Chị Nguyễn Thị Ánh N. (Ninh Kiều, Cần Thơ) đang sử dụng sổ tiêm chủng điện tử của Bộ Y tế. Chị cho biết sổ tiêm chủng này giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho gia đình, không phải đi đến điểm tiêm chủng nhiều lần do hết vắc-xin như trước đây mà vẫn tiêm được đúng hẹn.
Trong khi đó, anh Trần Mạnh Q. (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, nhờ sổ tiêm chủng này, gia đình anh luôn nắm được tình trạng tiêm chủng của con, những mũi đã tiêm, những mũi sắp phải tiêm và lịch hẹn tiêm chính xác, đảm bảo sức khỏe cho bé.
Chị N, anh Q. là một trong số gần 20 ngàn phụ huynh đang sử dụng sổ tiêm chủng trên Zalo của Bộ Y tế để theo dõi nhật ký tiêm chủng cho con mình và hài lòng với tính năng này.
Theo chia sẻ của Bộ Y tế, phát kiến này xuất phát từ việc Bộ nhận thấy nhiều phụ huynh thường quên lịch tiêm chủng của con họ, nhiều bé không được tiêm đầy đủ dẫn đến việc dễ mắc bệnh nếu đến đợt dịch.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ nhận được phản hồi tích cực của người dân về chất lượng dịch vụ của mình. Thực tế, Bộ Y tế đang là một trong những Bộ đi sâu vào cuộc sống của người dân nhất.
Sự bùng phát Zika đang khiến nhiều người bất an, Bộ Y tế đã phản ứng nhanh bằng cách liên tục cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Địa phương nào đang có người bệnh, số lượng người bệnh cụ thể là bao nhiêu, các phương án đối phó dịch bệnh của Bộ gồm những gì… đều được công khai với người dân. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế còn đính thân đi đến các địa phương để chỉ đạo phòng chống dịch.
Thông tin về Zika trên các kênh thông tin chính thức của Bộ Y tế. |
Trên các kênh chính thức của Bộ như Zalo thì dành một mục riêng để nói về Zika: bệnh, triệu chứng, mức độ tác động đến sức khỏe và cách phòng bệnh. Trước đó, khi có đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có những phản ứng tương tự. Cách đưa thông tin rõ ràng, cụ thể và kịp thời này của Bộ đã nhận được sự hoan nghênh từ phía người dân vì họ có đủ thông tin, kiến thức để chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của người thân và gia đình.
Dư luận cũng chưa quên việc Bộ Y tế cho phép tra cứu những điểm tiêm chủng gần nơi ở trong đợt cao điểm khủng hoảng vắc xin vào cuối tháng 12 năm ngoái hay việc Bộ tổ chức khảo sát lấy ý kiến người dân để cải thiện chất lượng dịch vụ. Bộ cũng tạo điều kiện cho người dân có thể liên lạc tức thì với Bộ nếu gặp tình trạng bức xúc, nhũng nhiễu liên quan đến cán bộ ngành y, hoặc muốn phản ánh tình trạng thực phẩm bẩn với Bộ trưởng.
Không chỉ dừng lại ở việc công khai minh bạch thông tin, chủ động tạo ra kênh đối thoại với người dân, lắng nghe nhu cầu của người dân mà còn ở chỗ Bộ đã khéo léo ứng dụng xu hướng công nghệ mới để đến gần hơn với dân. Người dân dùng gì thì Bộ dùng chính công cụ đó để tiếp cận họ. Dân cập nhật công nghệ mới đến đâu, Bộ cũng sẽ theo đến đó.
Khi trào lưu di động phát triển, việc tương tác trên các ứng dụng như Zalo trở nên phổ biến thì Bộ Y tế cũng rất nhanh chóng, kịp thời triển khai rất nhiều hoạt động trên các ứng dụng này. Đây có thể được xem là một minh chứng cho thấy khả năng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi và bước tiến vượt bậc trong tư duy quản lý.
“Tôi cảm thấy như mình được đối xử một khách hàng của một doanh nghiệp tận tâm nào đó chứ không chỉ là một người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ nhà nước” - Anh Trần Quốc H. (quận 11, TP.HCM) phát biểu cảm nghĩ về các hoạt động của Bộ Y tế trong thời gian gần đây.
Trước đó, trong một cuộc họp báo Chính phủ hồi năm 2015, đại diện Bộ y tế từng khẳng định, Bộ rất lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân trên internet. Có vẻ như cam kết này đang được Bộ Y tế nghiêm túc thực hiện mà minh chứng là hàng loạt hoạt động nổi bật vừa qua.