Adobe đã tuyên bố mua lại Figma vào tháng 9/2022. Ảnh: Bloomberg. |
Nguồn tin từ Reuters cho biết Adobe đã hủy hợp đồng trị giá 20 tỷ USD mua lại nền tảng thiết kế đám mây Figma do gặp trở ngại từ các cơ quan pháp lý. Cụ thể, nguyên nhân được hãng đưa ra là "không có lộ trình rõ ràng" để nhận được phê duyệt lệnh chống độc quyền ở Châu Âu và Anh.
Đây là một trong những thỏa thuận lớn nhất nếu muốn mua lại một công ty khởi nghiệp phần mềm như Figma. Nếu hủy bỏ thương vụ, Adobe còn phải trả cho Figma một khoản phí chấm dứt trị giá 1 tỷ USD.
Sự kiện Adobe bắt tay Figma là một trong những vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành phần mềm. Nó được tờ Bloomberg ví như một cú đặt cược khổng lồ, cho thấy các công việc trong ngành sáng tạo sẽ dần được chuyển đổi thực hiện trên web. Đây chính là thị trường mà Figma đã nhanh chóng bành trướng từ lâu.
Thương vụ sẽ củng cố sức mạnh của bộ công cụ Adobe bằng cách tích hợp giao diện web của Figma và cộng đồng người dùng khổng lồ. Mặc dù Adobe đã ra mắt các sản phẩm giá thành phải chăng hơn cho người dùng, nhưng hầu hết dịch vụ của hãng vẫn chỉ hoạt động trên PC và dành riêng cho người trong ngành.
Do đó, Adobe - kẻ thống trị trong nhiều năm trong lĩnh vực phần mềm sáng tạo với Photoshop và Illustrator - đã tuyên bố mua lại Figma vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, cơ quan pháp lý lại cho rằng thỏa thuận này là ví dụ điển hình cho trường hợp một công ty công nghệ có chỗ đứng muốn vùi dập một đối thủ cạnh tranh non trẻ.
Dù chấm dứt hợp đồng 20 tỷ USD với Figma, vị thế thống trị của Adobe trên thị trường phần mềm sáng tạo vẫn không thay đổi. Ảnh: Bloomberg. |
Tháng trước, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) khẳng định thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến đổi mới, nâng cấp tính năng của Figma - phần mềm được sử dụng bởi đại đa số các nhà thiết kế nước này. Tuyên bố này giống với những lo ngại tương tự của EU về khả năng giảm cạnh tranh, độc quyền thị trường.
Các nhà lập pháp ở Anh đã đề ra rất nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn cản thỏa thuận nhưng bị Adobe từ chối. Cùng lúc đó, các cơ quan quản lý ở Mỹ cũng đang chuẩn bị một vụ kiện để ngăn chặn việc mua lại Figma vào đầu năm nay.
Cả Adobe và Figma "hoàn toàn không đồng ý với những yêu cầu gần đây từ chính quyền”. “Nhưng chúng tôi tin rằng cách tốt nhất là nên tiếp tục hoạt động độc lập", Giám đốc điều hành Adobe Shantanu Narayen nói trong thông cáo.
Nhà phát hành Photoshop lập luận rằng hãng không hề cạnh tranh hay chơi xấu với Figma. Tính đến thời điểm hiện tại, sản phẩm duy nhất của Adobe liên quan đến lo ngại về chống độc quyền là công cụ thiết kế kỹ thuật số Adobe XD.
“Không Figma, không sao cả” là tiêu đề của bài đăng do nhà phân tích Kirk Materne tại Evercore ISI thực hiện. Ông Materne cho rằng Adobe đang ở vị thế mạnh hơn nhiều so với thời điểm thỏa thuận được công bố nhờ các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI). Do đó, việc rút khỏi thương vụ sẽ có thêm vốn để mua lại cổ phần.
Đồng quan điểm, Anurag Rana - nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết chấm dứt hợp đồng 20 tỷ USD với Figma sẽ “không làm thay đổi vị thế thống trị của Adobe trên thị trường phần mềm sáng tạo”. Nhà phân tích Michael Turrin của Wells Fargo lưu ý do cổ phiếu Adobe tăng giá gần đây, tổng chi phí của thương vụ này có thể lên tới gần 26,5 tỷ USD.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.