"Bruxinghe luxinge..." - tiếng rao của cậu bé tầm 10 tuổi, trên tay cầm chiếc rổ lớn chứa đầy SIM điện thoại trên chuyến phà qua sông Yangon, dẫn đến một khu dân cư nghèo khổ và thưa thớt. Ở đây, poster quảng cáo của các nhà mạng như Ooredoo, MPT hay Telenor có mặt ở khắp mọi nơi, từ quầy vé số ven đường cho đến tấm bạt phủ trên yên chiếc xe lôi cũ kỹ.
Đó là minh chứng rõ ràng cho sự chi phối của viễn thông và nhu cầu liên lạc ở một đất nước 54 triệu dân trong giai đoạn mở cửa như Myanmar.
Một cậu bé bán SIM trên phà ngang sông Yangon. Ảnh: Duy Tín. |
"Cước nghe gọi, nhắn tin ở đây còn khá cao so với mức sống của người dân. Không giống những nơi khác, 3G ở Myanmar phổ biến hơn Wi-Fi. Nhu cầu liên lạc của người dân là rất lớn, nên họ sử dụng những ứng dụng nhắn tin để tiết kiệm chi phí", Yan Niang (24 tuổi, sống ở Yangon) - cựu nhân viên nhà mạng, hiện làm trong ngành quan hệ công chúng - chia sẻ với Zing.vn.
Ở nhà Yan Niang, mẹ của anh cho biết bà thường dùng ứng dụng nhắn tin để gọi chồng và các con về ăn cơm, hay nhắc nhở họ cẩn thận mỗi khi ra đường. "Là mẹ, là vợ, tôi rất quan tâm đến những điều như vậy".
Cách đó chỉ 2 km, bên kia dòng sông Yangon, nội ô cố đô Myanmar diễn ra một sự kiện khá đặc biệt. Trong cuộc họp báo cuối tháng 10, ông Vương Quang Khải, Phó tổng Giám đốc VNG, công bố dịch vụ nhắn tin của Việt Nam có 2 triệu người dùng tại đất nước này. Thêm một sản phẩm của người Việt đặt chân đến đây sau những cái tên như Viettel, BIDV hay Hoàng Anh Gia Lai.
Từ Hà Nội đến Yangon
Cố đô - trung tâm kinh tế của Myanmar đang lột xác dữ dội, đến mức mà các hãng thông tấn hàng đầu như BBC hay CNN chạy những dòng tít đầy cảnh báo: "Hãy đến Yangon ngay trước khi nó thay đổi mãi mãi".
Tại đây, những giá trị mới lẫn cũ song hành và dẫm đạp lên nhau. Người ta dễ bắt gặp những chiếc xe bus trang bị máy quẹt thẻ từ chạy giữa rừng xe lam già cỗi chở đầy người, hay đâu đó những nhà sư mặc cà sa đi khất thực trên vỉa hè đầy quạ đen, xen lẫn bồ câu trắng.
Những người tu hành khất thực trên đường phố Yangon. Ảnh: Duy Tín. |
"Khi lần đầu đến đất nước các bạn, tôi cảm thấy nơi này có nét gì đó cổ kính, êm đềm như Hà Nội - quê hương tôi. Myanmar cũng là một nước đông dân, giàu tiềm năng, nhiều điểm tương đồng với Việt Nam và đang mở cửa. Đó là lý do chúng tôi chọn thị trường này là điểm đến đầu tiên trong khu vực", ông Khải nói với truyền thông Myanmar tại buổi họp báo.
Myanmar hiện có 54 triệu dân, trong đó khoảng 18 triệu người dùng Internet trên mạng di động 3G và 4G, tính đến 2016. Theo thống kê của GSMA, bốn lý do hàng đầu để người dân nước này dùng điện thoại là gọi lại cuộc gọi nhỡ, nhắn tin, nghe nhạc và nhận cuộc gọi. Zalo với tính năng cốt lõi là nhắn tin miễn phí và tin nhắn thoại, có thể giải quyết được 2 nhu cầu cơ bản nhất của người dùng tại quốc gia này.
