp vào quá trình tăng trưởng và thành công của đất nước".

Chia sẻ với Tri Thức - Znews về cuốn sách, Brook Taylor và Sam Korsmoe bày tỏ tình cảm yêu mến và niềm tin lạc quan mà hai ông dành cho Việt Nam.

Đất nước năng động và thú vị

- Vì sao hai ông lựa chọn đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam, không chỉ một lần, mà cả quay trở lại lần thứ hai, thứ ba?*

- Korsmoe: Bạn bè và gia đình tôi cũng thường hỏi câu này. Họ bảo "Việt Nam là nước nghèo, có quá khứ chiến tranh với nước Mỹ"... Câu trả lời của tôi rất đơn giản: Tôi thấy cuộc sống ở đây thú vị. Người ta dễ thấy chán nơi mình sống. Nhưng trong 11 năm liên tiếp (Korsmoe từng sống ở Việt Nam trong khoảng thời gian 1993-2004 - PV), tôi thức dậy mỗi ngày chờ đợi được làm điều gì đó thú vị. Tôi gặp rất nhiều người tốt, có bạn bè tốt.

Và hơn nữa, tôi có cơ hội hiếm hoi được chứng kiến sự chuyển mình của một đất nước. Mỗi quốc gia có những giai đoạn chuyển mình khác nhau. Tình cờ có mặt ngay vào giai đoạn đó là một đặc ân.

Tôi nhìn thấy tiềm năng của đất nước thú vị và năng động này từ rất sớm. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ phát triển. Điều ấy đã trở thành sự thật.

Brook Taylor

- Taylor: Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1995, giảng dạy cho lứa sinh viên vừa tốt nghiệp đầu tiên được tuyển vào công ty kế toán Arthur Anderson nơi tôi làm việc. Tôi thực sự ấn tượng trong vài tuần ở đây. Những người trẻ đầy tinh thần trách nhiệm và ham học hỏi, kỳ vọng giáo dục sẽ cải thiện cuộc sống của mình.

Tôi được mời trở lại vào năm 1996 để hướng dẫn một lứa khác. Tôi rất thích nên nhận lời chuyển công tác đến Việt Nam. Ở đây, tôi nhanh chóng thích thú vì cảm giác tìm được mục đích thực sự trong cuộc sống. Tôi nhìn thấy tiềm năng của đất nước thú vị và năng động này từ rất sớm. Tôi tin rằng đất nước sẽ phát triển. Điều ấy đã trở thành sự thật.

Tôi tận hưởng mọi khoảnh khắc. Ở đây, tôi không bao giờ cảm thấy nhàm chán, dù đôi khi gặp phải những thách thức.

- Hai ông có thể chia sẻ về ý tưởng cho ra đời cuốn sách Việt Nam - ngôi sao đang lên của châu Á?

- Korsmoe: Chính trong căn phòng này, chúng tôi đã trò chuyện về trải nghiệm sống ở Việt Nam trong 10-15 phút trước khi Brook mở lời về ý tưởng cuốn sách. Nghe anh ấy nói, tôi nghĩ ngay: đây là thời điểm hoàn hảo để viết một cuốn sách về Việt Nam.

- Taylor: Tôi thấy người ta gán cho Việt Nam rất nhiều nhãn mác không đúng: một đất nước có nền kinh tế như Bắc Triều Tiên, kiểm soát chặt chẽ,... Nhiều người chỉ biết về hai cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, nhưng chiến tranh đã khép lại trên đất nước gần 50 năm rồi. Việt Nam hôm nay đã rất khác.

Tôi muốn giúp mọi người trên thế giới có thể nhanh chóng hiểu khái lược về Việt Nam trước khi đến đây, dù đối tượng là khách du lịch hay người làm kinh doanh hay bất kỳ ai. Sam từng nói rằng có lẽ chúng tôi - những người nước ngoài đã sống ở đây trong một thời gian dài - chính là người phù hợp với công việc này.

Viet Nam rong chau a anh 1

Brook Taylor (hàng trên, thứ hai từ trái qua) trong lần đầu đến Việt Nam vào năm 1995. Ảnh: NVCC.

- Hai ông có thể chia sẻ về quá trình lên cấu trúc, lựa chọn những tiêu điểm và nội dung cho cuốn sách?

