Nhàm chán là cảm nhận của anh Mike Scribner (27 tuổi, quốc tịch Mỹ) khi trở lại phố Bùi Viện (quận 1) sau hơn 2 năm. Hộp đêm đóng cửa, quán bar vắng khách, nhân viên đứng ngáp ruồi, lướt điện thoại.
Ngay cả dịp cuối tuần, khu phố Tây này vẫn vắng vẻ - bằng chứng rõ nét nhất cho thấy du lịch TP.HCM chưa phục hồi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM) nêu thêm thực tế dù nhiều khu chợ đêm, phố ẩm thực, phố đi bộ đã mở cửa trở lại nhưng còn đìu hiu. Khách quốc tế chưa có, còn khách nội địa thì rất ít.
"Cùng với lộ trình mở cửa của Chính phủ, kỳ vọng 2-3 tháng nữa, các khu phố có thể đón lượng khách tương đối trở lại", bà nói.
Các quán bar tại phố Tây Bùi Viện đìu hiu khách. Ảnh: Trang Minh. |
Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Việt Anh (Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM) cho biết từ khi mở cửa du lịch ngày 15/3 đến nay, số lượng khách du lịch đến TP.HCM không nhiều. Theo ông, giữa các địa phương hiện chưa có sự thống nhất trong kiểm soát dịch bệnh.
"Nếu vào TP.HCM mà đi địa phương khác vẫn test nhanh thì rất khó khăn. Thành phố phát triển du lịch trên cơ sở tận dụng liên kết vùng nên phải làm sao thống nhất về hướng dẫn", ông nói.
Một vướng mắc khác nằm ở việc khách du lịch mua bảo hiểm Covid-19 thế nào khi nguy cơ nhiễm khá cao. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang làm việc với Bảo hiểm Việt Nam để giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, đại diện Sở Du lịch cho rằng dù Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương cho 13 nước, chúng ta vẫn cần có thêm chính sách miễn thị thực song phương với một số nước khác thì mới có thể thu hút khách quốc tế.
Phố Bùi Viện tại TP.HCM vắng khách dù Việt Nam đã mở cửa du lịch từ 15/3. Ảnh: Đào Phương. |
Điểm sáng là theo tính toán của Sở Du lịch, dự kiến tháng 3-4, TP.HCM có thể đón 3.000 du khách nước ngoài.
Nói về thuận lợi, ông Việt Anh cho biết Việt Nam hiện là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân - đây là lợi thế lớn trong thu hút khách quốc tế. TP.HCM là điểm đến được nhiều khách du lịch quan tâm và có giá cả mua sắm tương đối thấp so với các nước nên khả năng cạnh tranh về giá tốt.
Ngoài ra, TP.HCM có nhiều sản phẩm du lịch như hệ thống đường sông, đường thủy nội đô độc đáo, khác biệt hoàn toàn so với Đồng bằng sông Cửu Long. Một số điểm đến hấp dẫn như Cần Giờ, Củ Chi vốn thu hút khách.
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương của thành phố đã thí điểm nhiều hoạt động kinh tế đêm.
Ví dụ, quận 5 đang khôi phục phố đông y, phố ẩm thực, phố vàng bạc đá quý. Quận 11 đang trình kế hoạch xây dựng phố ẩm thực trên đường Hà Tôn Quyền và phối hợp với Công viên Đầm Sen tổ chức hoạt động dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Quận 7 dự thảo kế hoạch hình thành 3-4 điểm về thương mại, ẩm thực, văn hóa để phục vụ người dân, thu hút khách du lịch. Huyện Cần Giờ đang lập đề án để xây dựng chợ đêm tại huyện để thu hút du khách.
Ngoài ra, Sở Du lịch đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng khu văn hóa du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An (xã đảo duy nhất của TP.HCM).