Đại dịch Covid-19 đang khiến cho kế hoạch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của Apple, Google hay Amazon gặp nhiều vấn đề.
Theo Nikkei, dòng sản phẩm Google Pixel 6 vẫn được đối tác của Google lắp ráp tại Trung Quốc, dù đầu năm 2020 hãng đã tính đến việc chuyển dây chuyền sang Việt Nam. Lý do Google chưa thể thực hiện kế hoạch là nhân công và những hạn chế về di chuyển.
Dịch bệnh khiến nhiều đối tác của Apple chưa thể mở rộng sản xuất, đáp ứng các sản phẩm mới. Ảnh: Bloomberg. |
Trong khi đó, Apple vẫn chưa thể sản xuất MacBook và iPad tại Việt Nam vì thiếu nhân sự, chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện và tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp. Táo khuyết cũng lựa chọn sản xuất phần lớn AirPods tại Trung Quốc thay vì Việt Nam như trước đây. Các dây chuyền ở Việt Nam chiếm khoảng 20% sản lượng AirPods trong kế hoạch của Apple.
Đối với Amazon, kế hoạch sản xuất chuông thông minh, camera giám sát và loa tích hợp trợ lý ảo tại Việt Nam từ tháng 5 cũng đang vướng phải khó khăn, theo nguồn tin của Nikkei.
Việt Nam được đánh giá là điểm đến tiềm năng đối với các công ty sản xuất đồ công nghệ vì vị trí gần Trung Quốc, nguồn nhân lực trẻ, không vướng phải các hạn chế thương mại từ Mỹ. Trong nhiều năm qua, những đối tác sản xuất và cung ứng cho Apple, Google, Amazon, Microsoft và Dell đều mở mới hoặc tăng quy mô nhà máy tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi cung ứng cần nhiều chuyên gia có tay nghề, kinh nghiệm để đào tạo nhân công trẻ. Dịch bệnh khiến việc du lịch, đi lại trong nước cũng như nhập cảnh khó khăn hơn. Đây là yếu tố lớn nhất khiến việc chuyển dây chuyền lắp ráp từ Trung Quốc sang Việt Nam gặp khó, theo chia sẻ của một lãnh đạo trong chuỗi cung ứng là đối tác của cả Apple và Google.
Vị lãnh đạo này cho biết việc sản xuất những sản phẩm mới gặp khó khăn hơn vì các công ty và đối tác cung ứng phải làm việc chặt chẽ nhằm đảm bảo nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, việc gửi chuyên gia sang cũng gặp khó khăn vì dịch bệnh khiến Việt Nam phải siết chặt quy định nhập cảnh. Nhiều quản lý trong các chuỗi cung ứng xác nhận với Nikkei Asia rằng những nhân sự Trung Quốc hiện tại rất khó xin visa làm việc tại Việt Nam.
"Năng lực chung của kỹ sư Việt Nam vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Do hạn chế về di chuyển, các dây chuyền ở Việt Nam chỉ có thể đáp ứng những sản phẩm đã được sản xuất hàng loạt ở nước ngoài, chứ chưa thể tự phát triển một dòng sản phẩm mới", người này nhận xét.
Dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 5 khiến nhiều công ty như Foxconn bị gián đoạn sản xuất. Ảnh: Foxconn. |
Dịch bệnh cũng khiến nhà máy của nhiều công ty phải dừng hoạt động. Ở miền Bắc, các đối tác Apple như Foxconn, Luxshare hay Goertek đã phải tạm dừng một thời gian vào tháng 5 khi dịch bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tình hình dịch tại miền Nam hiện nay cũng khiến nhiều công ty gặp khó.
Tuy nhiên Annabelle Hsu, nhà phân tích tại IDC cho rằng những vấn đề này sẽ chỉ là khó khăn tạm thời.
"Chúng tôi nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực tới dây chuyền sản xuất và sản lượng kể từ khi Covid-19 bùng phát trở lại và chính phủ áp dụng các biện pháp nhằm kiềm chế dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng những biện pháp này sẽ được áp dụng lâu dài, vì chúng có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế và tiềm năng sản xuất của đất nước", bà Hsu nhận định.
Trung Quốc hiện vẫn là trung tâm sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, bà Hsu cho rằng việc chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào những biến động địa chính trị trong tương lai.
Apple, Amazon và Google đều từ chối đưa ra bình luận.