- Korsmoe: Chúng tôi mất khoảng sáu tháng để đi đến quyết định. Chúng tôi nên nói về hiện tại, quá khứ, đầu tư nước ngoài, sản xuất… hay tài chính theo góc nhìn kinh tế, xã hội hoặc lịch sử? Cuối cùng, chúng tôi thống nhất sẽ viết về tương lai. Có phần về lịch sử, có phần về hiện tại, nhưng đó không phải trọng tâm chính.

- Taylor: Chúng tôi đánh giá và kiểm tra hai giả thuyết: (1) Việt Nam là con rồng kinh tế mới của châu Á và (2) Việt Nam sẽ tăng trưởng và phát triển tương tự những gì Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc - TQ) từng làm được khi họ trở thành những con rồng kinh tế.

Trong phần đầu, chúng tôi so sánh dựa trên những chỉ số đo lường chính đã giúp Hàn Quốc và Đài Loan (TQ) được gọi là con rồng kinh tế để đánh giá trường hợp của Việt Nam.

Ở phần hai, chúng tôi trình bày sáu nghiên cứu điển hình đã được lựa chọn: giáo dục; công nghệ nhảy vọt; vai trò của phụ nữ; du lịch, ẩm thực, mỹ thuật và giấc mơ Olympics (Thế vận hội); nông nghiệp giá trị gia tăng; công trình công cộng.

- Hai ông có thể chia sẻ vì sao lại là Hàn Quốc và Đài Loan (TQ)?

- Korsmoe: Đài Loan (TQ) và Hàn Quốc đã phát triển trong 50 năm liên tiếp. Sự phát triển ổn định như vậy là điều rất bất thường trong lịch sử thế giới.

- Taylor: Nhiều quốc gia bị kẹt ở thu nhập trung bình. Nhưng hai quốc gia này đã nhanh chóng vượt qua.

- Korsmoe: Đài Loan (TQ), Hàn Quốc mất 20 năm để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Trong trường hợp tiếp tục trên đà phát triển, Việt Nam cần ít nhất 15 năm nữa để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Câu hỏi quan trọng ở đây là: Liệu Việt Nam có thể làm được những gì Đài Loan (TQ), Hàn Quốc đã làm không?

- Taylor: Ở đây, ta cũng cần quay về với yếu tố văn hóa. Ta có xu hướng nhóm các quốc gia theo địa lý. Việt Nam có thể thuộc Đông Nam Á xét theo địa lý. Nhưng về văn hóa, Việt Nam thuộc về Đông Bắc Á. Một sự giao thoa.

Con rồng kinh tế châu Á đều là các quốc gia Đông Bắc Á, ngoại trừ Singapore. Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đã cố gắng nhưng 30-40 năm qua họ chưa bao giờ chứng minh được rằng họ có thể là con rồng kinh tế, dù họ có xuất phát điểm mở cửa kinh tế sớm hơn Việt Nam.

Viet Nam rong chau a anh 2

Sách Việt Nam - ngôi sao đang lên của châu Á bản tiếng Anh (trái) và tiếng Việt (phải). Ảnh: Tâm Anh.

Người Việt ngày càng tự hào hơn về đất nước

- Hai ông nhận thấy những thay đổi gì trong văn hóa của người Việt Nam trong vòng 30 năm qua?

- Taylor: Tôi nghĩ người Việt hiện nay tự hào nhiều hơn về đất nước mình. Cách đây 30 năm, đất nước còn đối diện với nhiều khó khăn. Trong ký ức của tôi, hầu như hiếm thấy người Việt hồi những năm 1990 có nhiều hoạt động giải trí đa dạng. Lấy ví dụ, người chơi thể thao vì niềm vui, sở thích không nhiều, và đất nước cũng chưa tham gia tích cực vào các cuộc thi đấu quốc tế.

Nhưng đến nay, Việt Nam thường xuyên năm trong top đầu ở các giải đấu Đông Nam Á như SEA Games, có thành tích tốt tại các giải châu Á, có năm đoạt huy chương Olympics. Mới đây nhất, đội bóng chuyền nữ vừa giành vé vào World Cup. Trước đó đội tuyển bóng đá cũng đã vào Vòng chung kết World Cup.

