Năm 1976, đôi bạn Steve Jobs và Steve Wozniak thành lập công ty. Theo cuốn sách tiểu sử do tác giả Walter Isaacson viết, Steve Jobs thường bị ám ảnh bởi trái táo nên quyết định chọn tên Apple cho công ty máy tính của mình.
Trước đó, Jobs đã thuyết phục Wozniak, khi đó đang làm việc tại hãng máy tính Hewlett-Packard, rằng thành lập công ty sẽ mang đến nhiều lợi ích.
"Kể cả khi thua lỗ, chúng ta vẫn có công ty cho riêng mình. Một lần trong đời, chúng ta sẽ sở hữu công ty" là một trong những câu nói nổi tiếng của Jobs.
Theo Metro, sau khi nghe Jobs thuyết phục, Wozniak đã bán chiếc máy tính bỏ túi HP với giá 500 USD, còn Jobs bán chiếc xe Volkswagen để có vốn thành lập công ty. Khi đã có tiền, Jobs và Wonziak suy nghĩ tên cho công ty sắp thành lập.
Apple được thành lập vào 1/4/1976 tại Los Altos, California (Mỹ). Ảnh: Digital Trends. |
Chọn tên Apple do bị "ám ảnh" bởi trái táo
Cuốn sách về tiểu sử Jobs của tác giả Walter Isaacson ghi rằng ông là người thích táo. Khi còn học Cao đẳng Reed, Jobs đã gặp Robert Friedland, người thành lập cộng đồng có tên All One Farm vào những năm 1970. Chú của Friedland giao ông phụ trách một vườn táo, đồng thời dùng nơi này cho các buổi sinh hoạt cộng đồng, chủ yếu về thiền và tâm linh.
Những người trong All One Farm cùng nhau tỉa cây, hái táo, đốn củi và làm rượu táo. Jobs cũng gia nhập cộng đồng trong một thời gian, tham gia thu hoạch trái cây và giúp Friedland xây dựng cộng đồng. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người rời All One Farm vì cho rằng Friedland đã biến nơi đây thành công việc kinh doanh, không phải để tĩnh tâm.
Sau một thời gian quen biết rồi tham gia cộng đồng, trang trại táo và sở thích tâm linh của Friedland đã ảnh hưởng lớn đến Jobs.
Thời trẻ, Jobs cũng rất quan trọng chế độ giảm cân đến mức thường xuyên ăn một loại thực phẩm trong nhiều tuần. Cuốn sách về tiểu sử Jobs cũng có đoạn ghi rằng nhà sáng lập Apple từng ăn nhiều cà rốt trong vài tuần, đến nỗi da chuyển sang màu cam.
Jobs từng theo chế độ ăn kiêng với táo suốt nhiều tuần. Đó là lý do ông có nỗi "ám ảnh" đặc biệt về quả táo.
Steve Jobs và chiếc Macintosh đầu tiên. Ảnh: Time. |
Chiến lược SEO sơ khai
Về mặt kinh doanh, Jobs cho rằng tên gọi Apple có nhiều lợi thế bởi nó đứng trước một số công ty công nghệ khác, trong cuốn danh bạ điện thoại xếp theo bảng chữ cái. Theo Stanford Daily, lý do trên được tiết lộ trong tài liệu phỏng vấn giữa Jobs và Wozniak, được Apple tặng cho Đại học Stanford vào năm 1997.
"Mọi người gợi ý cho tôi Matrix Electronics và đủ loại tên khác nhau. Chúng tôi chỉ đơn giản quyết định sẽ gọi công ty là Apple Computer, trừ khi có ai gợi ý tên gọi hay hơn trước 5h cùng ngày. Một phần vì tôi thích táo, một phần do Apple đứng trước Atari, công ty mà tôi từng làm việc, trong danh bạ điện thoại", Jobs chia sẻ.
Có thể xem đây là chiến lược SEO (Search Engine Optimization - tối ưu tìm kiếm) sơ khai. Vào thời điểm đó, khách hàng sẽ dùng danh bạ điện thoại để tìm tên công ty, được xếp thứ tự theo bảng chữ cái trong lĩnh vực hoạt động. Những công ty có tên bắt đầu bằng chữ A như Apple, Atari thường được nhìn thấy đầu tiên thay vì VoodooPC hay Zeos.
Khi Internet còn trong thời kỳ sơ khai, những website cũng được sắp xếp theo thể loại và thứ tự bảng chữ cái. Tuy nhiên, mô hình của Google đã thay đổi điều đó khi kết quả tìm kiếm được sắp xếp dựa trên từ khóa, thời gian hay mức độ quan tâm.
Logo đầu tiên của Apple khi mới thành lập. Ảnh: 9to5mac. |
Logo đầu tiên của Apple rất khác so với logo hiện nay. Hình ảnh Newton ngồi dưới cây táo, chữ Apple Computer dường như không liên quan đến nhau. Ron Wayne, đồng sáng lập Apple cùng với Steve Jobs và Steve Wozniak là người vẽ ra logo này, theo Business Insider.
Trong những ngày đầu, Jobs và Wozniak được ghi nhận sở hữu 45% cổ phần Apple cho mỗi người, trong khi Wayne nắm giữ 10%. Tuy nhiên sau 12 ngày với tư cách đồng sáng lập, Wayne đã bán số cổ phần cho Wozniak với giá 800 USD và bị xóa tên khỏi công ty.
Logo của Wayne chỉ được sử dụng trong một năm. Sau đó, Jobs yêu cầu nhà thiết kế Rob Janoff tạo ra logo hiện đại hơn, thành quả là biểu tượng quả táo cắn dở với 6 màu.
Có lẽ thời điểm đó, Janoff không nghĩ rằng logo của mình sẽ trở thành biểu tượng của ngành công nghệ, thuộc về công ty giá trị nhất thế giới.