Ứng dụng Tiktok đang bị nhiều chính phủ quay lưng, trong đó có EU và Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
Hôm 15/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ lan truyền thông tin sai lệch về các rủi ro bảo mật tiềm ẩn của TikTok. Động thái này đến sau khi cơ quan chức năng Mỹ liên tục áp dụng những biện pháp cứng rắn với nền tảng này vì an ninh thông tin.
Dù ra sức bác bỏ những cáo buộc từ Mỹ, TikTok vẫn bị ảnh hưởng không nhẹ khi làn sóng tẩy chay ứng dụng này đã lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Điều gì đã khiến Mỹ “dè chừng” TikTok đến vậy?
Mối lo thất thoát dữ liệu
Mối lo của Mỹ về TikTok bắt nguồn từ một điều luật do Trung Quốc ban hành vào năm 2017, yêu cầu các công ty cung cấp cho chính phủ mọi dữ liệu cá nhân liên quan đến an ninh quốc gia.
Đặc biệt, tháng 12/2022, ByteDance đã sa thải 4 nhân viên vì truy cập trái phép dữ liệu người dùng của 2 nhà báo để phục vụ cuộc điều tra nội bộ về nguy cơ rò rỉ thông tin. Điều này càng khiến cho chính phủ Mỹ nảy sinh nghi ngờ.
ByteDance từng sa thải 4 nhân viên truy cập trái phép dữ liệu của nhà báo. Ảnh: Reuters |
Phát biểu trước Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, ông Christopher Wray - giám đốc FBI - cho rằng TikTok đe dọa an ninh quốc gia và Trung Quốc có thể thao túng thuật toán để truyền bá thông tin sai lệch.
“TikTok có thể là công cụ quan trọng mà chính phủ Trung Quốc đang nắm giữ, và đối với tôi, nó gây lo ngại về an ninh quốc gia”, ông Wray nói.
Động thái của chính phủ Mỹ
Trước sự phổ biến và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của TikTok tại Mỹ, chính phủ nước này đã có nhiều động thái nhằm hạn chế nền tảng.
Vào năm 2020, cựu tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông đã tìm cách buộc ByteDance bán bớt tài sản ở Mỹ và cấm TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng. Tuy nhiên, sau khi ByteDance đâm đơn kiện, nỗ lực của ông Trump không thành công.
Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, ông đã hủy bỏ các lệnh của người tiền nhiệm nhưng chỉ đạo một cuộc nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Kế hoạch bán tài sản của TikTok cũng bị hoãn lại khi chính quyền Biden đàm phán một thỏa thuận với ứng dụng nhằm giải quyết một số lo ngại về an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, vào đầu năm nay, 2 thượng nghị sĩ Richard Blumenthal và Jerry Moran đã hối thúc ủy ban đầu tư nước ngoài “kết thúc điều tra và áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt” với hoạt động của TikTok tại Mỹ.
TikTok đang đứng trước sức ép từ giới lập pháp Mỹ về việc bảo vệ dữ liệu người dùng. Ảnh: Reuters. |
Nhà Trắng gần đây đã yêu cầu các cơ quan chính phủ xoá TikTok khỏi mọi thiết bị trong vòng 30 ngày. Quốc hội, lực lượng vũ trang và hơn một nửa số bang của Mỹ đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị chính thức.
Nối gót Mỹ, hôm 16/3, Anh đã cấm các nhân viên chính phủ sử dụng TikTok. Đan Mạch và Canada cũng có động thái tương tự.
Phản ứng của TikTok
Trước những lo ngại về bảo mật từ Mỹ, người phát ngôn của TikTok, Maureen Shanahan, cho biết công ty đã áp dụng “sự bảo vệ minh bạch dựa trên yêu cầu của Mỹ đối với dữ liệu người dùng, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của bên thứ ba”.
Bên cạnh đó, để tránh bị cấm trên toàn nước Mỹ, vào tháng 6/2022, TikTok cho biết sẽ gửi tất cả dữ liệu từ người dùng nước này đến các máy chủ của công ty Oracle, đối tác của TikTok có trụ sở tại Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, ứng dụng video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance vẫn đang giữ lại các bản sao lưu dữ liệu trong các máy chủ của họ. TikTok hứa hẹn sẽ xóa dữ liệu người dùng Mỹ khỏi máy chủ, nhưng chưa cung cấp thời điểm cụ thể.
Vào tuần tới, Châu Thụ Tư - Giám đốc điều hành TikTok - sẽ trình bày trước Ủy ban thương mại và năng lượng Hạ viện Mỹ về các hoạt động bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, cũng như làm rõ mối quan hệ của công ty với chính phủ Trung Quốc. Theo The Guardian, trước phiên điều trần, ông Châu đã gặp mặt riêng một số nhà lập pháp, những người có xu hướng khó bị lay chuyển.
Châu Thụ Tư - Giám đốc điều hành TikTok - sẽ phải trình bày về việc bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư trên TikTok với Hạ viện Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
Sau khi triệu tập ông Châu vào tháng 2, Thượng nghị sĩ Michael Bennet cho biết ông vẫn “lo ngại rằng TikTok có thể bị chính quyền Trung Quốc thao túng”. Trước đó, Bennet từng kêu gọi Apple và Google loại bỏ TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng.
Trong khi đó, ByteDance đang cố gắng chứng minh mình là một công ty quốc tế, thay vì một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Theo Bertram, phó chủ tịch phụ trách chính sách của TikTok tại Châu Âu, ByteDance “không phải là một công ty Trung Quốc” với quyền sở hữu gồm 60% nhà đầu tư toàn cầu, 20% nhân viên và 20% người sáng lập. Các nhà lãnh đạo của TikTok có ở khắp nơi, gồm Singapore, New York, Bắc Kinh và các khu vực đô thị khác.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.