Xuất hiện trong chương trình "Kết nối không giới hạn" của HTV, với trang phục quần bò, áo thun khá đặc trưng của người làm kỹ thuật, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG đã có những chia sẻ khá thú vị xung quanh việc Zalo sang thị trường Myanmar.
Theo lẽ thường, một đơn vị lớn như Zalo bỏ công sức, tiền của để đưa ứng dụng Việt sang thị trường thế giới thì phải có kế hoạch chi tiết, công phu, tính toán tỉ mỉ khả năng thành công và kèm theo mục tiêu lớn lao nào đó. Chưa kể trong nước, Zalo đang loay hoay giải bài toán nguồn thu nên việc ra nước ngoài cần xem xét cẩn trọng, vì có nguy cơ mất trắng khoản đầu tư.
Nhưng bất ngờ đã đến với khán giả xem truyền hình. Lý do của những người làm Zalo khá giản dị khi tự đặt ra cho mình áp lực để tiến bộ từng ngày. “Chúng tôi tin rằng con người ta chỉ có thể phát triển được trong hoàn cảnh hết sức khó khăn”, Ông Khải chia sẻ.
Ngoài ra, đây cũng là cách mà Zalo tạo cơ hội cho những người trẻ được thử thách, thể hiện năng lực của mình và tạo ra các giá trị mới.
Bên cạnh đó, không chỉ Zalo, đội ngũ này còn có kế hoạch đưa các sản phẩm khác như Zing MP3, Báo Mới sang thị trường quốc tế. Không quá áp lực bản thân phải thành công ngay từ lần đầu tiên ra thế giới, nhưng các kỹ sư Việt vẫn khẳng định họ sẽ không từ bỏ khát vọng toàn cầu.
“Nếu không thành công ở thị trường Myanmar, điều đó cũng sẽ không ngăn cản được chúng tôi đi sang các nước khác ở Đông Nam Á, châu Á và ngoài châu Á. Nếu 10 đội đi ra thế giới và chỉ có hai đội thành công, thì đó cũng sẽ là vốn tích lũy quý báu để có thể phát triển hơn trong tương lai”, Ông Khải nhấn mạnh.
Phát biểu này của ông Khải một lần nữa bị dư luận nhìn nhận là quá lãng mạn, lý tưởng hóa. Tuy nhiên, tìm thấy động lực trong sự lãng mạn đã trở thành phong cách thường thấy của những người làm Zalo.
Quay về thời điểm cách đây 4 năm, Zalo cũng ra đời trong bối cảnh thị trường đã bão hòa với các ứng dụng ngoại và chưa có một tiền lệ nào cho thấy sản phẩm công nghệ Việt có thể chiếm ưu thế so với sản phẩm toàn cầu. Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng Zalo đang rất liều lĩnh và thiếu tính toán.
Trái ngược với những băn khoăn từ cộng đồng, người làm Zalo hầu như quá bận tâm đến việc thành, bại trong cuộc chiến OTT. Đối với họ, đây là giấc mơ lãng mạn và có phần viển vông. “Lúc đó, chúng tôi bắt đầu với con số 0, chỉ với một khát vọng duy nhất là người Việt có thể làm ra được các sản phẩm tốt – vị lãnh đạo bộc bạch.
Hiện tại, chính sự lãng mạn này đã giúp làng công nghệ Việt có một sản phẩm đứng vững trên sân nhà với 60 triệu người dùng. Theo đánh giá của một nhà báo trong ngành thì chắc hẳn những người làm Zalo cũng đã tìm thấy lý lẽ cho sự viển vông này.
“Thà viển vông để có sức mạnh tiến về phía trước còn hơn dành thời gian để đắn đo rồi dậm chân tại chỗ. Cái hay của những người làm Zalo đã biết tự cởi trói cho mình khỏi những áp lực khen chê đánh giá từ phía dư luận, dám chấp nhận sai lầm để đổi lấy những bài học và tiến bộ hơn mỗi ngày”.
Cũng trong chương trình, ông Khải cũng tiết lộ rằng đội ngũ này học hỏi rất nhiều từ các đối thủ về việc phát triển sản phẩm, marketing, truyền thông…Điều mà những kỹ sư Việt tự hào nhất là nền tảng kỹ thuật do chính họ phát triển.
Với họ, dù nền tảng kỹ thuật sẽ tiến bộ hơn, công nghệ có thay đổi đến mức độ nào thì nhu cầu người dùng luôn là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất để hình thành các xu hướng mới.
“Quan trọng là đội ngũ kỹ thuật phải biết nghiên cứu để tìm ra nhu cầu mà ngay cả bản thân người dùng cũng không thể tự mô tả được”, Ông Khải khẳng định.