- Korsmoe: Người Việt cũng tìm tòi nhiều hơn về lịch sử, văn hóa nước mình, từ đó khơi dậy và nuôi dưỡng bản sắc. Tôi thấy họ có đi du lịch nhiều hơn, nhìn ngắm những thắng cảnh của đất nước. Rất nhiều địa điểm du lịch được khám phá và giới thiệu mới liên tục trong vài năm qua.

- Nhân nói về thể thao, Việt Nam vừa trắng tay tại kỳ Olympics Paris, khiến nhiều người hâm mộ nước nhà thất vọng…

- Taylor: Thành tích tại những đấu trường quốc tế là thành quả của quá trình đầu tư bền bỉ, bài bản, khoa học. Không thể cứ một, hai năm dựa vào may mắn mà đạt được. Vậy nên tôi nghĩ thể thao Việt Nam, cả đội ngũ người làm quản lý, huấn luyện viên, vận động viên… lẫn người hâm mộ đều nên kiên nhẫn hơn một chút. Rồi những thành tích mà các bạn mong đợi và hướng đến sẽ đạt được.

Viet Nam rong chau a anh 3

Sam Korsmoe tại chương trình chạy bộ tại Cúc Phương (trái) và Pù Luông (phải). Ảnh: NVCC.

- Câu chuyện giấc mơ Olympics này có lẽ cũng áp dụng được cho những lĩnh vực khác?

- Korsmoe: Tôi biết nhiều người hiện nay phàn nàn rằng các tuyến metro xây quá lâu. Nhưng câu chuyện tương tự cũng từng xảy đến với tàu điện của Đài Loan (TQ). Nếu tôi nhớ không nhầm, tuyến đầu tiên xây mất 8 năm. Nhưng rồi những tuyến sau đó, nhanh chóng hơn rất nhiều.

Những tuyến đường metro mới ở TP.HCM và Hà Nội, rồi cũng sẽ được xây ngày một nhanh hơn tuyến đầu tiên. Đến một lúc nào đó, các bạn cũng sẽ có cả hệ thống metro chằng chịt thuận tiện cho di chuyển.

- Taylor: Một ví dụ khác, hãy nhìn vào những cây cầu. Càng về sau, những cây cầu to, đẹp ở TP.HCM càng mất ít thời gian để xây dựng hơn trước. Vì người làm đã biết quản lý, biết kỹ thuật, có kinh nghiệm.

- Hai ông nghĩ có những ngành mũi nhọn nào mà Việt Nam nên chú trọng đầu từ để tận dụng thế mạnh?

- Taylor: Trước nhất, chắc chắn là nông nghiệp. Việt Nam đã là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng một số nông sản. Sam nói rằng Việt Nam có thể gia tăng giá trị cho những nông sản đó, chế biến và tạo ra các thương hiệu quốc tế như cà phê, hải sản và hạt điều...

Tôi không nghi ngờ gì rằng Việt Nam sẽ có các công ty công nghệ cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (TQ) trong vòng 10 đến 20 năm. Chính phủ đưa ra nhiều cam kết cho ngành công nghiệp bán dẫn, dữ liệu, năng lượng tái tạo… tất cả những gì cần thiết cho làn sóng tiến bộ công nghệ tiếp theo.

Còn một ngành nữa, đó là du lịch. Những hang động mới được khám phá ở Quảng Bình, những thác nước, cao nguyên mới được "phát hiện" ở phía Bắc và nổi danh trên mạng xã hội… những tin tức này luôn làm tôi, và có lẽ những ai đam mê du lịch, rất bất ngờ và hào hứng. Những thắng cảnh đó vẫn luôn có ở đó, chỉ là chúng ta chưa từng biết đến. Tôi nghĩ ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa được khai thác xứng đáng với những giá trị tiềm ẩn sẵn có.

Nhìn lịch sử theo chiều rộng để trân trọng sự phát triển

- Ngày nay nhiều người trẻ Việt ra nước ngoài học tập và làm việc, không ít trong số đó mong muốn định cư lâu dài ở những quốc gia khác. Họ cho rằng ở những nơi đó có nhiều cơ hội hơn, môi trường cởi mở để phát triển hơn. Hai ông nghĩ sao về điều này?