"Bốn tháng trước tôi đến Yangon, khi bật tính năng 'tìm quanh đây' tôi chỉ thấy một số ít người bản xứ dùng Zalo, và họ ở cách xa hàng chục km. Thế nhưng lúc này, tôi đã thấy có rất nhiều người dùng và họ chỉ cách tôi vài trăm mét đổ lại. Đó là một niềm vui đối với những người làm sản phẩm", ông Khải chia sẻ với báo chí trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 10.
'Made in Vietnam' là một lợi thế, nhưng không phải bùa hộ mệnh
Tại Yangon, hàng hoá có nguồn gốc Việt Nam được người dân ưa chuộng, giống hệt như cách người Việt cuồng các sản phẩm của Thái Lan", Nguyễn Minh Phong - nhân viên một công ty ở Myanmar - chia sẻ.
Đây không phải câu nói đùa. Nếu đi vào những khu trung tâm mua sắm, người ta có thể bắt gặp một góc nhỏ những mặt hàng có chữ Việt, được nhập khẩu về và bày bán với giá phải chăng. Những cửa hàng thời trang chuyên bán quần áo "made in Vietnam" có lúc hiện diện giữa góc ngã tư và luôn tấp nập khách.
Nhưng đối với Zalo, hay cả người đi trước là Viettel, cũng không phải "bỗng nhiên được ưa chuộng" nhờ đóng mác Việt. Trước khi Viettel vào Myanmar, hai nhà mạng Ooredoo của gã nhà giàu Qatar và Telenor của Na Uy đã cắm rễ. Khi Zalo mới "chạm ngõ" ở đây, Viber, Wechat, Line... đã có thị phần.
Một người lái xe lôi ở Yangon đang nhắn tin trên chiếc điện thoại có giá dưới 100 USD. Theo GSMA, 65% người dân nước này sở hữu smartphone và đa phần là điện thoại giá rẻ, cấu hình thấp. Ảnh: Duy Tín. |
"Họ đầu tư tiết kiệm, kỷ luật, ý chí nhà binh, từ đó giúp kéo giá thành dịch vụ xuống và cung cấp dịch vụ giá rất cạnh tranh. Thứ hai là Viettel có một kinh nghiệm dạn dày phủ mạng lưới và làm rất nhanh. Thứ ba, Viettel đi tới đâu cũng song hành với công tác xã hội và cộng đồng tại nơi đó, cung cấp nhiều chương trình Internet miễn phí, học bổng… tạo được nhiều thiện cảm", nhà báo Thẩm Hồng Thuỵ phân tích về cách doanh nghiệp này khai phá thị trường tại các quốc gia đang phát triển. Đây cũng có thể xem là gợi ý cho những doanh nghiệp công nghệ bước đầu "xuất khẩu" dịch vụ CNTT.
Về phần Zalo, bốn tháng qua, các kỹ sư có lúc phải nhờ đến thông dịch viên địa phương để cùng len lỏi vào những ngõ ngách, chợ, siêu thị, chùa chiền, các địa điểm công cộng để tiếp xúc với người dân bản địa, trực tiếp lắng nghe mong muốn của họ.
Tiếp đến, hàng loạt máy chủ được thiết lập ngay tại Myanmar để lấn át các ứng dụng nhắn tin khác về mặt tốc độ và sự ổn định. "Chúng tôi không quá bận tâm đến các đối thủ của mình, mà chỉ tập trung vào việc đáp ứng được nhu cầu của người dùng tại Myanmar", ông Khải nói với Zing.vn.
Xuất phát sau dường như là thói quen của Zalo, khi chính tại Việt Nam, ứng dụng nhắn tin này ra đời muộn hơn nhưng giành chiến thắng trước Viber, Wechat, WhatsApp... để trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất. Tính đến tháng 4, ứng dụng này có hơn 50 triệu người dùng.
Do đó, lần "đến sau" này ở Myanmar được chính những người của Zalo coi đó là một sự lãng mạn, nhưng đầy thử thách. Còn quá sớm để khẳng định "Zalo đã được yêu" ở thị trường này, bởi 2 triệu người dùng vẫn được cho là con số khiêm tốn so với mục tiêu chiếm 50% thị phần, nhưng nó đủ để chứng minh cơ hội vẫn dành cho những người đến sau nếu có họ khát vọng chinh phục và làm được sản phẩm đủ tốt.