Chiều 22/2, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Một trong những nội dung đáng quan tâm của dự luật lần này là bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (khoản 3 Điều 1).
Bổ sung để bảo đảm tương đồng, thống nhất
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa ký, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ. Đó là nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu và nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. |
Cụ thể, đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cụ thể, Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35/ 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác trong cùng nhóm.
Thể chế kịp thời quy định của Đảng
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, theo Kết luận số 35 về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã xác định các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam gồm: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Trong khi đó, các chức danh, chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội đã được Luật Cảnh vệ quy định là đối tượng cảnh vệ.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Việc này nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam.
Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định đối tượng cảnh vệ trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia, để bảo đảm tính chất tương ứng, nhất là khi đối tượng cảnh vệ đi công tác ở nước ngoài.
Bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong thời gian gần đây.
Trong đó đáng chú ý là thể chế Nghị quyết số 12, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng về nội dung xây dựng lực lượng Công an nhân dân; phù hợp với Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.