- Taylor: Tôi có thể hiểu được tâm lý đó. Tôi cũng rất hoan nghênh những người trẻ bước ra thế giới để quan sát và học hỏi nhiều hơn. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, Việt Nam là một nơi đáng sống. Ở một số nước phát triển, họ giàu có hơn, tuy nhiên không phải tất cả đều hạnh phúc hơn.

- Korsmoe: Tôi có hỗ trợ hướng dẫn nhiều sinh viên viết thư giới thiệu nộp đi du học. Và đa số họ đều bày tỏ rằng họ đi để trở về, đi để học tập, làm việc và tích lũy kinh nghiệm rồi sẽ quay lại đây.

- Taylor: Tôi không rõ các bạn định nghĩa ra sao về "cởi mở". Nhưng tôi thực sự thấy môi trường ở đây rất thoải mái, gần như bạn có thể dễ dàng theo đuổi công việc mình mong muốn. Mở một doanh nghiệp ở đây, chỉ mất 3 ngày. Ở những nước khác, bạn cần đủ loại giấy phép, chứng chỉ… dù chỉ để làm một công việc kinh doanh nhỏ.

Thương mại tự do mang lại sức sống cho nền kinh tế. Một nền kinh tế thị trường thực sự, nơi mọi người đều phải cạnh tranh. Ta có thể thấy điều đó ở Việt Nam.

Sam Korsmoe

- Korsmoe: Ai ai cũng có thể di chuyển dễ dàng. Vietnam Airlines phải cạnh tranh với Vietjet và các hãng hàng không khác. Các doanh nghiệp nhà nước không được bảo hộ hoàn toàn như ở nhiều quốc gia. Thương mại tự do chính là như thế, và điều đó mang lại sức sống cho nền kinh tế. Một nền kinh tế thị trường thực sự, nơi mọi người đều phải cạnh tranh.

- Trong sách có một phần viết riêng về vai trò của phụ nữ ở Việt Nam. Hai tác giả có thể chia sẻ thêm về điểm này?

- Taylor: Phụ nữ đóng vai trò mạnh mẽ trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Họ không bị bó buộc bởi những luật bị thông qua dựa trên cơ sở lý do tôn giáo hay định kiến về vai trò giới như một số nước khác. Họ có thể tham gia vào hầu khắp mọi ngành nghề, giữ nhiều chức vụ quan trọng.

- Korsmoe: Họ có quyền kế hoạch hóa gia đình, chủ động kiểm soát việc mang thai và sinh con. Với trường hợp ly hôn hoặc chăm sóc trẻ nhỏ sau sinh, quyền lợi của phụ nữ cũng tốt hơn ở rất nhiều nơi.

- Một lời ngắn gọn mà hai tác giả muốn nhắn gửi đến những độc giả Việt Nam, và độc giả ở các quốc gia khác về cuốn sách này?

- Korsmoe: Tôi kỳ vọng người Việt Nam sẽ đọc cuốn sách này và cảm thấy tự hào, tự tin hơn vào con đường của các bạn.

Taylor: Tôi mong những độc giả nước ngoài sẽ có một bức tranh toàn cảnh về Việt Nam, mở lòng để đón nhận những điều tốt đẹp từ đất nước này.

Sinh sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1997, Brook Taylor có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và quản lý, trong đó 25 năm tại Việt Nam, 8 năm làm đối tác của các công ty kiểm toán lớn (Big 5) và 17 năm làm Giám đốc Điều hành tại VinaCapital. Ông còn sáng lập và đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp thành công, bao gồm Timo và Rooster Beers. Ông cũng tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh trực tuyến khác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và du lịch.

Sam Korsmoe là người Mỹ đã gắn bó với Việt Nam từ năm 1990, sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1993 đến 2004, sau đó trở lại một lần nữa từ năm 2018 đến nay. Ông nói tiếng Việt thành thạo. Sam viết nhiều về kinh doanh, văn hóa, giáo dục và thể thao cho nhiều ấn phẩm, nổi bật là nhiều báo cáo nghiên cứu về thị trường Việt Nam.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng

Tâm Anh

thực hiện

Bạn có thể quan tâm